PHỐ HÀNG HÒM

Phố Hàng Hòm dài 120m, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 200m về hướng tây. Phố đi theo chiều bắc-nam, từ ngã ba Hàng Quạt – Hàng Nón đến ngã tư Hàng Gai – Hàng Bông và nối với phố Hàng Trống, đoạn giữa có ngõ Hàng Chỉ.

Phố Hàng Hòm nằm ở trên đất cũ của thôn Cổ Vũ Thượng (tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương thời Nguyễn), nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố rất ngắn, chỉ bao gồm 31 ngôi nhà bên số chẵn và 24 ngôi nhà bên số lẻ.

Người phố Hàng Hòm hồi đầu đa số là dân Hà Vĩ, rồi sau thêm cả dân đến từ làng Đa Sĩ và một gia đình gốc Hoa ở số nhà 16. Họ sản xuất và bán đồ gỗ sơn, chủ yếu gồm hòm đựng quần áo và tráp đựng giấy bút, về sau làm bằng gỗ tạp và sơn bằng sơn tây nên rẻ và nhẹ hơn. (Hòm da có khoá chuông thì bán ở phố Hàng Buồm).

Ngoài hòm còn có đồ sơn mài với sơn then (đen) và sơn màu cánh gián có vẽ hoa lá, rồi câu đối, tráp đựng trầu và ngai thờ. Già nửa phố là những hộ làm hòm, chỉ có đôi ba nhà làm đồ sơn mài. Việc sản xuất và tiêu thụ lúc đầu rất đơn giản: hàng làm ngay bên trong nhà, bên ngoài là cửa hiệu bày bán. Những gia đình ít vốn thì thuê buồng ở phía sau rẻ tiền hơn và nhận việc về làm gia công.

Thời Pháp thuộc, người Pháp dịch đúng nghĩa tên phố Hàng Hòm khi gọi nó là “Rue des Caisses”. Cho đến đầu thế kỷ 20 đây vẫn còn là một phố cổ, nhà xây giống như ở các phố Cầu Gỗ, Hàng Quạt, Hàng Cân: phía mặt phố thò ra thụt vào không thẳng hàng, gác thì làm theo kiểu “chồng diêm”. Thực sự chỉ có ít ngôi nhà được cải tạo và lên tầng.

Vào khoảng những năm 1930 trở đi, dân Hàng Hòm đã mở rộng sản xuất các loại đồ da bền đẹp theo kiểu dáng mới và phù hợp để mang hành lý đi xa như va li, cặp da, túi du lịch v.v.. Ngoài ra có thêm mấy hộ gia đình chuyên làm khăn xếp, mũ tây và giày vải thêu từ bên các phố Hàng Gai, Hàng Trống mang cửa hiệu sang đây.

Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, sau đó phố lại được mang tên cũ Hàng Hòm. Trong cuộc chiến ác liệt cuối 1946 đầu 1947, cả phố đã bị tàn phá vì là mặt trận giáp ranh giữa hai bên. Giao tranh suốt ngót ba tháng; quân Pháp đã bắn đại bác vào khu này, chỉ còn nguyên vẹn mỗi ngôi nhà số 36. Đến thời tạm chiếm, phố xá đã được xây dựng lại và hầu như mất hết dấu tích nhà cổ.

Sau 1954, dân phố dần dần mở thêm một số nghề khác. Trong thời chống Mỹ, phố không hề hấn gì nhưng mãi đến thập kỷ 1990, những công trình xây dựng hiện đại mới bắt đầu mọc lên trên phố này với khách sạn, nhà hàng và du lịch là hướng kinh doanh chính. Khách bình dân ngày nay vẫn thường đến với các hàng bún thang ở phố Hàng Hòm và đầu ngõ Hàng Chỉ.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Hom.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho hang hom.docx”]

Hits: 596

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *