ĐÌNH, CHÙA LA PHÙ (Hoài Đức)

Đình, chùa La Phù, thuộc xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Từ khi xây dựng đến nay, đình và chùa đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên giá trị, nhiều yếu tố gốc được bảo tồn… Với những giá trị của mình, đình, chùa La Phù được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1988.

La Phù xưa gọi là xã La Phù, tổng Yên Lũng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây; sau này là làng La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (năm 1965 là tỉnh Hà Tây, năm 1975 là tỉnh Hà Sơn Bình, năm 1979 nhập vào Hà Nội, năm 1992 lại trở về tỉnh Hà Tây, từ tháng 8/2008 đến nay thuộc thành phố Hà Nội).

Làng La Phù có cụm di tích đình và chùa tọa lạc trên cùng mảnh đất cao giữa trung tâm làng. Phía trước là ngôi đình, tiếp sau là ngôi chùa đã tạo thành một quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật – tín ngưỡng tôn giáo “tiền Thần hậu Phật”. Theo truyền thuyết và lời kể của các cụ cao niên, ngôi đình làng có từ thời nhà Lê, quy mô còn nhỏ bé. Khi dân cư ngày một đông đúc, kinh tế dần khá giả, vào triều nhà Nguyễn, làng La Phù làm lại ngôi đình trên nền đất cũ, đình hiện nay quay hướng Tây vừa hợp địa thế phong thủy vừa hợp quy luật âm dương đối đãi của không gian. Với dòng sông Đáy chảy từ phải qua trái ở trước mặt, mang tính chính hướng, nên nó cũng là dòng chu chuyển phúc đức cho dân làng hơn các dòng chảy khác.

Theo sự tích ghi trong thần phả và truyền thuyết thì đình La Phù thờ Tĩnh Quốc Đại vương. Ông là con trai thứ ba của vua Hùng. Ông sinh ngày 7 tháng Giêng và hóa ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Vì có công trong việc giúp Hùng Duệ Vương giữ yên bờ cõi nước Văn Lang, nên sau khi ông mất, triều đình đã phong tặng là Tĩnh Quốc Đại vương thượng đẳng thần. Làng La Nước (tên cổ của làng La Phù) là nơi Tĩnh Quốc đã đứng lên chiêu tập quân sĩ và lập đồn binh chống giặc. Nhân dân La Phù tôn vinh ông làm thành hoàng và thờ ở đình làng.

Cổng đình nằm ngay sát đường trục chính của làng, cấu trúc theo lối tứ trụ gồm hai trụ chính và hai trụ nhỏ dần cân đối theo hàng ngang. Bốn cột trụ có lối kiến trúc xây gạch trụ hộp gồm ba phần đế, thân và đỉnh. Trên đỉnh trụ chính có lồng đèn trang trí tứ linh tiếp là màng phù điêu hổ phù và thượng đỉnh là chim phượng kiểu lá lật. Trên đỉnh cột trụ nhỏ hai bên đắp khối tượng nghê chầu.

Nhà tiền tế nằm ngang hình chữ Nhất, gồm năm gian, mở cửa mặt tiền với những cánh cửa bức bàn. Tường xây hai đầu hồi bít đốc tay ngai có xây cột trụ biểu lồng đèn. Mặt tiền thông với nhà đại bái. Trên bờ nóc có rồng chầu mặt nguyệt, hai mái chảy 300 lợp ngói mũi. Kiến trúc khung nhà bên trong có ba hàng chân cột gỗ tròn kê tảng cổ bổng, có câu đầu, đầu dư và bộ vì tạo nên mái nhà kết cấu bền chắc. Các bộ vì cấu trúc theo kiểu thức thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy đặt trên câu đầu, họng cột xẻ đầu theo mô típ kiến trúc đình làng thời Nguyễn, thế kỷ XIX.

Nhà đại bái năm gian hình chữ Nhất, nằm song song với tiền tế qua một sân hẹp. Cấu trúc bên ngoài cũng xây theo kiểu tường hồi không tay ngai, hai mái chảy lợp ngói mũi. Mặt tiền thông với tiền đường, còn phía sau giáp hậu cung. Kiến trúc khung nhà đại bái có sáu bộ vì, trên sáu hàng chân cột. Tổng số có 36 cột cái và cột quân, đấu vuông đầu cột để lắp dư, câu đầu và bộ vì. Các bộ vì cấu trúc theo kiểu thức thượng giá chiêng, rường con, hạ kẻ bẩy. Đình hiện còn sàn và cửa bức bàn ở phía trước. Như vậy, ngôi nhà đại bái có lối kiến trúc thời Hậu Lê. Điêu khắc trên kiến trúc thể hiện trên các đầu dư chạm lộng hình đầu rồng với đặc điểm mắt lồi, tai dơi, miệng rộng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Nhà hậu cung không làm theo kiểu chuôi vồ mà là một công trình hình chữ Nhất nằm song song với đại bái có ba gian, xây tường đầu hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói mũi. Kiến trúc khung nhà có bốn bộ vì đặt trên ba hàng chân cột. Bộ vì chồng rường con nhị và bẩy cũng theo kết cấu cơ bản như nhà đại bái nhưng nhỏ và đơn giản hơn.

Hiện nay, đình La Phù còn bảo lưu được nhiều hiện vật có giá trị gồm các hoành phi, câu đối; nhang án, kiệu, bát bửu, bát hương gốm men trang trí hình người; 14 đạo sắc phong, đạo sớm nhất vào thời Lê, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730).

Chùa La Phù là một ngôi chùa cổ với tên chữ là “Thiên Hương tự” trong đó, thiên là trời hàm chữ thiêng liêng, hương là thơm phần nào đồng nhất với Phật tâm viên mãn (với định tuệ). Chùa nằm trên mảnh đất đẹp giữa sông Đáy và sông Nhuệ. Mở đầu là ngôi Tam quan kiêm gác chuông được xây bằng gạch trát vôi vữa. Tuy niên đại của kiến trúc này muộn, nhưng ý nghĩa của nó không hề thay đổi.

Hội làng hằng năm được tổ chức từ ngày 7 – 13 tháng Giêng.

Hits: 3004

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *