PHỐ HÀNG CHIẾU – Ô QUAN CHƯỞNG

Phố Hàng Chiếu dài 275m, phía đông nối phố Ô Quan Chưởng tại ngã tư Thanh Hà – Đào Duy Từ, phía tây nối phố Hàng Mã ở ngã tư Hàng Đường – Đồng Xuân; đoạn giữa cắt ngang ngã tư Hàng Giầy – Nguyễn Thiện Thuật. Phố Ô Quan Chưởng dài 80m, đi từ ngã ba Trần Nhật Duật tới di tích cửa ô Đông Hà. Cả hai phố nằm ở phía đông nam chợ Đồng Xuân, nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng bắc.

Phố Hàng Chiếu và phố Ô Quan Chưởng toạ lạc trên nền con đường của thôn Thanh Hà cũ, nối liền khu chợ phía đông Long thành (quãng phố Hàng Cá) với bến Phúc Tân (sau cát bồi thành bãi Phúc Tân khi sông Hồng dần dần đổi dòng sang phía Gia Lâm). Đình Thanh Hà ngày nay lưng quay về phố Hàng Chiếu, cổng mở ra phố Ngõ Gạch. Tên làng cũng còn lại ở tên con phố nhỏ nối Ô Quan Chưởng với phố Nguyễn Thiện Thuật là phố Thanh Hà, nơi có ngôi đền Hội Thống thờ Mẫu Liễu với diện tích nay đã bị thu hẹp nhiều.

Thời Nguyễn, nơi đây bán chiếu cói và cả chén bát nên còn có tên phố Hàng Bát. Sách “Đại Nam nhất thống chí” xác định rõ rằng “Phố Đông Hà bán chiếu trơn”. Tài liệu Pháp hồi đó cũng ghi là “Rue des Nattes en joncs” (Phố Chiếu Cói). Một bưu thiếp có hình vẽ được coi là cổ nhất về phố Hàng Chiếu đã cho thấy sự phù hợp với miêu tả của những người Pháp đặt chân tới Hà Nội vào cuối thế kỷ 19.

Trong cuốn sách “De Paris au Tonkin” (Từ Pa-ri đến Bắc Bộ) in năm 1884, tác giả Paul Bourde viết: “Không những người ta làm mặt tiền kín mít mà còn che đậy nó bằng một chái, chìa cái mái tranh ra đường; thành thử phố xá chỉ còn như những con đường hào chật chội chen chúc đầy người và đôi khi khó có thể cưỡi ngựa đi qua.”

Hàng Chiếu là con phố đầu tiên mà Pháp có ý định mở mang sau khi chiếm được Hà Nội. Năm 1888, chính quyền thực dân nhân có đám cháy lớn đốt trụi cả dãy phố cũ đã bắt dân phố mua gạch xây lại nhà theo kiểu Tây, nếu không có tiền thì phải bán nhà với giá rẻ. Phố từ đó có vỉa hè, cống rãnh, cây xanh, cột đèn; Pháp đặt tên “Rue Jean Dupuis”, dân ta cứ gọi là “Phố Mới”. Ngay từ năm 1883, Pháp đã đặt cơ sở đào tạo phiên dịch viên ở đây, tới 1905 thì chính thức lập trường Thông ngôn, nay không còn dấu vết.

Nhà máy dệt Bắc Qua do hãng Bourgouin Meiffre xây năm 1884 ở bãi đất chỗ phố Nguyễn Thiện Thuật bây giờ, Văn phòng thì đặt ở số 72–74–76 Phố Mới. Năm 1918 xưởng và nhà kho Bắc Qua bị chuyển về nhà máy sợi Nam Định, hãng Magnabar mua lại ngôi nhà trên. Hãng này nhập vải sợi, xuất các hàng mây, tre, cói và ren mua của các làng nghề thủ công Hà Đông bán sang Pháp, lại nhận thầu may quần áo cho lính khố xanh. Hãng Daurelle thì ở số nhà 60–62–64 Phố Mới, nhận thầu may quần áo cho lính khố đỏ bằng ka-ki, dân quen gọi là “Nhà áo vàng”. Hai nhà thầu trên sử dụng hàng trăm thợ may nữ, làm việc không giờ giấc mà công sá thấp. Đám cai đàn bà có người do ăn lễ, ăn bớt, ăn chặn, ăn gian mà tậu được ba nhà gạch ở Phố Mới.

Đầu Phố Mới còn có một ngôi nhà treo lá cờ vàng mộ phu đi Tân thế giới, tức nơi xuất khẩu lao động giá bèo. Lại có nhà Vạn Bảo ở góc Hàng Giầy – Hàng Chiếu do Hoa kiều thầu với một nhóm người Pháp được cấp phép quản lý nghề cho vay cầm đồ lấy lãi tới 24% một năm. Hàng tháng, chủ nhà Tầm Tầm Hàng Trống (nhà thầu bán đồ cũ) đến bán đấu giá các đồ cầm cố quá hạn.

Đoạn cuối Phố Mới thông sang chợ Đồng Xuân và phố Cầu Đông qua ngõ Đồng Xuân. Đầu ngõ từng là “Chợ đưa người” tức nơi cung cấp ô-sin. Nghề môi giới thuê người chỉ có sau năm 1930. Nhà hàng cơm chứa trọ đầu tiên cho ô-sin là số 81 Phố Mới, hàng chục chủ chứa đã sống về nghề này từ 1936 trở đi.

Khi bến tàu bị cát bồi phải rời lui xuống phía dưới chỗ đầu Hàng Muối, các cửa hiệu bên trong cửa ô Đông Hà không còn thuận lợi nếu xuất nhập hàng qua cảng sông. Từ đó, Phố Mới cũng ít thay đổi về mặt xây dựng.

Phố Hàng Chiếu từng là một nơi chiến đấu ác liệt của quân ta trong những tháng đầu tiên của cuộc Kháng chiến chống Pháp. Trận địa Ô Quan Chưởng đã đứng vững cho đến khi Trung đoàn Thủ đô bí mật rút ra khỏi Thành phố đêm 17/2/1947 qua cầu Long Biên cạnh đó.

Ô Quan Chưởng

Đông Hà Môn có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 10 (1749), sửa lại năm Gia Long thứ 16 (1817). Vượt qua cửa Đông Hà, thuyền trưởng Francis Garnier đã dẫn lính tiến đánh thành Hà Nội lần thứ nhất. Dân chúng gọi đây là Ô Quan Chưởng để tưởng nhớ toán quân gác cửa ngày 20/11/1873 đã hy sinh đến ng­ười cuối cùng.

Hiện Đông Hà môn còn tấm bia đá gắn vào tường cạnh cổng giữa, khắc tờ sức của tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu và tuần phủ Hoàng Hữu Xứng đề năm Mậu Dần (1878) cấm lính gác xách nhiễu dân đi qua cửa. Tay lái súng thực dân Jean Dupuis khi ra Bắc kỳ lấy lý do tìm đường ngược sông Hồng sang Trung Quốc, đã ghé vào đây và giở trò khiêu khích. Một tấm ảnh do bác sĩ Hocquard chụp sau lần thứ hai quân Pháp đánh Hà thành đã cho thấy phố Hàng Chiếu năm 1883 vẫn trông giống đồn luỹ bảo vệ hơn là khu dân cư hay thương mại.

Chiếm thành xong, người Pháp chủ trương dỡ các công trình vây quanh để mở rộng khu phố mới. Nhưng nhờ ông Đào Đăng Chiểu (1845 – 1916), cai tổng Đồng Xuân, cùng với dân chúng nhất định không chịu ký tên vào tờ trình xin phép phá cửa ô nên cuối cùng riêng Đông Hà Môn được giữ lại nguyên vẹn. Năm 1945 thị trưởng Hà Nội đã tách ra thành hai phố Ô Quan Chưởng và Hàng Chiếu, xoá bỏ cái tên Jean Dupuis.

Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long ra đời, cửa Ô Quan Chưởng được trùng tu nhưng vọng lâu đổi màu xám xịt đã gây xôn xao lớn trong giới báo chí và dân mạng trong một thời gian.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Chieu-O-Quan-Chuong.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho hang chieu.docx”]

Hits: 1102

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *