PHỐ THANH HÀ

Phố Thanh Hà giáp phố Hàng Chiếu và nối phố Đào Duy Từ, đi từ cửa ô Quan Chưởng tới phố Nguyễn Thiện Thuật theo hướng đông-tây dài 150m, nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 700m về hướng bắc.

Xưa kia nơi đây thuộc đất thôn Thanh Hà, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Thôn này có một ngôi đình tọa lạc cạnh cửa ô Quan Chưởng (tên chính thức: Đông Hà Môn, tức “cửa Đông Hà”). Năm 1817, đình Thanh Hà được dời xa bờ sông hơn, đến vị trí ở sau nhà số 77 phố Hàng Chiếu hiện nay, cổng trước mở ra phố Ngõ Gạch. Trong đình thờ đại vương Trần Lựu, một vị anh hùng có công chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Khi thành Hà Nội mới bị chiếm, lối đi chính qua thôn Thanh Hà là một con đường đất; về sau tuy được mở mang và trải nhựa nhưng vẫn nhỏ hẹp. Ở quãng này, thực dân Pháp cho phá bỏ bức tường vòng ngoài thành bằng đất và xây phố dọc đó, đặt tên Quai Clémenceau, dân ta gọi là phố Bờ Sông (tức Trần Nhật Duật bây giờ). Trong một tấm bản đồ cũ vẽ năm 1890 tên đoạn ngõ đi từ cửa ô Quan Chưởng rẽ vào thôn từng được ghi là Ruelle Hàng Nâu, có lẽ vì trong ngõ có nhiều gia đình buôn bán lâm sản được các thuyền bè từ miền núi xuôi sông Hồng chở đến bến gần đấy.

Gần nơi rẽ ngoặt của ngõ Hàng Nâu vốn có ngôi đền Hội Thống, thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Sau khi quân Pháp tái chiếm Hà Nội (1947), đoạn ngõ đi thẳng từ nơi rẽ đó về hướng tây đến Rue Lepage (tức phố Nguyễn Thiện Thuật bây giờ) đổi tên là phố Thanh Hà, còn đoạn cong từ chỗ ngoặt xuống cửa ô Quan Chưởng ở phía đông thì đổi là ngõ Thanh Hà. Từ cuối năm 1954, cả hai đoạn trên được chính quyền mới sáp nhập thành một phố mang tên Thanh Hà.

Đầu phố Thanh Hà, cạnh cửa ô có một số nhà nhỏ đến nay vẫn còn lụp sụp. Trước kia hầu như ở đó toàn là dãy tường và cổng hậu của những ngôi nhà to, mặt quay ra phố Bờ Sông và phố Hàng Chiếu, đan xen những ngôi nhà hẹp được làm thêm ở đất trống. Song song với phố Ô Quan Chưởng, kéo từ chỗ ngoặt đến phố Bờ Sông từng có một phố ngắn khác, người Pháp gọi là “Voie 253” (đường 253), không biết chính xác vì sao và lúc nào thì biến mất…

Gần hết đường phố Thanh Hà và nhà cửa xung quanh đều bị phá hủy nặng nề bởi đại bác và xe tăng trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (cuối 1946 đầu 1947). Đến các thời kỳ ổn định sau đó, mảnh đất từng là chiến trường hoang tàn đã được xây dựng lại thành một khu dân cư khang trang hơn với những trường học cao tầng như Kim Đồng, Lê Lợi và các căn nhà ở mặt phố hoặc trong ngõ ngách, thậm chí có cả sân, chợ riêng biệt.

Ngày nay, đoạn cuối phố Thanh Hà với lòng đường khá rộng và đổ vào phố Nguyễn Thiện Thuật đã trở thành một khu vực buôn bán đông đúc gần sát khu chợ Bắc Qua – Đồng Xuân. Đoạn đầu phố hẹp hơn thì tập trung các hàng quán bình dân, vẫn mang dáng vẻ xóm nghèo xưa. Ngôi đền Hội Thống nhỏ xíu vẫn có đông con nhang đệ tử của Đạo Mẫu lai vãng, mặc dù một phần diện tích đã bị mất.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Thanh-Ha.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho thanh ha.docx”]

Hits: 1363

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *