ĐÌNH NGÃI CẦU (Hoài Đức)

Đình Ngãi Cầu được gọi theo tên làng, nay thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, nằm bên lề đường Hà Đông đi Quốc Oai. Ngãi Cầu là một làng Việt cổ có truyền thống văn hóa bản địa sâu sắc. Thời Lý, Ngãi Cầu nằm trên đường thỉnh kinh của ba vị thiền sư là Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ và Giác Hải. Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã từng đặt đại bản doanh tại Ngãi Cầu khi kéo đại quân ra bao vây thành Đông Quan. Ngãi Cầu có cụm di tích kiến trúc cổ đình, quán, chùa được xây dựng từ khá lâu đời gắn liền với sự tích lập làng xã.

Theo thần phả, đình Ngãi Cầu thờ tứ vị Đại vương ở thời đại Hùng Vương và vị nữ thần tối cổ. Các vị là thiên thần được nhân cách hóa thành những nhân vật, chống thiên tai, bảo vệ mùa màng và chống giặc ngoại xâm. Đình và quán Ngãi Cầu là nơi diễn ra các nghi lễ của tín ngưỡng thờ thành hoàng làng. Tương truyền, các vị thần rất linh ứng đã âm phù trợ giúp các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi nước Đại Việt.

Mở đầu cho kiến trúc đình là nghi môn, nghi môn đình cấu trúc theo kiểu nghi môn xây gạch, mái ngói, có chính môn và tả, hữu môn tạo thành 3 cửa ra vào theo lối tam quan. Nhìn từ bên ngoài, cổng như một ngôi nhà nhỏ có tường xây, cửa ra vào, mái lợp ngói mũi. Trên hai tường hồi của nghi môn đắp nổi phù điêu hổ phù, biểu trưng của sức mạnh thần quyền. Hình tượng hổ phù có đôi mắt lồi tròn nom quắc thước dữ dằn, miệng đang nhả ra mặt trăng, trang trí mỹ thuật dạng hổ phù này thường thấy trong các đình làng Việt và một số nước khu vực Đông Nam Á, chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ với ý niệm cầu được mùa của cư dân nông nghiệp.

Sau nghi môn là nhà phương đình cấu trúc mặt bằng hình vuông không có tường bao, phương đình có bốn hàng chân cột, gọi là tứ đại trụ và bốn cột góc làm nên bộ khung nhà hai tầng tám lá mái đao cong. Bộ vì của nhà phương đình cấu trúc theo kiểu thức gọng vó với những hàng con sơn nâng đỡ mái. Tám đầu đao ở hai tầng bốn góc cong vút đắp hình rồng, trên bờ dải đắp khối tượng nghê đang chạy ngược chiều. Bờ nóc đắp bờ đinh, giữa là rồng chầu mặt nguyệt, tám lá mái lợp ngói mũi hài. Xung quanh không xây tường, có mặt bằng nền thông thoáng, cao 30cm so với sân. Điêu khắc mỹ thuật trên kiến trúc thể hiện trang trí hình con rồng, phượng hàm thư, long vân, lá lật và vân xoắn mang chất sáng tạo và gần gũi.

Tiếp phương đình là ngôi đại bái, đây là công trình kiến trúc cổ thời Lê, đã được tu bổ vào thời Nguyễn, với dáng thấp, lá mái xòe. Ngôi nhà có cấu trúc mặt bằng hình chữ Nhất với ba gian hai chái, tọa trên nền cao 30cm so với mặt sân. Kiến trúc bên ngoài xây tường hồi đến đầu dạ tàu mái, đua tay ngai. Bốn mái bản rộng lợp ngói mũi hài như cánh diều với các đầu đao uốn cong. Bờ nóc nổi cao, bên trên trang trí hoa chanh, chính giữa là hình mặt trời, cuối bờ nóc là hai đầu kìm với đầu và vân xoắn. Bộ khung nhà bên trong có sự liên kết giữa cột, vì, đầu dư, câu đầu, xà dọc và xà ngang. Hệ thống cột kiến trúc sáu hàng chân kê tảng đá cổ bồng có lỗ đục kê ván sàn, trên đỉnh cột là đấu vuông thót đáy khớp đặt đầu dư, câu đầu và bộ vì mái. Những bộ vì gian chính kiến trúc làm theo kiểu thức thượng giá chiêng rường cốn, hạ kẻ bẩy. Hai bộ vì gian đầu hồi kiến trúc làm theo kiểu thức chồng rường kẻ góc. Điêu khắc mỹ thuật trên các lớp kiến trúc của nhà đại bái tập trung vào các đầu dư, rường cốn, kẻ góc, trang trí những mảng trạm khắc đẹp theo tích tứ linh và vân mây hoa lá. Bốn đầu dư bằng gỗ được đục, đẽo, chạm kênh bong tạo ra nghệ thuật tuyệt tác đầu rồng. Trên bức rường cốn đục chạm kênh bong con rồng mắt nhỏ tròn, nhìn thẳng, tai dơi, rau tóc bờm hình tia mác mang phong cách thời Lê – Nguyễn.

Gian giữa đại bái được làm cao khoảng gẩn 2m, đặt ban thờ thành hoàng làng gọi là hậu cung của đình. Đây là một cung cấm được bưng kín bằng gỗ, mặt trước có của bức bàn trang trí tứ linh, bên trong đặt ngai thờ, bài vị thờ thành hoàng. Hai gian đầu hồi đại bái bài trí tám khám thờ của tám giáp trong làng. Trong đình còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị như: 5 tấm bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, hương án, hoành phi, câu đối, cửa võng, kiệu, long ngai bài vị và nhiều đồ thờ tự khác của các thời Lê – Nguyễn; đặc biệt là 19 đạo sắc phong, trong đó có đạo sắc niên đại Quang Trung thứ 5 (1792) và cuốn thần phả ghi sự tích vị thần thờ ở đình.

Tám giáp thuộc làng Ngãi Cầu mở hội đình hàng năm, bắt đầu vào mùng 7 Tết và thường kéo dài đến mùng 9, mùng 10. Đặc biệt, tối mùng 8 có tiết mục hát cửa đình. Cứ 5 năm có tổ chức một lần lễ rước kiệu. Lễ rước gồm lọng trước đi đầu, 4 kiệu 4 vị tướng, kiệu Thánh Mẫu và kiệu song loan. Riêng kiệu Thánh Mẫu là nặng nhất, tới hơn 1 tạ và nghe nói được tạo tác vào thời Lê. Màn múa sư tử – lân – rồng đón chào đoàn rước, tiếp đó là trẻ em mặc quần áo xanh đỏ múa điệu xênh tiền. Những chàng trai và trinh nữ khỏe mạnh là người dân gốc của làng được chọn từ gia đình nề nếp và không có tang xa gần sẽ chung vai khiêng các kiệu khởi hành vào 6h sáng, ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch.

Hits: 1245

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *