Lăng đá Phạm Mẫn Trực – Huệ Linh từ (Hoài Đức)

Lăng đá Phạm Mẫn Trực còn có tên tự là Huệ Linh từ, ở thôn 4, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Lăng đá Phạm Mẫn Trực được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1964.

Xã Lại Yên, nơi có hai lăng quận công Phạm Mẫn Trực, Phạm Đôn Nghị và lăng Đề đốc Phạm Nguyễn Công, nằm ở phía Đông Nam của huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, phía Bắc giáp xã Di Trạch, phía Nam giáp xã An Khánh, phía Tây giáp xã Song Phương, phía Đông giáp xã Vân Canh. Lại Yên xưa kia do môt nhóm nhỏ người Tiền Liệt xuống đây lập làng định cư với tên gọi là An ấp. Vào thời Hùng vương xa xưa, An ấp thuộc đất Chu Diên. Sau đó, An ấp được gọi là Đồng Ốc thôn thuộc Tiền Liệt xã, tổng Đắc Sở, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Cái tên Đồng Ốc có tự bao giờ thì đến nay không còn ai nhớ chính xác nữa, chỉ biết rằng nó là sản phẩm của một vùng đồng trũng với những đầm lầy, ao hồ đầy lau lách và cua ốc gắn với sự định cư lập làng từ buổi ban đầu. Cái tên Đồng Ốc ấy gắn bó như một phần máu thịt với dân làng. Cho tới thời nhà Trần, tên gọi Lại Yên, dân địa phương cho là Đại Yên đọc chệch ra, được thay thế cho tên cũ Đồng Ốc như văn bia chùa Nhạ Phúc có ghi thuộc xã Tiền Liệt, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây.

Phạm Mẫn Trực người xã Lại Yên, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây xưa. Sinh ra trong môt gia đình có bố (hiển khảo) là Nguyễn Quý công húy Vẹm, tự Phúc Diễn, Thụy Minh Đạt giữ chức Tham nghị xứ Tuyên Quang. Mẹ (hiển tỷ) Phạm Quý Thị, húy Thái, hiệu Từ Nhan được truy tặng Tuyên Quang xứ Tham nghị. Phạm Mẫn Trực sinh năm nào không rõ, chỉ biết rằng theo văn bia cũng như hồi ức của các thế hệ nhân dân quê hương thì Phạm Mẫn Trực vốn là môt thanh niên có sức khỏe hơn người. Khi nhà vua tổ chức đầu quân, Phạm Mẫn Trực đã sung vào quân đội và là đội quân tượng binh mang cờ tiên phong và lập được nhiều chiến công hiển hách. Văn bia tại lăng mộ còn ghi lại rằng Phạm Mẫn Trực phụng quản thị hầu nội, cai quản châu Quy Hợp. Năm 42 tuổi phụng làm cai lưu tuần, năm 43 tuổi phụng cai ngoại quốc tào. Cũng năm đó vâng làm thiêm quản nội tả tượng đội binh. Năm 44 tuổi, cai Đồng Mụ tuần, sau vào làm thị nội giám. Năm 45 tuổi, làm Thiêm tri thị nội thư tả Binh bộ phiên, phụng sai đi xứ Ai Lao. Năm 46, tuổi phụng cai quản Tam Kỳ tuần. Năm 51, tuổi làm Phó tri thị nội Thư tả bộ binh phiên, cùng năm này lại được thăng hai bậc làm Thiêm thái giám rồi chức Thiêm tri công tượng. Nhờ ân sủng của Hoàng thượng mà được ban nhiều chức tước: Tri công tượng, Đô thái giám, Tổng thái giám, cai quản 10 châu của các phủ Gia Hưng, An Tây. Phạm Mẫn Trực mất năm nào chưa rõ, dòng họ chỉ nhớ ngày giỗ là 11 tháng 05 âm lịch hàng năm.

Về phần mộ của ông, tiếp thu quan điểm phong thủy của người xưa, lăng Quận công Phạm Mẫn Trực được xây dựng trên một khu đất rộng, thế đất cao ráo, thoáng đãng, bốn bề là đồng ruộng, cây cối quanh năm tốt tươi. Trong ký ức của những bậc cao niên trong làng thì phía trước lăng là một hồ lớn với nước trong xanh. Do những biến đổi của điều kiên tự nhiên cũng như tác động của con người đến nay cái hồ lớn ấy không còn giữ được vẻ đẹp như xưa nữa. Giờ đây, nó chỉ còn là một cái hồ cạn nước với những cây lục bình trải kín mặt hồ. Lăng Phạm Mẫn Trực hướng chính Đông. Trong quan niệm của người xưa, hướng Đông là hướng của sinh khí, hướng của thánh thần. Lăng mộ Phạm Mẫn Trực, tên chữ là “Huệ linh từ”, được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 250m2 với các kiến trúc thành phần được sắp đặt đăng đối với nhau qua một trục dọc chạy sâu từ ngoài cổng vào tới phần mộ. Toàn bộ lăng mộ được chia làm 2 phần: Phần thờ tự và phần mộ. Mở đầu bước vào khu lăng là môt chiếc cổng được xây dựng bằng vật liệu mới. Chiếc cổng này mới được xây dựng với chức năng bảo vệ khu lăng là chính. Còn trước đây là các cột trụ biểu khá lớn. Điều này còn được tác giả Ngô Huy Quỳnh nhắc tới trong tác phẩm “Lịch sử kiến trúc Việt Nam” rằng từ trong lăng “nhìn ra bốn trụ biểu soi mình xuống mặt hồ rộng hình bầu dục”. Theo trí nhớ của các cụ cao niên trong làng thì ở đây ngoài bốn cột trụ biểu thì còn có một chiếc cổng bên trái khá lớn làm bằng chất liệu đá ong với dạng cuốn tò vò có lối đi dẫn vào Tiền tế năm gian. Tuy nhiên, đến nay, do điều kiện khắc nghiệt về tự nhiên cũng như do những tác động của con người cả bốn trụ biểu cũng như chiếc cửa bên trái cùng chiếc hồ lớn hình bầu dục đã không còn. Từ cổng đi vào là môt khu đất khá rộng mà theo lời kể của các cụ trong làng đây là tòa Tiền tế năm gian được xây dựng để tổ chức các hoạt động tế lễ tưởng niệm Quận công Phạm Mẫn Trực. Bộ khung của tòa Tiền tế được làm bằng gỗ với các vì kèo đỡ mái. Toàn bộ tòa nhà này để thoáng bốn phía, không có tường bao, nền đất cao có các tảng đá xanh bó vỉa để tránh sụt lở vào mùa mưa lũ. Do trải qua mưa nắng thời gian, tòa Tiền tế này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1963, nhân dân và chính quyền địa phương đã phải dỡ bỏ.

Đi qua tòa Tiền tế trước kia và nay là bãi đất trồng rau là đến cổng đá lớn. Toàn bộ phần cột trụ và vòm cổng được làm bằng những tảng đá xanh khá lớn. Phía trên của vòm cổng là mái cổng được làm bằng đá ong dạng mái đình với đường bờ nóc cùng các đầu đao chạy về bốn phía. Phía trước cổng là tấm biển làm bằng đá với chức năng như một bức đại tự, được trang trí hoa văn, ở giữa là dòng chữ “Huệ linh từ”. Phía trước cột cổng là hai con chó đá, được tạo tác từ đá nguyên khối, khá đẹp và gần như thật. Bước qua chiếc cổng này là đến sân gạch thuộc phần thờ tự. Trước đây, sân này tương đối cao so với xung quanh, khô thoáng, cỏ mọc xanh tươi, nhưng giờ đây xung quanh được tôn lên cao hơn để làm nhà ở nên lăng trở thành trũng. Để tránh ngâp lụt, nền sân được tôn lên cao và lát gạch để thoát nước được dễ dàng hơn. Ở sân này, đăng đối hai bên là đôi voi đá được tạo tác khá lớn theo lối tả thực. Đi qua sân là đến khu thềm lát đá, nơi diễn ra các hoạt động tế lễ. Theo trục dọc, ở chính giữa là chiếc hương án với các đồ án hoa văn khác nhau như: hoa cúc mãn khai, hoa sen, hình hổ phù với nét chạm khắc mềm mại, tinh tế. Trên mặt hương án là một bát hương bằng đá hình lục giác với hoa văn hình bông sen, hoa chanh bốn cánh khá đẹp. Tiếp sau hương án là một bệ thờ, làm bằng môt tấm đá nguyên khối, không trang trí. Tiếp đến là sập thờ, cũng được làm từ tấm đá nguyên khối, dạng chân quỳ dạ cá với những nét hoa văn chạm khắc vừa khéo léo, tinh tế vừa mềm mại như văn đao mác, văn hoa lá, văn chữ lôi, văn sóng nước.

Đăng đối hai bên là hai nhà bia khá lớn. Đỉnh của nhà bia là một đấu “nắm xôi” mà từ đó các mái cong hình lợi châu, xuôi về bốn phía. Nhà bia có bốn cửa nhìn ra bốn phía. Mặt trước nhà bia có chạm hai bức phù điêu hình võ sĩ, đầu đội mũ, mình mặc giáp trụ, tay cầm kiếm, đứng nghiêng quay vào giữa. Phía trong nhà bia bên trái có tấm bia hình hộp chữ nhật, ghi lại công đức của Phạm tướng công đối với dân với nước và được nhân dân bầu làm hậu thần, hậu phật, với niên đại Vĩnh Thịnh năm thứ 9 (1713). Bên phải là tấm bia gia phả, hình hộp chữ nhật, ghi lại thân thế và sự nghiêp của Quận công Phạm Mẫn Trực. Bốn mặt đều khắc chữ chân phương có niên đại Vĩnh Thịnh năm thứ 9 (1713). Diềm bia được trang trí các đồ án hoa văn như rồng vân hóa cùng các văn hoa dây, ổ hoa, sóng nước.

Toàn bộ cổng được làm bằng đá tảng nguyên khối giống như chiếc cổng ở phía ngoài. Mái cổng là một khối đá được tạo tác kiểu bốn mái với đường bờ nóc cong hình thuyền cùng với bốn đầu đao chạy về bốn phía. Hai chiếc cột đỡ mái là hai tấm đá hình hộp chữ nhật. Nơi tiếp giáp giữa mái và hai đầu cột là hai chiếc đầu dư hình đầu rồng, được tạo tác khá đẹp với đường nét khá trau chuốt, chắc khỏe của cái trán gồ cao, cặp sừng nhú ngắn chia hai nhánh…. Phần mộ là một khu đất rộng, cao, bằng phẳng, ở chính giữa của phần mộ là một khối đá nguyên tấm để tự nhiên không gọt đẽo các góc cạnh, chính giữa của tấm đá đẽo bằng làm nổi khung hình chữ nhật có khắc chữ “Phạm tướng công mộ” đánh dấu nơi an nghỉ cuối cùng của một Quận công. Phần mộ có chiều dài 3,20m, rộng 1,20m, cao 0,25m. Đây là hiện tượng rất ít gặp. Toàn bộ lăng mộ nay được bao bởi bức tường làm bằng đá ong thấp.

Lăng Huệ Linh có tính chất là đền thờ nên nhân dân còn gọi là văn chỉ, cúng vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Hits: 935

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *