ĐÌNH ĐA CHẤT (Phú Xuyên)

Làng Đa Chất cách trung tâm thủ đô khoảng 40km về phía Nam. Ngôi làng nằm bên cạnh sông Nhuệ này từ lâu đời đã có nghề truyền thống làm cối xay tre. Xưa kia, Đa Chất có tên là Tông Chất, trong thần phả của làng chép lại từ năm Tự Đức thứ 11 (Mậu Ngọ 1858) có ghi chú thích “Hậu Lê cải vi Đa Chất” (Thời Hậu Lê đổi thành Đa Chất) và tồn tại đến ngày nay. Đa Chất nay là một thôn của xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Đình Đa Chất gần đây đã được nhà nước và nhân dân tu bổ nhưng vẫn giữ được những nét tinh tế của một ngôi đình cổ xưa kia.

Đình Đa Chất lấy theo tên làng, đây là một công trình văn hóa tín ngưỡng cộng đồng còn khá nguyên vẹn. Nhìn từ bên ngoài, ngôi đình tám mái đồ sộ và giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính. Khu đình tọa lạc trên mảnh đất hình kim quy (rùa vàng) ở giữa trung tâm làng, bốn phía có sông, ao, ruộng đồng, xóm làng bao bọc. Đình nhìn về hướng Đông Nam bên dòng Châu Giang, nước trong xanh tụ về hồ bán nguyệt trước đình. Ở giữa hồ có một đảo nhỏ tựa viên ngọc, phía trong có đôi rồng đá được tạo tác thô phác vào triều Nguyễn, năm Thiệu Trị thứ 3 (1842). Hai tượng rồng đá uốn khúc qua 12 bậc đá chầu viên ngọc giữa hồ. Khu đình gồm nghi môn, nhà tiền tế, nhà đại bái và nhà hậu cung. Nghi môn ngày xưa làm theo kiến trúc trụ biểu lồng đèn to cao nhưng đã bị phá hủy. Năm 1996, nghi môn mới được xây dựng lại phỏng theo lối kiến trúc cổ kiểu trụ biểu lồng đèn.

Ngôi đình được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVIII, gồm nhà tiền tế và nhà đại bái. Sau nhà đại bái là nhà hậu cung ba gian có chiều ngang 8m, chiều dài 9m. Nhìn từ xa, ngôi đình như một bông sen tám cánh nổi bồng bềnh. Dân gian có câu: “Đa Chất có cây đa to; Có đình tám mái, có hồ nước trong”.

Ngôi nhà tiền tế và đại bái song song nhau, cùng một khuôn mẫu với mặt bằng hình chữ Nhất gồm năm gian, chiều dài 20m, chiều rộng 11m. Tường xây gạch Bát Tràng vuông và dầy có bò đinh nóc thời Lê, tám bờ dải đắp vôi vữa, chỗ gấp khúc đặt những hình long mã sành đất nung màu xám ngộ nghĩnh bốn mái lá bản rộng như hình thuyền có đầu đao cong, con kìm đất nung ôm dưới đao. Ở hai đầu bờ mái là hình rồng ngậm bờ nóc. Hai tường hồi nhà tiền đường xây tay ngai ra phía ngoài và xây hai trụ biểu lồng đèn, đắp tứ linh và tứ quý.

Kiến trúc bộ khung nhà tiền tế và nhà đại bái cùng có chiều cao nóc 7m với bốn bộ vì chính và hai bộ vì chái. Mỗi bộ vì đều có chiều cao nóc 7m với bốn bộ vì chính và hai bộ vì chái. Mỗi bộ vì đều có 4 cột gỗ lim, hai cột chính có đường kính đều 40cm, một người ôm quanh không xuể. Dưới cột kê tảng đá cổ bồng hình trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột kê đấu vuông thót đáy để đặt bộ vì kiến trúc theo kiểu thức thượng giá chiêng chồng rường hạ kẻ bẩy. Ở hai bộ vì chái có hai kẻ suốt bắt chéo nhau tại đình nóc chạy suốt ra góc nâng các đầu đao hình rồng tạo cho hai ngôi nhà tám mái. Đình làng Đa Chất mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê. Riêng ngôi nhà đại bái có hai bộ vì chính được trùng tu lớn năm Thiệu Trị thứ 3 (1842).

Về điêu khắc nghệ thuật, đình Đa Chất, nhìn từ bên ngoài nổi bật là những khối tượng con rồng, con nghê, con kìm ở trên bờ nóc, bờ xô và đầu đao. Những bộ vì rường ở các gian chái đều chạm khắc kênh bong với các đề tài đôi hươu chạy trong rừng, sư tử, long mã. Mỗi con rường, mỗi đầu đội đều có khắc chạm hoa lá thiêng và những cụm mây tia chớp mạnh sắc. Những loài vật thiêng như rồng, nghê, kìm có thân hình thon nhỏ, chân cao, mắt sáng, mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê khá điển hình. Bên trong đó còn có những mảng điêu khắc hổ phù, rồng, vân mây… trên vì rường mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn được làm trong những lần tu bổ của đình.

Hiện nay, đình Đa Chất còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá như kiểu bát cống và hương án, bộ ngai bài vị thời Lê, quả chuông đồng được làm năm Thiệu Trị thứ 3 (1843). Chuông có chiều cao 1m, thân chia làm bốn khoang trang trí Long, Ly, Quy, Phượng, hoa cúc dây, hoa thị. Bài minh tại đình có ghi danh những người công đức đúc nên chuông. Ngoài ra, đình còn nhiều đồ thờ tự khác ở thời nhà Nguyễn như hương án, chấp kích, 20 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến, trong đó, đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767) có một đạo sắc niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783) có 1 sắc. Đạo sắc muộn nhất là vào thời vua Khải Định. Đặc biệt, đình còn lưu giữ được cuốn thần phả dày 17 trang viết chữ Hán do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn ngày 10 tháng giêng năm Hồng Phúc nguyên niên (1572). Vào năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) Quản giám bách thần, thiếu khanh Nguyễn Hiền sao y bản chính do chính tay lý trưởng làng Đa Chất là Nguyễn Văn Phát lĩnh bản chính từ Bạch Hạc về thờ ở đền Ba Lương và đình làng vào ngày 15 tháng ba năm Mậu Ngọ (1858).

Với những nét văn hóa của mình, đình làng Đa Chất được công nhận là Di tích Quốc gia năm 1995.

Hits: 786

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *