PHỐ CAO THẮNG

Phố Cao Thắng mang tên một liệt sĩ Cần Vương được coi như ông tổ súng trường Việt Nam. Phố dài 150m, đi từ phố Trần Nhật Duật tới phố Nguyễn Thiện Thuật theo hướng đông-tây, nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 900m về hướng bắc.

Phố Cao Thắng nằm trên đất của thôn cũ Nguyên Khiết Thượng. Đình thôn này vốn toạ lạc tại ven đê sông Hồng, nay mang số nhà 56 Trần Nhật Duật. Thời thuộc Pháp phố mang tên “Rue Grappin”, nhưng đầu tiên chỉ là một con đường nhỏ từ bến sông dẫn lên chợ Đồng Xuân và lối đi của những người buôn bán từ đầu cầu Long Biên mang hàng xuống đó, dần dần mới trở thành một phố xép.

Quang cảnh nơi đây xưa kia giống như đoạn đầu của hai phố bên cạnh (nay là phố Hàng Khoai và phố Thanh Hà), phần lớn gồm nhà một tầng nhỏ hẹp kiểu cũ, vài nhà có gác nhưng cũng nhỏ. Dãy số chẵn phía tây có nhiều nhà lụp xụp cất tạm trên bãi đất trống trước kia là nghĩa địa. Cuối phố thời ấy còn một bãi đất rộng chưa xây dựng, làm chỗ chứa than củi để bán lẻ. Điểm đặc biệt là sau này nơi đó trở thành cái chợ Bắc Qua nổi tiếng cạnh chợ Đồng Xuân.

Phía nam phố xưa có con ngõ nhỏ đi vào xóm chung cư vốn là một nhà kho rộng, không có tường ngăn, thời thuộc Pháp được ông Tư Đường chủ hãng xe ô tô khách chạy từ phố Bờ Sông (Trần Nhật Duật bây giờ) mua rồi sửa lại thành nhiều căn hộ rẻ tiền cho những gia đình nghèo thuê. Gần bốn trăm con người sống chui rúc trong chung cư đó, không có nhà vệ sinh, bếp riêng và nước máy, cửa không đủ ánh sáng….

Rue Grappin đến năm 1945 đổi tên là phố Nguyễn Cảnh Chân. Xóm Tư Đường bị tàn phá nặng trong chiến sự chống Pháp 1946 – 1947, rồi được xây dựng lại trong thời kỳ tạm chiếm thành một khu cư dân khang trang hơn với nhiều nhà riêng biệt có sân rộng. Cũng có mấy nhà nhiều tầng diện tích lớn, kiểu mới hơn, được làm trong thời đó như nhà Sao Mai (số 5), Tân Quang (xưởng cơ khí số 11 – 13). Chỗ đất bãi tha ma cũ phía sau thì mãi đến sau 1954 mới được sử dụng để xây một kho thực phẩm đông lạnh và trường tiểu học Kim Đồng.

Phố mang tên Cao Thắng từ năm 1954 để tưởng nhớ một danh tướng của cuộc khởi nghĩa Hương Khê cuối thế kỷ 19. Cao Thắng sinh năm 1861, quê làng Yên Đức, nay là Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông cùng em trai là Cao Nữu chiêu nạp 60 người tham gia đoàn quân của Phan Đình Phùng ngay từ những ngày đầu. Năm 1887, Phan Đình Phùng ra Bắc để liên lạc các lực lượng hưởng ứng phong trào Cần Vương, giao quyền cho Cao Thắng. Ông đã chỉ huy xây dựng một hệ thống đồn lũy và chế tạo được 350 khẩu súng giống kiểu súng năm 1874 của Pháp nhưng không có rãnh xoắn. Ngày 21-11-1893 trong trận đánh đồn Nu (Nghệ An) Cao Thắng bị trúng đạn và hy sinh khi mới 29 tuổi.

Từ cuối thế kỷ 19 tại ngã ba nơi phố Cao Thắng cắt phố Nguyễn Thiện Thuật đã dần dần hình thành nên một cái chợ cóc rất nhộn nhịp ở ngay mặt phía đông của chợ Đồng Xuân. Đó là chợ Bắc Qua, nhiều người sống ở khu phố cổ thường đến đây mua những thứ hàng vừa thiết yếu vừa có giá bình dân.

Hơn trăm năm qua, chợ Bắc Qua vẫn không có gì thay đổi lớn, ngoài việc dãy nhà bên số lẻ cuối phố Cao Thắng đã bị dỡ bỏ để xây mới, gây thách thức cho cái chợ cóc này.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Cao-Thang.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho cao thang.docx”]

Hits: 417

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *