ĐÌNH GIẼ HẠ (Phú Xuyên)

Đình Giẽ Hạ thuộc xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, là công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô tương đối lớn. Tương truyền khi hưng công xây dựng đình vào thời Lê, năm Chính Hòa thứ 7 (1686), cụ Đặng Đình Tướng là người Thượng Đức Hạ làm quan đã mua gỗ để cúng tiến vật liệu xây dựng cho làng. Sau đó, nhân dân đứng ra xây dựng ngôi đình năm gian hiện còn tồn tại đến nay.

Đình Giẽ Hạ là một công trình kiến trúc quy mô to lớn và đồ sộ theo kiểu chữ Nhất. Đây là một trong những đặc trưng kiến trúc của thế kỷ 17, những ngôi đình kiến trúc ở những thế kỷ sau, người ta thường xây thêm chuôi vồ gắn với hậu cung; đình Giẽ Hạ nhìn về hướng Tây Nam, trước cửa đình là hồ đình, được người xưa đào theo hình bán nguyệt. Ngay ở cổng đình hiện tại dân làng còn giữ được ba tấm bia đá thời Lê. Bia “Kính thù đường khánh Vĩnh Diên bi” được khắc vào năm Phúc Thái Định Hội (1647). Bia “Hậu thần bi ký” được khắc vào năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756), bia “Phụng Thiền bi ký” được khắc vào năm Bảo Thái thứ 5 (1724). Nội dung bia nói về công lao của tướng quân Đặng Huấn đã giúp Lê – Trịnh diệt Mạc. Các bia khác ghi công họ Dương và dân làng đã cúng tiến tu bổ di tích.

Về kiến trúc đình Giẽ Hạ là một đình có quy mô to lớn mà nhiều người biết đến, theo các cụ cao niên, trước kia đình Giẽ Hạ là một ngôi đình nhỏ được dựng ở phía đông của làng nên gọi là đình Đông. Vào giữa thế kỷ 17, họ Đặng ở đình Giẽ Hạ có cụ Đặng Đình Tướng (bác ruột Đô đốc Đông lĩnh hầu Đặng Tiến Đông tướng của vua Quang Trung). Ứng quận công Đặng Đình Tướng vâng lệnh vua Lê vào trấn nhận ở Nghệ An. Cai quản vùng Thanh – Nghệ lâu năm, ở đây, cụ sai người em con nhà chú là Vân Trung hậu Đặng Đình Bác sau được thăng lên Vân Quận Công đi kén mua gỗ lim đủ làm 5 gian và 2 giải vũ gửi về cho làng. Theo gia phả họ Đặng, sự kiện này diễn ra vào năm Chính Hòa thứ 7 (1686). Sau khi có gỗ đó, dân làng đã đứng ra xây dựng đình làng. Đình được xây dựng 5 gian 2 dĩ, nền đình được làm tam cấp lát đá tảng, đình được xây dựng theo hình thức 4 hàng chân gỗ với vì nóc kiểu cột trốn chống nóc. Hệ thống cột gỗ lim khá đồ sộ.

Về điêu khắc, đáng chú ý là họa tiết trang trí thời Lê phần lớn được giữ nguyên còn lại đến ngày nay. Đó là các đầu dư, các bức cốn, các mảng trang trí trên xà nách, trên thân cột trước cửa hậu cung… nghệ thuật trang trí điêu khắc mang cả hai yếu tố văn hóa cung đình và văn hóa dân gian. Bức cốn bên phải, gian giữa nhà đại bái điêu khắc tính “Rồng mẫu tử”, người xưa chạm khắc bên cạnh rồng mẹ là những con rồng con đang nô đùa quấn quýt. Rồng mẹ đưa tay lên nắm thân và cổ rồng con như đang trò chuyện rất xinh động và hồn nhiên. Cả bức cốn chạm khắc tới 15 con rồng lớn nhỏ mà nhìn không rối mắt. Cạnh ổ rồng là những họa tiết chạm nổi “người cưỡi voi”, “tiên cưỡi rồng”, “long nghê quần tụ”, bố cục rất tự nhiên và thoải mái.

Ở các bức cốn khác, ngoài các họa tiết rồng được thể hiện ở các tư thế khác nhau, ở đình Giẽ Hạ, người xưa còn chạm con nghê, một con vật trong tâm thức dân gian biểu hiện về sức mạnh, nghê cũng được chạm ở nhiều tư thế, có mạng chạm nổi một bầy nghê mẹ với 3-4 nghê con, có mảng chạm nổi ngựa chiến nằm nghỉ, người cưỡi rồng… phụ họa cho các mảng điêu khắc là những họa tiết hình đao mác, tia lửa thường thấy ở đình Tự Nhiên, huyện Thường Tín; đình Ngọc Than, huyện Quốc Oai; đình Hoàng Xá, huyện Ứng Hòa… những ngôi đình của thế kỷ 17, đặc điểm nổi bật của nghệ thuật thế kỷ XVI-XVII là sự phục hồi và phát triển vốn nghệ thuật dân gian cổ truyền thống. Ngoài phần trang trí điêu khắc nói trên, nội thất đình Giẽ Hạ còn được tô điểm những con rồng được chạm theo lối tượng tròn gắn vào thân cột cái và các kẻ bẩy. Đặc biệt, gian giữa đại bái có trần gỗ sơn son thiếp vàng chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt bằng chất liệu sơn ta rất công phu. Nhưng sự công phu nữa phải kể đến là hệ thống chân đá tảng đều được tạc cổ bồng. Hiện, di tích đình làng Giẽ Hạ còn lưu giữ được nhiều hiện vật như: long ngai bài vị, hương án, kiệu bát cống, bát bửu, tàng lọng, y môn, hoành phi câu đối…

Về lễ hội, ngày 12 tháng 6 âm lịch, 6 thôn của tổng Thịnh Đức cũ lại mở đám lớn lễ hội cầu phúc, xưa dài 10 ngày. Nay thì ngày 11 làm lễ Bao sái mộc dục dâng cúng thanh bông hoa quả; ngày 12 làm lễ chính cầu phúc, trong đó có cờ quạt rước Thủy thần về nhập tịch, tổ chức hát xướng, dâng cúng hoa quả, cỗ chay và xôi, rượu, gà, lợn. 12 tháng 11 âm lịch là ngày hóa của Thần thì làm lễ cầu phúc dâng cúng thanh bông hoa quả, cỗ chay. Rằm tháng Giêng kỷ niệm Tiên Mẫu giáng hạ: dâng lễ cỗ chay, cắt giấy ngũ sắc, tổ chức ca hát. Ngày 10 tháng 2 âm lịch: tế Xuân (lễ vật tùy nghi). Ngày 10 tháng 5 âm lịch: lễ cơm mới (tùy nghi). Ngày 10 tháng 8 âm lịch: tế thu (tùy nghi).

Đình Giẽ Hạ được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1994.

Hits: 627

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *