Chùa Đông Khê (Đan Phượng)

Chùa Đông Khê (tên chữ Sùng Nghiêm tự), tọa lạc ở giữa làng Đông Khê, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Chùa được xây dựng vào thời Lý, khoảng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, để phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Chùa được Bộ VH-TT & DL xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào ngày 17/7/2008.

Chùa Đông Khê

Chùa Đông Khê quay theo hướng Tây Nam, mang kiến trúc chữ Công, bao gồm các tòa Tiền đường và Thượng điện nằm ngang song song với nhau, nối giữa hai tòa này là ống muống (nhà ống). Ngoài các hạng mục kiến trúc trên, chùa còn có một số hạng mục kiến trúc khác mới xây dựng và khôi phục lại ở những năm gần đây để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân: nhà Tổ, nhà Mẫu…Trước đây, chùa còn có cả Tam quan, song do thời gian và chiến tranh nên hiện nay không còn, lối vào chùa hiện nay tạm thời đi qua cổng đình.
Toàn Tiền đường có kiến trúc là một ngôi nhà 5 gian, 2 dĩ, 4 góc mái tạo đầu dao cong. Trên mái lợp ngói ri cổ, loại có mũi nổi tạo hình nửa bông hoa cúc mãn khai. Nhìn từ bên ngoài tòa kiến trúc này rất thấp. Bốn mái xòe ra chiếm diện tích khoảng 2/3 độ cao của chùa. Hàng cột quân tiền vẫn giữ được hệ thống ván đố lụa ở hai gian hồi. Ba gian giữa lắp cửa gỗ dạng bức bàn, hai gian dĩ được làm hai cửa phụ dạng vòm hơi cong, nhỏ và thấp nhưng ngưỡng cửa lại làm rất cao giống như ở ba gian giữa với dụng ý khách hành hương vào chùa, bước qua ngưỡng cửa thì phải bỏ hết những uế tạp ở bên ngoài, chỉ có tâm trong sáng vào lễ Phật. Cửa thấp phải cúi đầu với dụng ý để khách tỏ lòng thành kính trước Tam Bảo.
Bên trong, tòa Tiền đường kết cấu kiến trúc chịu lực chính trên bộ mái gồm có 6 bộ vi chính tì lực trên 4 hàng chân cột ở 5 gian chính và 2 gian bộ vi phụ tạo nên 2 mái dĩ.
Tòa ống muống gồm ba gian kiểu nhà dọc với hai mái chảy. Đây là tòa kiến trúc làm tương đối tỉ mỉ, kết cấu bộ vì cũng làm tương tự như tòa Tiền đường song ở đầu các rường nách đã được làm tương đối tỉ mỉ, công phu, tạo khối nổi hình mây và được cách nhau bởi các đầu kè mỏng, chạm hình cánh sen nối tiếp nhau. Hình thức này rất phổ biến ở các chùa Tây Phương, tuy nhiên đấu ở đây mỏng và tạo tác theo hình ê – lip. Một số các rường cụt được chạm đầu rồng cách điệu thành hình chim trong tư thế động chuyển, có niên đại thế kỷ XIX. Một số đấu kê khác cũ hơn được làm dày và tròn tạo hình hoa sen, mang dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII.
Tòa Thượng điện được làm 1 gian lớn và 2 dĩ, kết cấu bộ vì cũng làm đơn tương tự như ở 2 tòa kiến trúc trên. Nhìn chung, ở chùa Đông Khê, trang trí hoa văn trên kiến trúc không nhiều, chủ yếu là các họa tiết hoa văn mây, cúc, hoa sen…biểu hiện cho sự thanh sạch, cao quý của nhà Phật.
Chùa Đông Khê hiện còn lưu giữ được tương đối đầy đủ các tượng Phật truyền thống của một ngôi chùa thờ Phật theo phái Đại thừa.
Trương Thượng điện, ở vị trí cao nhất là bộ tượng Tam Thế gồm 3 pho có kích thước và tạo dáng tương tự nhau. Bộ tượng này có chiều cao 73 cm được tạo tác trong tư thế ngồi âm dương lộ bàn chân phải trên đùi trái, tay kết định ấn đặt ngửa trên lòng đùi. Lớp thứ hai là bộ tượng Tam Thân gồm ba pho Quan âm, có chiều cao 78 cm được tạo tác trong thế ngồi kiết già trên hoa sen, tay phải của tượng giơ cao, tay trái kết ấn để trong lòng đùi.
Hàng thứ ba là lớp tượng Adiđà có phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, dưới là tượng Di Lặc bên trái, Tuyết Sơn bên phải. Hàng thứ năm là lớp tượng Ngọc Hoàng, hai bên là tượng Thị giả có niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX, trước tượng Ngọc Hoàng là tượng Phạm Thiên và Đế Thích. Hàng tiếp theo là tượng Quan Thế Âm, hai bên là Kim Đồng và Ngọc Nữ được tác trong tư thế quỳ dâng lễ. Lớp cuối cùng là bộ tượng Thích Ca Cửu Long, hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu.
Gian bên trái của Thượng điện có bài trí tượng Nguyên Phi Ỷ Lan – người có công dạy dân nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa Đông Khê nổi tiếng. Phía trước tượng Nguyên Phi là sự hiện diện của tượng Quan Âm Nam Hải trong tư thế ngồi thiền trên đài sen với 5 lớp cánh, trên có chạm nổi các chấm tròn dạng tràng hạt – nghệ thuật thế kỷ XVII. Tượng có 10 đôi cánh tay tỏa đều bên thân, hai đôi ở giữa kết ấn chuẩn đề, đôi còn lại úp lên nhau đặt trên lòng đùi. Tượng có niên đại nghệ thuật thế kỷ XVIII. Dưới đài sen là quỹ Ô Ba Nan Đà Long Vương “gồng mình” đội tượng, được tạo tác tương tự như đầu con rồng đang vươn mình vượt sóng nước.
Gian bên trái Thượng điện có dựng một động tượng với Quan Âm Phổ Đà Sơn ở vị trí trung tâm, xung quanh là các pho tượng nhỏ hiện thân cho các chư Phật. Phía trước là pho tượng Thần Nông được tạo tác trong tư thế một vị vua, ngồi trên long ngai.
Hai bên ống muống bài trí tượng Thổ Địa, Giám Trai, Thập Điện Diêm Vương có kích thước tương tự nhau. Đây là các pho tượng có niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX.
Ngoài hệ thống tượng Phật nói trên, chùa Đông Khê hiện còn lưu giữ được nhiều di vật quý giá gồm những chất liệu và chủng loại khác nhau, nổi bật như: một số hoành phi, câu đối gỗ sơn son thếp vàng có giá trị, chủ yếu nói về giáo lý nhà Phật. Một quả chuông lớn cao 103 cm, đường kính miệng 79 cm; Một khánh đồng cao 101 cm, rộng 121 cm, dày 2 cm, có niên đại thời Nguyễn, đời vua Thiệu Trị, có ghi chữ “Sùng Nghiêm tự” (tên chùa); Một bát hương Thổ Hà niên đại thời Nguyễn cao 33 cm, rộng 38 cm; Một bia đá đặt ở khuôn viên của đình ghi công đức của những người vọng hậu…
Chùa Đông Khê ra đời từ thời Lý khoảng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh cho dân làng Đông Khê. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, khu vực đình, chùa được huyện Liên Bắc lúc đó mượn làm trường quân chính để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Việt Minh. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc mít tinh diễn thuyết về phong trào ủng hộ kháng chiến. Khu vực chùa thời kỳ kháng chiến chống Pháp là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật, phía sau chùa còn dấu tích giao thông hào từ thời kháng chiến chống Pháp.
Chùa Đông khê là một di tích kiến trúc tôn giáo gần với tín ngưỡng thờ Phật vốn truyền từ rất lâu của người Việt, đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân làng Đông Khê trước kia cũng như ngày này. Năm 2008, chùa Đông Khê đã được xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Hits: 374

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *