Chùa Hà Trì (Hà Đông)

Chùa Hà Trì có tên chữ là “Đức Mục Tự”, có từ thời Lê Trung Hưng. Chùa nằm ngay sát cổng làng Hà Trì thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Chùa được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1993.
Theo lời kể của trụ trì và các tài liệu còn ghi lại, chùa được xây từ thời Lê Trung Hưng trên một mảnh đất rộng và cao ráo ở ven con ngòi thông với sông Nhuệ, thuộc làng Cầu Trì tên chữ gọi là thôn Kiều Trì. Đến năm 1831, đời vua Minh Mệnh đổi thành thôn Hà Trì, thuộc xã Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Nội. Ngày nay, làng Hà Trì đã hoàn toàn đô thị hóa nhưng một số công trình kiến trúc đẹp như đình, chùa và miếu dường như không hề bị biến đổi, tất cả đều giữ được những nét cổ kính từ đời này qua đời khác. Nổi bật giữa khung cảnh làng quê bình yên, thơ mộng là di tích chùa Hà Trì với một kiến trúc rất độc đáo.
Chùa Hà Trì là một trong những công trình kiến trúc có quy mô to lớn và theo ý nghĩa của người xưa nó có tầm quan trọng ảnh hưởng tới sự tín ngưỡng, tôn giáo tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc. Trong đó, chùa Hà Trì là hợp thể của các đơn nguyên kiến trúc như: gác chuông, tòa tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà Khách và tăng phòng.
Nhìn một cách tổng thể từ ngoài vào, chùa Hà Trì được xây dựng theo hướng Đông Bắc, trước chùa cách một con đường làng là hồ nước quanh năm trong xanh, dịu mát. Tiếp đến là tam quan gác chuông. Gác chuông được dựng trên một nền cao, theo kiểu thức 2 tầng 8 mái chồng diêm với 8 đầu đao cong. Đỉnh trên cùng mái tam quan chùa Hà Trì có xuất hiện hình ảnh lưỡng long chầu nhật, không chỉ mang ý nghĩa về sự xua đuổi tà ma mà còn trở thành họa tiết trung tâm, mang tư tưởng tam giáo đồng nguyên. Chính giữa nóc mái gác chuông đắp nổi hình mặt trời.
Qua Tam quan gác chuông là một khoảng sân lát gạch đỏ dẫn đến bậc thềm của tòa Tiền đường và Tam bảo. Tiền đường ngôi nhà năm gian được xây dựng trên cơ sở nền tảng kiến trúc cổ, kết cấu kiểu chữ Đinh (J), có cửa võng, y môn sơn son thếp vàng. Hầu hết ở những vị trí chính, các thức gỗ, vì kèo của tòa Tiền đường được bào trơn đóng bén, soi gờ chạy chỉ khá đơn giản. Các bộ vì làm kiểu thức chồng rường hạ kẻ trên 4 hàng chân. Tam bảo là 3 gian nhà dọc nối với Tiền đường ở gian giữa. Trang trí trên kiến trúc chủ yếu bào trơn, bào soi điểm xuyết các họa tiết đường triện, lá đề.
Từ cổng chính đi qua tòa Tiền đường và Tam bảo bên trái là khu Lăng tháp Tổ thờ các vị Tổ Sư trụ trì của chùa. Xưa nay, vườn tháp được xem như một công trình kiến trúc góp phần tôn vinh giá trị cho ngôi chùa mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Đi qua vườn tháp, phía sau tòa Tiền đường và Tam bảo là Nhà Tổ, nhà Mẫu. Xung quanh và phía sau là các cây xanh.
Nghệ thuật điêu khắc chùa Hà Trì cũng như nhiều ngôi chùa làng khác, tập trung vào hệ thống tượng và những đồ thờ. Trang trí kiến trúc chùa Hà Trì không dừng lại ở việc sử dụng các họa tiết thực vật, mây hay các con thú trong nhóm tứ linh, mà môtip trang trí được các nghệ nhân chế biến tinh tế, khéo léo trở thành nét nhìn mới mẻ về các họa tiết truyền thống. Bên cạnh những họa tiết trang trí chữ Hán mang tính truyền thống được sử dụng hầu hết ở các cột, nghệ nhân còn sử dụng nhiều họa tiết chạm khắc như hình lưỡng long chầu phượng, quý – mai, lan cúc, trúc hoặc hoa sen… đều là biểu trưng cho tinh thần tịnh độ của Phật pháp. Trong cùng một không gian tâm linh trầm mặc, việc sử dụng phức hợp các hình thức trang trí truyền thống và hiện đại đã giúp cho kiến trúc chùa trở nên hài hòa, gần gũi hơn với người dân khi vãn cảnh, đồng thời nó còn thể hiện sự giao thoa giữa trang trí kiến trúc truyền thống và trang trí kiến trúc hiện đại.
Ngoài ra, hệ thống tượng tròn của chùa gồm 48 pho tượng được làm từ đất sét luyện và gỗ mít. Đây là hệ thống tượng khá phong phú. Nghệ thuật tạc tượng ở trình độ cao, cả ở tượng đất luyện cũng như tượng gỗ. Nhiều pho có niên đại tạo tác ở thế kỷ XVIII như các bộ tượng Tam thế, A di đà, Quan âm thiên thủ thiên nhỡn. Ngoài ra chùa Hà Trì còn một số lượng lớn di vật quý như: 12 bia đá cổ, 2 pho tượng hậu, chuông đồng, hoành phi câu đối…
Chùa Hà Trì được xây dựng trong một quần thể di tích đình – chùa – miếu. Trải qua các giai đoạn phát triển của lịch sử, ngôi chùa Hà Trì là nơi gìn giữ tâm linh của cả làng, cả xã. Đây cũng chính là một trung tâm văn hóa giáo dục, nơi đào tạo thanh thiếu niên trên con đường tiến tu tìm đến cái Chân – Thiện – Mỹ.
Hằng năm, chùa Hà Trì  tổ chức các khóa lễ lớn như: Lễ dâng sao, giải hạn (10/1 Âm lịch), lễ Thượng nguyên (15/1 Âm lịch), lễ vào Hè (01/4 Âm lịch), Đại lễ Phật Đản (15/4 Âm lịch), lễ ra Hè (01/7 Âm lịch), lễ Vu Lan (15/7 Âm lịch), lễ Giỗ tổ (20/10 Âm lịch) và lễ Tất niên (15/12 Âm lịch).

Hits: 827

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *