Lăng đá Phạm Đôn Nghị – Hiển Linh từ (Hoài Đức)

Lăng đá Phạm Đôn Nghị có tên chữ là Hiển Linh từ ở thôn Lại Yên, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Lăng đá được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1964.

Tương truyền Phạm Đôn Nghị là cháu gọi Phạm Mẫn Trực bằng cậu. Tổ tiên vốn mang họ Nguyễn. Bố (hiển khảo) là Nguyễn Quý Công húy Đổ, tự Viết Tiến, thụy Phúc Lương được phong tặng làm Mậu lâm lang Thái Nguyên xứ Tán trị thừa chánh sứ ty Tham nghị ân trung tử. Mẹ (hiển tỷ) là Phạm Quý Thị húy Du, hiệu Từ Thái là trưởng nữ trong môt gia đình có ba người con gồm một trai và hai gái. Phạm Đôn Nghị là con thứ trong một gia đình có sáu anh chị em gồm bốn trai, hai gái, sinh giờ Nhâm Tuất, Quý Sửu ngày 15, Bính Dần tháng giêng, năm Giáp Tuất (1694), đổi theo họ mẹ.

Phạm Đôn Nghị được Vương thượng ân sủng, đến mùa Thu năm Bính Ngọ, lúc Ngài 33 tuổi vâng mệnh được sai theo hầu Thái phi, ngày đêm làm việc rất xứng đáng với sự sai khiến, được Vương thượng yêu thương, nhiều lần được hưởng ơn riêng cai quản các đội thuyền Nội trù, tiểu thủy. Năm ông 37 tuổi được thăng chức Hữu đề điểm, lại cho được làm tùy sai, lệnh sử nhất phiên, cai quản đội Thị hậu nội lực sĩ. Năm 38 tuổi, ông được thăng chức Tả thiếu giám. Chưa đầy môt năm, ông đươc giữ chức Tri lệnh sử nhất phiên, thăng chức thị nội giám, tước hầu. Ông lại được truy ân thăng chức Đồng tri giám sự. Năm 41 tuổi, ông được giữ chức Thị hầu hậu nhất cai quản các đội thuyền kiêm chức Tri lệnh sử nhất nhị phiên tăng thêm quyền lợi và ơn huệ và tiếp tục được thăng chức Thiêm thái giám, Đô thái giám, Tổng thái giám rồi chức Thiêm tri thị nội Thư tả hình phiên. Năm 47 tuổi, vâng mệnh Vương thượng trở về phò tá và đã có công lớn nên được ban chức Tuyên lực công thần tước Quận công, thăng chức Tham đốc rồi chức Phó tri thị nội Thư tả Hộ phiên, Quản thị hậu vệ hữu thủy cơ, vâng làm Đốc lĩnh các đạo Hải Dương, Kinh Bắc, thăng chức Hữu hiệu điểm vâng làm Chưởng đốc xứ Sơn Tây. Năm 49 tuổi, vì bàn bạc việc nước và cung tiến tiền bạc, ông được thăng chức Đô đốc thiêm sự. Năm 50 tuổi, ông được thăng chức Đô hiệu điểm rồi thăng đến chức thiếu bảo. Năm 51 tuổi, được làm chức Tri thị nội Thư tả Hình phiên, quản hữu tượng cơ, tạm quyền chức Phó đề lĩnh tứ thành quân vụ sự quản các cơ tả tượng, tiền hùng làm Đốc lĩnh đạo Đông Bắc, lại vâng lệnh làm Thống đốc đạo An Sơn. Năm 52, tuổi được thăng chức Thiếu phó vâng lệnh làm trấn thủ xứ Sơn Tây.

Lăng Phạm Đôn Nghị, tên chữ là “Hiển linh từ”, cũng có lối kiến trúc và bố cục giống như lăng Phạm Mẫn Trực. Toàn bộ lăng được xây dựng trên một diện tích rộng khoảng 820m2, có tường bao quanh. Đầu tiên là hai cột trụ vuông bằng đá cao, mỗi cạnh dài 0,26m, cao 2,1m, phần trên đầu cột có hai lỗ mộng. Phía dưới chân cột là hai phiến đá xanh hình chữ nhật nối hai chân cột với nhau. Từ đây, chạy thẳng vào trong sân là trục “linh đạo” được đổ bê tông, chiều dài 23,5m; chiều rộng 1,96m, ở hai bên của con đường là vườn rộng trồng cau và cây ăn quả. Hai bên có hai cổng phụ, dùng làm lối đi thường xuyên vào lăng. Cổng bên trái trước đây đã bị hỏng, nay được thay thế bằng cổng mới có kiểu dáng và kết cấu kiến trúc giống như cổng gốc, cũng được làm bằng đá ong và kết dính bằng vật liệu hiện đại. Cổng bên phải vẫn còn giữ được như xưa với cột làm bằng đá xanh, mái làm bằng đá ong. Trên trán cổng có dòng chữ “Hiển linh môn”.

Tiếp đến là sân của nhà Tiền tế, chiều rộng 4,91m; chiều ngang 11,4m, được lát gạch Bát Tràng. Xung quanh sân là hàng gạch xây cao có tính chất bó vỉa, bổ các trụ nhỏ ở góc. Cuối sân là một nếp nhà ba gian hai chái được làm lại trên nền cũ của nhà Tiền tế năm gian trước đây. Toàn bộ tòa Tiền tế được xây dựng với bốn hàng chân cột cùng bộ vì đỡ mái. Nền nhà lát gạch, xung quanh bó vỉa bằng đá xanh. Từ nhà Tiền tế vào đến cửa lăng phải đi qua một khoảng sân hẹp được lát đá xanh. Ở hai bên có hai bể nước hình chữ nhật biến thể, vát ô van hai đầu, được làm từ phiến đá liền khối. Phía trước hai chân cột cổng dẫn vào lăng có hai con chó đá được chạm khắc theo lối tả thực mang phong cách nghệ thuật thời Lê Mạt.

Cổng lăng được tạo dựng bởi các phiến đá lắp ráp lại với nhau. Mái cổng mô phỏng dạng mái đình, chùa với bờ nóc, bờ dải được làm từ những viên đá ong gọt đẽo cẩn thận, cầu kỳ và tỉ mỉ. Trên trán cổng là một tấm đá lớn được tạo ô mang chức năng như một bức đại tự với dòng chữ “Hiển linh từ” cùng các hoa văn trang trí đơn giản nhưng rất đẹp do có những nét chạm khắc mềm mại. Bước qua cổng là đến phần thờ tự.

Theo trục dọc, chính giữa là hương án được làm từ tấm đá nguyên khối hình vuông, có trang trí các hoa văn hình vân mây, sóng nước, rồng cuốn thủy chầu chữ thọ….Tòa thờ nằm ở chính giữa của trục “linh đạo”, nơi tiếp giáp giữa khu thờ và phần mộ. Tòa thờ là kiến trúc bằng đá đồ sộ nhất so với các công trình trong lăng, mái dạng long đình với đường bờ nóc dài hơi cong, hai đầu kìm là hình rồng với tư thế ngoảnh đầu ra hai hướng, đuôi hướng vào nhau. Bốn phía là các đầu đao dạng rồng lá hóa rất đẹp. Phần cột và tường của tòa thờ được lắp ghép bởi ba tấm đá xanh dầy, liền khối. Phía ngoài giật cấp để tạo thành các ô trống không trang trí, tuy vậy vẫn như môt thủ pháp làm mềm đi sự thô cứng của những tấm đá. Phía trong, ở bên trái của tòa thờ là tấm bia ghi lại công lao của Quận công lúc sinh thời đối với làng xóm và quy định việc thờ phụng khi ngài trăm tuổi. Tấm bia này được soạn vào năm 1754, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15. Bên phải là bài thơ ngự bút vua ban gồm tám câu được viết năm Canh Thân. Tường trong của “chính điện” là một đồ án trang trí dạng phù điêu hình đôi Lân chầu vào vòng tròn kép ở chính giữa.

Theo trục ngang, ở hai bên đăng đối nhau là tượng ngựa và quan giám mã. Các bức tượng này được tạo tác tương đối lớn mang phong cách tả thực có nhiều biểu tượng với nét chạm mềm mại, tỉ mỉ, trau chuốt song vẫn thoáng nét mỹ thuật dân gian. Tiếp đến là hai án được làm từ khối đá nguyên tấm, xung quanh có trang trí hình ô trám lồng và các hoa văn kỷ hà. Chân của án được làm theo dạng chân quỳ dạ cá. Ở hai bên là hai nhà bia được làm theo kiểu long đình có mái, đối mặt nhau, bờ nóc song song với trục “linh đạo”. Ở đốc mái phía trước có khắc chữ vạn – biểu tượng của nhà Phật. Nhà bia có bốn cửa hướng ra bốn phía. Các cửa đều trang trí dạng cửa võng với nét chạm khỏe khoắn, chắc chắn. Trên hai cột chính của hai nhà bia có đôi câu đối và hai bức phù điêu khá đẹp mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Nhà bia bên trái có tấm bia khối hộp chữ nhật, có niên đại Long Đức năm thứ 3 (1734), ghi lại công lao to lớn của Quận công Phạm Đôn Nghị và được nhân dân bầu làm hậu thần, hậu phật cũng như quy định việc cúng giỗ. Tấm bia bên phải ghi lại gia phả dòng họ Phạm và tiểu sử của Quận công Phạm Đôn Nghị. Về cơ bản hai tấm bia này có lối trang trí, kết cấu giống nhau với những hình rồng vân hóa chầu vào giữa, vân mây…

Toàn bộ khu thờ đều được lát đá xanh, tuy kích thước các tấm đá là khác nhau, song tất cả đều tuân theo một quy tắc chung là các tấm đá ở hai bên được xếp theo chiều dọc, còn các tấm đá ở giữa thì được xếp theo chiều ngang. Việc sắp xếp này có mục đích riêng mang ý nghĩa tâm linh và thiêng liêng. Bởi chất liệu đá, từ ngàn xưa, đã được cho là chất liệu đặc biệt thiêng liêng, có khả năng truyền tải và chứa đựng linh khí. Phần mộ là một khu đất tương đối rộng, cao, thoáng. Nằm ở trung tâm của phần mộ là mộ của Quận công Phạm Đôn Nghị, là một phiến đá lớn có phần đáy hình chữ nhật, phần trên có dáng cong hình lợi chậu. Giữa mặt trên của phiến đá được tạo khung với dòng chữ khắc nổi “tướng công mộ”. Bao quanh toàn bộ khu lăng là tường đá ong có mũ với kích thước tương đối cao. Năm mất của Phạm Đôn Nghị cũng không có tư liệu nào ghi rõ ràng, cụ thể, chỉ biết rằng hàng năm, dòng tộc và làng xóm tưởng nhớ đến ngày mất của ông vào ngày 30 tháng 5 âm lịch.

Hits: 613

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *