ĐỀN NGỌC SƠN

Từ xưa, trên hồ Tả Vọng (Hoàn Kiếm) đã có gò đất cao, tương truyền các tiên nữ thường về đây ca hát. Thời Lý Thái Tổ gọi là Ngọc Tượng Sơn, thời Trần gọi là Ngọc Sơn. Trên Ngọc Sơn có ngôi chùa nhỏ, về sau bị huỷ hoại. Cuối thời Lê Trung Hưng, ông Tín Trai, người làng Nhị Khê, nhân đền cũ lập ngôi chùa mới gọi là chùa Ngọc Sơn. Bên cạnh đó có đền thờ Quan Đế (Quan Vân Trường). Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) con ông Tín Trai lại nhường chỗ này cho hội Hướng Thiện xây dựng lại làm nơi thờ Văn Xương Đế Quân. Thời gian sau, lại phối thờ Lã Động Tân, Quan Đế, Trần Hưng Đạo. Năm Tự Đức thứ 18 (1865) Phương đình Nguyễn Văn Siêu đứng ra vận động xây lại đền Ngọc Sơn, đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên…

Đền Ngọc Sơn và các thần tượng

Ngọc Sơn là hình ảnh thu nhỏ của sự dung hoà Tam giáo. Văn bia đền Ngọc Sơn viết: “Hiện nay đền thờ mới đã hoàn thành, phía trước cạnh bờ nước làm đình Trấn Ba, ngụ ý là cột trụ đứng vững giữa làn sóng văn hoá. Bên tả, phía đông cầu Thê Húc dựng Đài Nghiên. Lại về phía đông trên núi Độc Tôn, Nguyễn Văn Siêu dựng bía khắc: Thái Sơn thạch cảm dương (sánh ngang đá núi Thái Sơn)”.

Cái sánh ngang núi Thái, thực chất không chỉ đất đá, mà còn là nền văn hoá Việt Nam sánh ngang nền văn hoá Trung Hoa. Hán Vũ Đế để lại “vô tự bi” trên núi Thái Sơn hàm ý chỉ võ công văn trị thời ấy là đỉnh điểm không chữ nghĩa nào nói hết được. Còn Nguyễn Văn Siêu lại đề chữ ở Tháp Bút: “Tả thanh thiên” (viết lên trời xanh) hàm ý chỉ nền văn hoá Việt Nam; võ công văn trị Việt Nam cũng không sách vở nào ghi lại được mà chỉ có trời xanh bao la mới chứa nổi mà thôi. Đây chính là đặc điểm của tinh thần Nho giáo Việt Nam.

Ngoài cổng tam quan phía bên trái đắp tượng rồng, phía bên phải đắp tượng hổ, đề “cửa rồng, bảng hổ” ý chỉ học hành đỗ đạt. Nhưng đây lại là mô típ quen thuộc ở các quán Đạo giáo và Tam giáo. Đạo giáo tôn Lão Tử làm Giáo chủ vì ông là người có đạo coi đức trọng. Rồng và hổ đã phải thuần phục trước con người phi phàm này, bởi vậy bên cạnh tượng Lão Tử, thường có tượng rồng, hổ và câu đối:

Đạo cao sơn hổ phục

Đức trọng thuỷ long triều.

Hệ thống thần tượng

Tượng Văn Xương Đế Quân: Văn Xương Đế Quân vốn là chúa tể ở cung Văn Xương gồm 6 sao trong Nhị thập bát tú. Sáu sao ấy là Thượng Tường, Thứ Tướng coi việc võ bị binh đao, Quý Tướng coi việc văn học, Tư Trung, Tư Lộc coi việc phúc lộc, thăng trưởng, Tư Mệnh coi việc họa phúc trừng phạt. Văn Xương Đế Quân cũng là Tử Đồng Đế Quân, có tên gọi là Trương Thiện Huân hay Trương Á Tử. Đây là vị thần của Đạo giáo. Thần được thờ ở nhiều nơi trên đất Trung Quốc. Thời Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Định đi sứ Trung Quốc đem tượng thần về thờ chung với Huyền Thiên Thượng đế ở Trấn Vũ quán. Đến năm 1843, hội Hướng Thiện mới đưa tượng về thờ riêng tại đền Ngọc Sơn. Đạo giáo ý thức rằng Văn Xương Đế Quân trông coi mọi việc văn, vũ, y, lộc, sĩ, nông, công, cổ, vì vậy mọi người đều đến đền Ngọc Sơn cầu cúng.

Bên cạnh Văn Xương Đế Quân, luôn có 4 thần chầu hầu đó là Thiên Lung, Địa Á, Khôi Tinh, Chu Thần. Thiên Lung, Địa Á biểu tượng một Kim Đồng Ngọc nữ ngây thơ hồn nhiên không nói không nghe nhưng tất cả đều biết. Ai làm điều thiện sẽ được hưởng phúc, ai làm điều ác sẽ bị trừng trị. Tượng Khôi Tinh là một thần tượng kỳ dị đầu lồi, mắt rắn, mặt xanh, nanh vàng, tay cầm bút, tay cầm sách, chuyên ghi việc làm ác của con người để trừ tuổi thọ hay đoạt mệnh. Tượng Chu Thần là một ông già hiền hoà râu tóc bạc phơ, chuyên ghi việc thiện của con người để cho họ được trường thọ.

Tượng Lã Động Tân: Lã Động Tân là một vị thần của Đạo giáo, người đất Kinh Triệu thời Đường. Lã vốn là tôn thất nhà Đường, do loạn Võ Tắc Thiên nên bỏ lên núi Chung Nam Sơn tu luyện mà đổi họ. Do ở trong nha đá nên gọi là Nham, do thường xuyên tu ở trong động nên gọi là Động Tân. Ở đây Lã được thần thư, luyện thành Minh Thiện độn kiếm pháp. Kiếm pháp có thể chặt đứt tham sân, chặt đứt ái dục, chặt đứt phiền não. Lã Động Tân có công trong việc san định Đào tàng, đề là Thuần Dương tử, người sau gọi là Lã Tổ. Ông là người giỏi luyện đan và chữa bệnh. Truyền thuyết dân gian coi ông là một trong bát tiên.

Tượng Quan Vân Trường: Quan Vân Trường hay Quan Vũ là một tướng giỏi của Trung Quốc thời Tam Quốc, có lòng trung nghĩa nhất đời. Đương thời ông được phong là Hán Thọ Đình Hầu, sau khi mất, được Tam giáo tôn làm thần, gọi là Quan Đế, Vũ Đế, Phục Ma Đại Đế, Quan Thánh Đế Quân. Sách Quan Đế đào viên minh thánh kinh (ký hiệu VHv.1997Viện nghiên cứu Hán Nôm) viết: “Ngài là đấng thần oai cao lớn, văn võ anh hùng, tinh trung đại nghĩa, cao tiết thanh liêm, vận giúp đồng đồ, sức sung điển thánh, giữ nguyên Tam giáo: Nho, Đạo, Thích”.

Tượng Trần Hưng Đạo: Trần Hưng Đạo là vị thống soái tài ba đã có công lớn trong sự nghiệp đánh giặc Nguyên gìn giữ đất nước, nên được vua Trần Nhân Tông phong là Đại Vương. Trần Hưng Đạo là người trung hiếu có nghĩa khí cao cả như Quan Thánh, nên Tam giáo cũng tôn làm Thượng đẳng thần, goi là Cửu Thiên Vũ Đế. Tượng Trần Hưng Đạo được thờ ở hậu cung. Dân gian coi Trần Hưng Đạo là thiên thần giáng thế giúp vua Trần diệt trừ giặc Nguyên và quỷ Phạm Nhan.

Tượng A Di Đà: A Di Đà Phật cũng được phối thờ ở hậu cung, sở dĩ như vậy vì nơi đây thờ Thánh Văn Xương là chính. Mô hình thờ cúng này người ta thường gọi là tiền Thánh hậu Phật. Trong số các tượng thần, ta không thấy tượng Khổng Tử. Nhưng tư tưởng của Khổng Tử đã được thể hiện qua các thần tượng khác ở đây.

Một địa chỉ “Du quan” nổi tiếng

Đất trời nước Hoàn Kiếm – Ngọc Sơn nổi tiếng từ xưa bởi lẽ ở đây có tiên, có rùa. Ngọc bao giờ cũng gắn liền với bất tử, với thần tiên. Hoàng đế ăn ngọc ở núi Thái Sơn mà thành tiên. Phải chăng các giai nhân ăn ngọc ở Thái Sơn mà thành tiên nữ. Con rùa ở Hoàn Kiếm đã tồn tại nhiều năm nay. Do truyền thuyết Lê Lợi trả lại gươm thần cho rùa thần mà hồ có tên Hoàn Kiếm.

Trước đây ngoài đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, đền Bà Kiệu xung quanh hồ còn có đền Hoàn Kiếm thờ Lê Thái Tổ, đền Hà Thanh (Linh Hựu) thờ Trần Hưng Đạo. Đền Hà Thanh hiện nay không còn, tượng Trần Hưng Đạo được di chuyển đến thờ ở đền Ngọc Sơn. Đền Hoàn Kiếm cũng bị phá huỷ chỉ còn tượng vua Lê. Không gian tươi đẹp, kiến trúc tuyệt vời, Hoàn Kiếm – Ngọc Sơn là một dịa chỉ du quan nổi tiếng. Nguyễn Văn Siêu đã dùng “Du quan” với đầy đủ ý nghĩa vừa du lịch vừa quan sát ngẫm suy.

Bài tựa “Lễ Hội đền Ngọc Sơn hồ Hoàn Kiếm của Nguyễn Siêu viết: “Ngày mồng 4 tháng Giêng năm Giáp Tý, Tự Đức thứ 16 (1864) Chế đài Hoàng Trung, Thừa giai Phan Viện, Lê Bang Bá, nghi trượng oai phong đi ra ngoài thành đến các phố lớn thám sát dân tình phong vật. Họ đến phía đông thành hồ Tả Vọng, núi Độc Tôn qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn. Chia ra tả hữu chủ khách tọa đàm, quan khách đủ mặt. Các giải thưởng cho lễ hội đều bày biện. Hôm nay trời lúc nắng lúc mát, không nắng không mưa. Người thì nói lên đàn ngắm cảnh, người thì bàn xuống thuyền ca vũ. Ai thích đi đâu thì tuỳ ý nguyện. Thế là sai chiếc thuyền khác đem theo đàn, sáo trống phách đến. Các thuyền bồng bềnh ở giữa hồ. Nhìn phía tây là Báo Khánh, phía đông là Hà Thanh, chỉ trỏ kia là đền gì? Có người nói đấy là chùa Báo Khánh hay đền Hoàn Kiếm thờ Hoàng đế Lê Thái Tổ. Còn đền Hà Thanh tức đền Hữu Linh thờ Trần Hưng Đạo. Một vị dẹp giặc Minh, một người đánh quân Nguyên. Sử Đại Việt còn sáng tỏ muôn đời, công lao một vị vua, một vị tướng. Đến nay thờ tự vẫn không bao giờ quên. Từ xưa đến nay đền miếu phổ biến khắp nơi. Duy có đền Ngọc Sơn kiêm thờ một vị thiên thần là Văn Xương Đế, một vị nhân thần là Quan Vũ Đế. Phía phải có đền Báo Khánh, phía trái có đền Hà Thanh khói hương còn mãi. Lòng người ngưỡng mộ thật quá sùng kính, đâu chỉ vì hứng thú mà xây dựng ngôi đền ở giữa hồ chốn đô thị này. Vậy là vừa uống vừa hát, thuyền qua gò nhỏ đến phía nam đầu rùa. Nhìn lại Ngọc Sơn như cái nậm hình vuông lầu quán trong bồng đảo. Người tham quan từ miếu đến cầu, ở bốn bên của hồ. Sĩ nữ lũ lượt trong đám cờ kích kể đến hàng vạn người, đã làm tăng vẻ đẹp cho đền, cho hồ. Thế rồi cho thuyền quay về, lên chỗ đình Trấn Ba trước cửa đền Ngọc Sơn, ngồi xem đua thuyền chấm thưởng. Cầu chúc 3 điều, thứ nhất cho đất nước bình an, thứ hai cầu cho toàn dân vui vẻ, thứ ba cho an cư lạc nghiệp. Ba hồi trống vang lên, ai nấy hăng hái bội phần, mái chèo khua nhanh, đầu nhô lên, thuyền lướt sóng như bay. Vòng đi vòng lại trên hồ nước đến 4 lần. Người xem đều sợ trời tối, đều nói hồ này chưa từng có cuộc vui nào như thế này”.

Phạm Quý Thích, tiến sĩ triều Lê thường xuyên du quanh hồ Hoàn Kiếm và có thơ vịnh:

Mặt hồ trong sáng ngàn xưa

Khúc sông Nhị Thuỷ bến bờ năm nao

Sóng xô lau lách xạc xào

Ánh trăng nhàn nhạt lặn vào nước xanh

Nơi đây huyết mạch La Thành

Sao Khuê sao Đẩu văn minh ngời ngời

Cánh buồm ai ngược ai xuôi

Mênh mông sóng nước mây trời là đâu.

Hiện ở đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu có một hệ thống câu đối hoành phi rất giá trị hầu hết đã được dịch. Ngoài ra ở đây còn hàng chục tấm bia đá nói về lịch sử xây Tháp Bút, Đài Nghiên, đình Trấn Ba, đền Ngọc Sơn và nhiều bài thơ giáng bút của Long Đỗ, Trần Hưng Đạo, Văn Xương Đế Quân, Phù Hựu Đế Quân (Lã Động Tân) khuyên con người làm điều thiện, bỏ điều ác.

Đền Ngọc Sơn được xây dựng trên núi Ngọc giữa hồ Hoàn Kiếm. Đền do hội Hướng Thiện đứng ra xây dựng vào năm 1843, xây lại vào năm 1865 để thờ bốn vị Đế quân: Văn Xương Đế Quân, Phù Hựu Đế Quân, Quan Thánh Đế Quân, Cửu Thiên Vũ Đế (Trần Hưng Đạo). Người xưa cho các thần là tinh hoa của Tam giáo – trung thứ, từ, bi, cung kiệm. Tôn thờ các thần cũng chính là tôn thờ cái thiện, tôn thờ trung thứ, từ bi, cung kiệm. Làm được như vậy, sẽ hợp với lẽ trời và được hưởng phúc.

Văn bia ở đền Ngọc Sơn đã nói rõ tư tưởng này: “Miếu thờ Văn Xương Đế Quân ở khắp thiên hạ để dạy người làm điều thiện mà thôi. Người ta làm điều thiện không gì quan trọng bằng ngăn lòng dục của mình để bảo tồn lẽ phải của tự nhiên. Làm như vậy chẳng cầu lộc mà lộc tự về. Phúc lộc tự nhiên mà đến với họ”.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Đền-Ngọc-Sơn.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: den ngoc son.docx”]

Hits: 14427

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *