Chùa Thượng Thanh (Thanh Oai)

Chùa Thượng Thanh, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, có tên chữ là Diên Phúc tự. Theo các nguồn sử liệu hiện còn và truyền thuyết dân gian vùng Thượng Thanh thì chùa Diên Phúc có từ xa xưa, từ thuở đầu Công nguyên đã là một ngôi chùa có tiếng trong vùng.

Chùa Diên Phúc tự

Chùa Thượng Thanh là di tích kiến trúc điêu khắc nghệ thuật. Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng, cùng với đình và miếu, tạo nên một khu văn hóa của địa phương. Chùa có quy mô bề thế, gồm nhiều hạng mục công trình khác nhau: gác chuông, chùa chính, nhà ở, nhà mẫu và khu nhà tăng… Theo tấm bia “Diên Phúc tự khí” khắc năm Cảnh Hưng thứ VI (1745) thì quy mô chùa Diên Phúc thuở đó đã lớn, gần như hiện nay. Từ đó đến nay, chùa Diên Phúc đã qua nhiều lần tu sửa lớn: vào đầu thời Minh Mệnh triều Nguyễn; các năm 1962, 1967 và 1992 chùa cũng được tu sửa từng phần một. Gác chuông được sửa lớn năm 1995. Các lần trùng tu lớn đã làm cho bộ mặt chùa Diên Phúc đổi thay, có những hạng mục được làm thêm, nhưng cũng có hạng mục kiến trúc đến nay không còn nữa.
Tam quan chùa
Xưa kia, phía ngoài gác chuông sát với con đường liên xã hiện nay là cổng tam quan. Cổng tam quan xưa là một ngôi nhà ba gian lợp ngói để trống mặt tiền và hậu. Cổng này đã bị phá cách nay đã mấy chục năm. Cổng tam quan hiện nay được xây mới năm 2005. Bên trái cổng hiện còn một cây muỗm cổ thụ, có chu vi gốc chừng hơn 5m, bóng che rợp cả một khoảng trời. Từ đường lớn, một lối đi lớn rộng hơn 3m dẫn thẳng vào gác chuông chùa. Mái chùa kiểu hai tầng bốn mái, khoảng cách giữa hai tầng mái là phần cổ diềm được để trống thoáng đãng. Bốn hàng chân cột và hai tường hồi gác chuông được xây bằng những viên gạch thế kỷ 18 được nung già, có màu đỏ sậm với những đường mạch vữa vôi mật.
Nhà tam bảo
Bốn bộ vì gác chuông được chạm khắc theo các đề tài hoa văn mây lá cách điệu, chữ thọ với những đường nét khỏe khoắn, trau chuốt theo phong cách điêu khắc gỗ thế kỷ 18. Tầng trên gác chuông treo hai quả chuông lớn và một quả chuông nhỏ còn tầng dưới là nơi đặt bảy tấm bia của chùa. Hai mặt tiền hậu gác chuông để thông thoáng làm lối đi kiểu tam quan. Cách gác chuông một khoảng sân rộng là tới chùa chính có quy mô mặt bằng kiểu chữ công (I).
Tượng tại chùa Diên Phúc phong phú, đa dạng và hầu hết được làm từ đất luyện nên có phong cách rất riêng cho một ngôi chùa làng. Hệ thống tượng chùa có kích thước nhỏ được thể hiện ở tư thế hơi gò, không thật tự nhiên, khuôn mặt tượng đầy, mũi cao, đài sen nở theo thế ngồi, mỏng, ngắn, thu gọn về đầu. Những hoa văn trang trí trên mũ, áo cũng như các đường nét có những điểm trùng lặp, phổ biến trong nghệ thuật tượng tròn thế kỷ 19 và 20.
 Gác chuông và chiếc chuông cổ trong chùa
Chùa Thượng Thanh hiện còn lưu giữ được một số lớn di vật quý, gồm nhiều chất liệu và chủng loại khác nhau: Bốn bức hoành phi, bốn đôi câu đối. Một cửa võng bằng gỗ chạm lộng, chạm bong đề tài lưỡng long chầu nguyệt, sơn son thếp vàng lộng lẫy theo phong cách chạm thế kỷ 19. Sáu quả chuông đồng: cổ nhất là quả chuông “Diên Phúc tự chung” đúc năm Cảnh Thịnh thất niên (1799) có chiều cao 1,15m, đường kính 57cm. Về niên đại quả chuông này, thoáng nhìn qua thì thấy ghi Cảnh Hưng, nhưng chữ Hưng bị lõm hẳn xuống, do người ta bào mòn chữ Thịnh và khắc vào đó chữ Hưng. Nếu Cảnh Hưng thất niên (1746) thì không phải là năm Kỷ Mùi có khắc ở chuông. Vậy chỉ có thể là Cảnh Thịnh thất niên, vì Cảnh Thịnh thất niên mới đúng là năm Kỷ Mùi (1799). Đời Cảnh Hưng không có năm Kỷ Mùi. Đây chính là trường hợp triều đại Gia Long đã cho người đi các nơi xóa bỏ dấu vết triều đại nhà Tây Sơn. Nhưng chỉ kịp xóa chữ Thịnh mà chưa xóa chữ thất niên, Kỷ Mùi, người đọc thoáng qua rất dễ bị nhầm lẫn.
Một quả chuông đồng lớn cỡ nữa được đúc năm Minh Mệnh nguyên niên (1820). Quả chuông này có kích thước tương tự quả chuông trên (cao 1,15m, đường kính đáy 0,6m). Ở quả chuông này, bốn khoang trên khắc chìm danh sách những người đã cung tiến tiền của đúc chuông.
Lầu Quan Âm
Chùa Diên Phúc đến nay còn lưu được 11 tấm bia đá. Nhiều bia trong số này là những tư liệu quý giá cho việc tìm hiểu lịch sử quá trình phát triển của chùa. Nằm ở hai đầu hiên nhà tiền đường là hai tấm bia lớn “Diên Phúc tự bi ký” khắc năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) và “Diên Phúc tự hậu phật bi ký” khắc năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740). Ngoài số bia đã bị mờ, khó nhận rõ mặt chữ và hoa văn trang trí, chùa còn có một tấm bia “Hậu Phật bi ký” được tạo dựng năm Chính Hòa thứ 21 (1700) có trang trí hoa văn khá đẹp. Bia cao 1,40m, rộng 76 cm, dày 14 cm; nét chữ trên bia còn rõ ràng. Cả hai mặt đều trang trí hoa văn. Trán bia là đôi rồng chầu mặt trời lửa cùng các cụm mây. Nét chạm tinh tế, sắc gọn theo phong cách điêu khắc của thế kỷ 17.
Hệ thống tượng tròn chùa Diên Phúc hiện nay gồm 47 pho tượng và một tòa Cửu Long. Ở các gian bên tòa tiền đường là nơi tọa lạc của các tượng khuyến thiện, trừng ác và bộ tượng Đức Ông. Tam bảo chùa Diên Phúc được xây thành những bệ gạch cao dần từ ngoài vào tới gần tường hậu của thượng điện làm nơi tọa lạc cho các pho tượng chùa. Ở vị trí trang trọng nhất là bộ Tam Thế thường trụ diệu pháp thân, lớp thứ hai là bộ Di Đà tam tôn, lớp thứ ba là bộ tượng Quan Âm chuẩn đề, lớp thứ tư là Quan Âm thiên thủ thiên nhãn. Lớp tượng bên ngoài là Ngọc Hoàng cùng Nam Tào Bắc Đẩu. Ngoài cùng là tòa Cửu Long và Phật Thích Ca đản sinh. Ở về hai phía bên trong Tam Bảo là nơi tọa lạc của Thập điện Diêm Vương, của nhóm tượng Thánh tăng và Quan Âm Tống sử. Nhìn chung tượng phật chùa Diên Phúc được thể hiện với kích thước nhỏ, theo phong cách nghệ thuật tượng tròn thế kỷ 19 – 20.
Rùa đội bia còn lưu giữ tại chùa
Về mặt giá trị khoa học – văn hoá – nghệ thuật: Chùa Diên Phúc được ra đời từ xa xưa nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần, văn hóa của một cộng đồng làng xã, cụ thể là làng Thượng Thanh. Đây là một ngôi chùa làng với quy mô to lớn, phong phú về số lượng tượng phật và di vật nên di tích có giá trị nhiều mặt điển hình của một kiến trúc Phật giáo truyền thống.
Nội dung này tự nó đã đem lại cho ngôi chùa một vị trí đáng kể trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà. Điêu khắc nghệ thuật ở chùa được tập trung thể hiện qua hệ thống tượng được tạo tác tỉ mỉ công phu nên mỗi pho tượng đều có một giá trị thẩm mỹ và xứng đáng là một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh. Các pho tượng mang vẻ đẹp riêng, đặc trưng cho các thời kỳ tạo ra chúng. Đồng thời, mỗi pho lại mang những nét khái quát đặc trưng riêng tiêu biểu cho tính cách của từng nhân vật cụ thể. Ngoài giá trị tự nhiên, vẻ đẹp của các pho tượng còn được tôn thêm bởi sự bài trí hợp lí trong không gian chung thống nhất. Do những đặc điểm trên, di tích chùa Thượng Thanh trở thành một phòng trưng bày nghệ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam ở giai đoạn lịch sử thế kỷ 19 – 20.
Với những giá trị của mình chùa Thượng Thanh đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Hits: 961

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *