PHỐ THUỐC BẮC

Phố Thuốc Bắc dài 328m, từ ngã ba Hàng Mã chạy xuống phía nam, cắt qua các ngã tư Hàng Cá – Lò Rèn, Lãn Ông – Hàng Vải rồi đến ngã tư Hàng Bồ – Bát Đàn và nối với phố Hàng Thiếc. Phố nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 500m về hướng tây-bắc.

Phần lớn phố này nguyên là đất thôn Đông Thành, thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Đoạn cuối giáp phố Hàng Bồ thì thuộc thôn Nhân Nội, cùng tổng. Đoạn giữa phố từ xưa đã nổi tiếng với các cửa hiệu thuốc Đông y, do đó mà thành tên.

Người bán thuốc ở khu vực này phần đông gốc từ làng Đa Ngưu ra Hà Nội làm ăn. Các cửa hiệu thường có quan hệ họ hàng hoặc làng xóm nên nếu khách mua mà không có đủ thuốc trong đơn thì vẫn thường lấy lẫn của nhau mà bán, khỏi cần nhiều vốn.

Cửa hiệu cũng khá đơn giản: những thúng mẹt đựng các vị thuốc sống bày ngay xuống mặt đất từ trong nhà ra đến ngưỡng cửa; thuốc để nguyên cả cành, cả rễ chưa cắt, củ chưa thái, những gói giấy bọc những hạt nhỏ, khách đi qua ngửi thấy mùi các vị thuốc bốc ra thơm lừng.

Chính quyền thời thuộc Pháp đã gộp năm đoạn phố cũ trước đây đều rất ngắn thành một phố thẳng dài, đặt tên là Rue des Médicaments (dịch nghĩa đen “phố Hàng Thuốc”). Từ năm 1945 thị trưởng Hà Nội đổi lại là phố Thuốc Bắc.

Đoạn từ ngã tư Hàng Phèn đến ngã tư Hàng Bồ – Hàng Thiếc trước kia chuyên bán các thứ hàng giấy bút và đồ dùng văn phòng khác nên gọi là Hàng Bút (khác với phố Hàng Bút bây giờ mà trước kia gọi là Hàng Mụn).

Đoạn phố ở vào giữa hai ngã ba Hàng Mụn và Hàng Phèn làm thành một bề mặt của khu chợ Đông Thành cũ, tên trước kia là Hàng Vải – được gọi rõ hơn là Hàng Vải Thâm để phân biệt với Hàng Vải Nâu tức phố Hàng Vải bây giờ. Tuy thế tại đây lại bán các thứ vải tấm khổ nhỏ chỉ độ hai gang tay do khung cửi cổ truyền vùng Kẻ Bưởi dệt ra. Ngoài ra còn bán vải ngoại. Đoạn phố này chủ yếu buôn bán hàng nội hoá thủ công nên ít người là tư sản lớn; nhà ở của họ không thay đổi nhiều. Sau này mới có những cửa hàng to và nhà gác cao, hiện đại hơn.

Đoạn phố cũ Hàng Thuốc Bắc kéo từ ngã tư Hàng Vải đến ngã ba Hàng Mụn, chủ yếu gồm những cửa hàng bán các vị thuốc Nam, còn những cửa hàng thuốc Bắc (dược liệu Trung Quốc) lại tập trung ngay sát đó ở phố Phúc Kiến (nay là Lãn Ông).

Từ ngã tư Thuốc Bắc – Hàng Vải đến Hàng Mã, xưa kia gồm hai đoạn phố ngắn có tên Hàng Áo Cũ và Hàng Khoá, cách nhau bởi phố Lò Rèn. Tại đoạn phố Hàng Áo Cũ người ta buôn bán những quần áo cũ đã dùng rồi và chăn màn may sẵn. Quần áo cũ thường là thứ hàng the lụa của các nhà đại gia may trong dịp hiếu hỷ cho khách dự lễ mặc, xong việc thừa nhiều đem bán đi. Ở đây còn bán quần áo sân khấu tuồng chèo và khăn chầu áo ngự cho những người lên đồng.

Đoạn phố Hàng Khoá ngày trước đã có các cửa hàng khoá, bán khoá sắt chủ yếu làm từ mấy phố gần đó hoặc khoá đồng do thợ làng Phùng Khoang đúc. Đến khi người ta sính dùng khoá tây, trùng với thời kỳ xây dựng lớn thì những nhà buôn khoá cũng quay ra buôn sắt, cho nên còn có tên phố Hàng Sắt.

Kiến trúc trên phố hiện nay pha trộn các kiểu cũ, mới. Một loạt các ngôi nhà từ phố 65 đến 77 mang phong cách phương tây, chỉ ngôi nhà số 71 còn giữ phong cách truyền thống. Ngày nay nhiều cửa hiệu tại phố Thuốc Bắc buôn bán đủ các loại mặt hàng như khoá, két bạc và một số vật liệu kiến thiết bằng kim loại. Đặc biệt có ngôi nhà số 87 là nơi cố họa sĩ Bùi Xuân Phái từng sinh sống.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Thuoc-Bac.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho thuoc bac.docx”]

Hits: 654

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *