ĐÌNH TRI CHỈ (Phú Xuyên)

Đình Tri Chỉ, thuộc xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Từ khi hình thành đến nay, công trình kiến trúc này vẫn là một thiết chế văn hóa hội tụ, kết tinh và tỏa sáng tinh hoa vật chất và tinh thần của mỗi cộng đồng dân cư, cần được gìn giữ và bảo tồn…

Xưa thôn Tri Chỉ, thuộc xã Tri Chỉ, tổng Hòa Mỹ, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Sau này, thôn Tri Chỉ, thuộc xã Tri Trung, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là xã Ái Quốc, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông. Năm 1965 là tỉnh Hà Tây; Năm 1975 là tỉnh Hà Sơn Bình; Năm 2008 đến nay, là thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Làng có tên nôm là làng Chảy đọc chệnh thành làng Trể, còn gọi là Trê, nên đình làng có nhiều tên gọi đình Tri Chỉ, đình Chảy, đình Trể.

Theo truyền thuyết và thần phả, đình Tri Chỉ thờ Linh Lang đại vương là một võ tướng thời Lý (chính là hoàng tử Hoằng Chân). Thần đã chiến đấu dũng cảm trên dòng sông Như Nguyệt trên trận tuyến sông Cầu chống quân Tống xâm lược. Thần đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhà Vua vô cùng thương tiếc ban phong sắc chỉ, truyền các nơi thờ phụng để nhớ công đức. Đình Tri Chỉ thờ Ngài làm Thành hoàng làng.

Ngoài thờ Linh Lang đại vương, đình Tri Chỉ phối thờ các vị Đông Hải, Thủy hải là những người tài cao học rộng, dũng cảm phò vua Lê trong công cuộc chống quân xâm lược nhà Minh thế kỷ XV. Đông Hải theo truyền thuyết là Nguyễn Phục đỗ tiến sĩ giỏi vận tải binh lương, trong đợt thi hành công vụ vận tải vũ khí là lương thực theo đường biển vào phía Nam để cấp cho vua đánh giặc giữa đường gặp bão lớn ông đã đưa thuyền trú quân vào nơi an toàn để đảm bảo tính mạng quân sỹ, giữ gìn được lương thực và vũ khí để nhà vua đánh thắng giặc, nhưng bị mắc vào tội khi quân đã phải chết. Sau khi đánh thắng quân giặc, nhà vua mới sực nhớ rằng vì có vũ khí và lương thực của đoàn thuyền do Nguyễn Phục chỉ huy mang vào thì mới đánh thắng được giặc. Do vậy minh oan cho Nguyễn Phục, nhà vua phong cho là Đông Hải đại vương, sắc chỉ cho nhiều nơi thờ, trong đó có đình Tri Chỉ. Bên cạnh đó, đình Tri Chỉ còn thờ hai vị Thánh sư Tổ nghề làm áo tơi là Nghiêm Thắng và cụ Đặng An nhờ có nghề thủ công đã làm cho đời sống của nhân dân được ấm no hơn.

Đình Tri Chỉ được khởi công xây dựng vào thế kỷ XVII, trải qua nhiều lần tu sửa vào những năm 1816, 1940 và 1988, tuy có nhiều lớp kiến trúc kế thừa, bổ sung nhưng cơ bản vẫn giữ được ngôi đình cổ gồm các ngôi đại bái, trung cung và hậu cung. Ngôi đại bái có cấu trúc mặt bằng hình chữ Nhất, gồm có ba gian hai chái. Kiến trúc bên ngoài xây tường hồi vỉ ruồi tay ngai, bốn mái đao cong, lợp ngói mũi. Kết cấu bộ khung bên trong bốn hàng chân cột gỗ, sáu bộ vì với tổng số 24 cột bằng gỗ tứ thiết. Cột gỗ vì giữa có đấu vuông thót đáy là dấu tích còn lại từ thời Lê. Trên thượng lương còn ghi dòng chữ Hán cho biết thời điểm khởi dựng ngôi đình là năm 1771; đến thời Nguyễn năm 1886, 1940, đình được tu sửa và tôn tạo lần cuối vào năm 1988 để có quy mô di tích như hiện nay.

Cấu trúc các bộ vì làm theo kiểu thức thượng rường cốn, hạ bẩy. Điêu khắc nghệ thuật tập trung trên bốn câu đầu dư đục chạm đầu rồng và bức cốn trên hai bộ vì gian giữa trang trí các khối chạm voi, rồng, phượng mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Ngoài ra trên cốn, đầu bẩy còn được đục chạm các điển tích tứ linh long, ly, quy, phượng và tứ quý tùng, cúc, trúc, mai miêu tả con rồng đuôi xoắn, bờm rậm, mặt nom dữ tợn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn. Đặc điểm kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc trong đình Tri Chỉ có những mảng khối tương đối rõ nét của hai thời Lê – Nguyễn.

Ngôi trung cung và hậu cung tọa lạc ở phía sau nhà đại bái với quy mô nhỏ; đồng thời, cũng là mô hình thu nhỏ về kiến trúc nghệ thuật của đại bái, được làm vào thời Nguyễn trong những năm tu sửa đình. Hiện tại, đình Tri Chỉ còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị của thời Nguyễn như hoành phi, câu đối, hương án, cửa võng, ngai thờ bài vị, hiện vật quý là một cây đèn gốm tráng men màu da đá, trang trí đắp nổi hình rồng mang phong cách nghệ thuật thời Mạc, 2 đĩa men ngọc và cuốn thần phả, sắc phong cho Thành hoàng làng.

Lễ hội truyền thống đình Tri Chỉ được diễn ra hai dịp trong năm từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 4 tháng Tư và ngày 9 đến ngày 10 tháng Tám âm lịch hằng năm, tại đây là nơi diễn ra lễ hội truyền thống của địa phương trong các ngày sóc, vọng, các ngày lễ tiết dân làng thành tâm dâng lên đức Thành thành hoàng lễ chay, mặn tùy tâm. Mỗi khi trong gia đình có công việc, các gia đình cũng có lễ trình với Thành hoàng cầu mong sự phù trợ. Lễ hội được tổ chức là để tưởng nhớ công lao của Thành hoàng làng đã che chở cho nhân dân no ấm, bình yên. Hàng năm, nhân dân mở hội thường niên, lễ hội được chuẩn bị trước đó rất lâu. Thời xưa do hội đồng hương chánh chủ trì, phân công cho Lý trường chỉ đạo chung. Các ông phó lý, chánh hội, phó hội, thơ ký, hương trưởng được giao phụ trách tìm phần việc, đồng thời, tổ chức quyên góp tiền của trong nhân dân. Nhân dân cày cấy ruộng tư điền sau đó đóng góp gạo nấu xôi cúng tế. Ngày nay, lễ hội do Ban chấp hành chi hội người cao tuổi chủ trì, phân công các công việc cho các thành viên trong ban tổ chức, các ban ngành khác tham gia gồm có hội Phụ nữ, đoàn thanh niên… vào dịp lễ hội chính có các tuần tế Mộc dục, Tế tuần đệ nhất, Tế tuần đệ nhị, Tế tuần đệ tam…

Với những giá trị của mình, đình Tri Chỉ được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1985.

Hits: 1295

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *