PHỐ ẤU TRIỆU

Phố Ấu Triệu nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Độ dài: 210m, từ cuối phố Lý Quốc Sư đi qua phố Ngõ Huyện và men theo mặt phía bắc nhà thờ Lớn đến đoạn giữa của phố Phủ Doãn.

Phố Ấu Triệu ở trên đất cũ của hai thôn Tiên Thị và Báo Thiên Tự, từ giữa thế kỷ 19 hợp nhất thành thôn Tự Tháp thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Tự Tháp nghĩa là tháp chùa, còn Báo Thiên Tự nghĩa là chùa Báo Thiên, nơi từng có ngọn tháp nổi tiếng xây năm 1057 đời Lý Thánh Tông và tồn tại được gần 4 thế kỷ tới cuối thời Minh thuộc. Khi ấy thành Đông Quan bị Lê Lợi vây hãm, tháp Báo Thiên và chuông Quy Điền (hai báu vật trong số An Nam tứ đại khí) đã mất vì Vương Thông ra lệnh phá hủy để lấy đồng mà đúc súng.

Sau khi tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội, ngày 1-10-1888 vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng thành Hà Nội cho Pháp và huyện Thọ Xương đã bị bãi bỏ khỏi hệ thống quản lý hành chính của nhà Nguyễn. Địa bàn huyện Thọ Xương cũ ứng với các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Đống Đa ngày nay. Kỷ niệm về khu nhiệm sở của huyện này còn lưu lại ở tên hai phố Phủ Doãn, Ngõ Huyện và tên ngõ Thọ Xương, đều nằm ngay cạnh phố Ấu Triệu.

Tại mặt bắc thôn Báo Thiên Tự từ xưa vốn có chùa và đền của thôn Tiên Thị. Khi Pháp mở rộng nội thành thì chùa Chân Tiên (Chân Cầm—Tiên Thị) bị chuyển về cạnh Hỏa Lò, rồi lại chuyển đến gần cuối phố Bà Triệu.

Đền Tiên Thị được ở nguyên chỗ cũ nhưng bị thu hẹp, về sau trở thành chùa Lý Triều Quốc Sư vì đền vốn thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không làm tổ nghề đúc đồng. Giáp phía tây-nam ngôi đền này đã từng có một ngôi nhà hai tầng làm trụ sở của Hội truyền đạo Thiên chúa, trước khi quân Pháp chiếm thành Hà Nội. Phải mất tới 4 năm (1884—1887) mới xây xong nhà thờ Lớn trên khuôn viên rất rộng của chùa Báo Thiên, sau khi tổng đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đồng ý chuyển nhượng khu đất này cho giám mục Puginier.

Tòa Tổng giám mục, Đại chủng viện Thánh Giuse, Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội cũng đều đóng ở đây. Di tích Báo Thiên quốc tự có từ thời Lý của kinh đô Đại Việt nay chỉ còn lại mỗi một cái giếng đá cổ. Trong thời Pháp thuộc, phố Ấu Triệu mang tên Ruelle Père Lecornu (“Ngõ cố đạo Lơ-coóc-nuy”).

Sau khi Nhật đảo chính Pháp năm 1945, phố mang tên Ấu Triệu (Bà Triệu bé) để kỷ niệm bà Lê Thị Đàn, người làng Thế Lại Thượng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Vào khoảng 1903, bà gặp nhà cách mạng Phan Bội Châu ở Huế, sau đó trở thành một người liên lạc với các cơ sở trong nước tổ chức phong trào Đông Du (đưa thanh niên sang Nhật du học). Tháng 3-1910 bà bị bắt và tra khảo dã man nhưng không khai. Đêm 25-4, bà cắn ngón tay lấy máu viết lên tường nhà giam ba bài thơ tuyệt mệnh rồi thắt cổ tự tử.

Phan Bội Châu đặt danh hiệu Ấu Triệu và viết tiểu sử bà trong cuốn Việt Nam nghĩa liệt sĩ xuất bản năm 1918 tại Thượng Hải. Đến khi bị giam lỏng ở Huế, ông già Bến Ngự đã dựng nhà bia Ấu Triệu, bây giờ vẫn còn trong vườn. Tháng 5-1996, UBND TP Huế đã quyết định đặt tên con đường trước chùa Linh Quang là đường Ấu Triệu và hơn chục năm sau đã tìm thấy hài cốt bà Lê Thị Đàn. Sáng ngày 26 -11-2008 di hài đã được đưa về cải táng tại Nghĩa trang Phan Bội Châu do chính ông Phan thành lập năm 1934 ở Huế để làm nơi yên nghỉ cuối cùng cho các chí sĩ cách mạng.

Ngày nay tại các phố Ấu Triệu, Lý Quốc Sư, Nhà Thờ, Nhà Chung, Ngõ Huyện và ngõ Thọ Xương đã mọc lên khá nhiều khách sạn và nhà hàng nhỏ nhằm tận dụng vị trí thuận tiện gần hồ Hoàn Kiếm giữa trung tâm Hà Nội. Hàng năm vào các dịp lễ của đạo Thiên Chúa, ngoài đông đảo giáo dân thì chỉ ít người có thể vào được bên trong khu nhà thờ Lớn. Nhưng quảng trường Đức Mẹ hầu như ngày nào cũng có khách du lịch quốc tế và trong nước đến thăm.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Au-Trieu.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho au trieu.docx”]

Hits: 4182

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *