ỨNG PHÓ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN – Ở VÀ ĐI LẠI

3.1. Ứng phó với khoảng cách: Giao thông

Phương Tây là nơi của các nền văn hóa trọng động (gốc du mục), cho nên giao thông thuộc loại lĩnh vực rất phát triển. Ngay Trung Hoa tuy đã là một nền văn hóa nông nghiệp nhưng cái gốc du mục vẫn đế lại dấu ấn đậm nét: không phải ngẫu nhiên mà vào thời xưa, số lượng xe ngựa là thước đo sức mạnh của một nước, còn kim-chỉ-nam để xác định phương hướng là do tổ tiên người Trung Hoa phát minh ra.

Ở xã hội Việt Nam cổ truyền, do bản chất nông nghiệp sống định cư cho nên con người ít có nhu cầu di chuyển; có đi thì đi gần nhiều hơn đi xa. Nhiều cụ già nông thôn suốt đời không hề bước chân ra khỏi làng mình, mặc dù đô thị chỉ cách đó vài cây số. Vì vậy dễ hiểu là tại sao ở Việt Nam trước đây, giao thông, nhất là giao thông đường bộ, thuộc loại lĩnh vật rất kém phát triển: Đến thế kỉ XIX mới chỉ có những con đường nhỏ, phương tiện đi lại và vận chuyển, ngoài sứt trâu, ngựa, voi, thì phổ biến là đôi chân; quan lại thì di chuyển bằng cáng, kiệu. Thời Nguyễn mới tổ chức được hệ thống ngựa trạm; công văn chuyển từ Huế vào Gia Định đi mất 4 ngày. Ở các đô thị phổ biến loại xe tay do người kéo, sau này kết hợp với xe đạp để thành cái xích-lô (mượn từ tiếng Pháp cycle, cyclo-) được dùng phổ biến đến tận bây giờ.

Hoạt động đi lại chủ yếu của người nông nghiệp Việt Nam là đi gần – từ nhà ra đồng, từ nhà lên nương; mà lượng nước và nương rẫy lại là nơi không thể đưa xe tới được nên họ dùng sức người mà vận chuyển mọi thứ. Chính vì vậy mà trên thế giới không một ngôn ngữ nào có số lượng từ chỉ hoạt động vận chuyển bằng sức người đa dạng và phong phú như tiếng Việt. Trong khi tiếng Pháp chỉ có porter, tiếng Nga có hecmu, tiếng Anh có to carry và phần nào to take, thì trong tiếng Việt, ngoài từ mang với nghĩa khái quát, còn có hàng loạt từ chỉ những cách thức vận chuyển rất chuyên biệt: mang trong bàn tay là cầm, mang gọn trong bàn tay là nắm, mang trong tay qua trung gian sợi dây là xách, sợi dây dài chạm đất là kéo, mang trong lòng một hoặc hai bàn tay là bốc; mang bằng hai tay một vật nặng là bê, hai tay giữ lên là bưng, mang gọn trong lòng bằng hai tay là ôm, mang trong lòng bằng hai tay một cách nâng niu là bồng, bế, ẵm; mang trên lưng một vật là gùi, một người là cõng, một đứa bé qua trung gian một mảnh vải là địu; mang ở nách là cắp, cặp; mang trên đầu là đội; mang trên vai là vác, mang trên vai qua trung gian của một cái đòn với vật ở hai đầu đòn đều nhau là gánh, không đều nhau là gồng, hai người cùng mang trên vai một vật là khiêng, v.v. và v.v.

Việt Nam là vùng sông nước, nơi đây có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và bờ biển rất dài. Bởi vậy mà phương tiện đi lại phổ biến hơn từ ngày xưa là đường thủy. Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng người Việt cổ “lặn giỏi, bơi tài, thạo thủy chiến, giỏi dùng thuyền”. Một người phương Tây thế kỉ XVIII mô tả tình hình giao thông của ta là: “Xứ này không có đường cái lớn, lại chằng chịt ruộng đồng. Muốn đến Huế cũng như bất cứ nơi nào đều phải đi bằng đường biển hay đường sông”. Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn đô thị Việt Nam trong lịch sử đều là những cảng sông, cảng biển (Vân Đồn, Thăng Long, Phố Hiến, Hội An, Quy Nhơn, Gia Định…). Trong sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã ghi về quang cảnh giao thông ở Nam Bộ thế kỉ XIX: “Ở Gia Định, chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hoặc để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán rất tiện lợi. Ghe thuyền chật sông, ngày đêm đi lại không ngớt”.

Sách Trung Hoa đời Hán diễn đạt sự khác biệt truyền thống trong cách thức đi lại của phương Nam và phương Bắc rất ngắn gọn: Nam di chu, Bắt di mã (Nam đi thuyền, Bắc đi ngựa). Trong khi ở Trong Hoa gốc du mục cái sang trọng của vua thể hiện ở các cỗ xe tam mã, tứ mã thì ở phương Nam sông nước, thuyền rồng là biểu tượng của quyền uy; ngay cả ông Táo lên Trời cũng đi bằng cá chép! Phương tiện giao thông và chuyên chở trên sông nước ở Việt Nam hết sức phong phú: thuyền, ghe, xuồng, bè, mảng, phà, tầu… Thuyền, ghe có rất nhiều loại, chúng được xem là có linh hồn như con người. Việt Nam có tục vẽ mắt thuyền (hình 5.7), người ta tin rằng con mắt ấy sẽ giúp cho thuyền tránh khỏi bị thủy quái làm hại; giúp cho ngư phủ tìm được nơi nhiều cá; giúp cho bạn hàng tìm được bến bờ nhiều tài lộc…

Thời Đông Sơn, tổ tiên ta đã đóng những con thuyền với hình dáng đa dạng, sức chở lớn, có loại bọc đồng. Theo Tấn thư vào TK III ta có những con thuyền đi biển có sức chở 600-700 người. Sau khi chiếm nước ta, giặc Minh đã thu và lấy được 8 865 chiếc thuyền. Vào thời Lê, thuyền hạng nặng thường dài khoảng 26-30m, rộng từ 3,6-5m, có từ 34-50 mái chèo, trọng tải khoảng 35-50 tấn. Những con thuyền Đàng Ngoài TK. XVII được người châu Âu vẽ lại (xem hình 5.8) giúp ta hình dung được phần nào trình độ kĩ thuật đóng thuyền của ông cha. Hồi kí của A. de Rhodes ghi lại rằng, theo sự đánh giá của người Hà-lan thời đó, các thuyền chiến của chúa Trịnh và chúa Nguyễn có thế đánh bại các thuyền lớn của Hà-lan từng được phương Tây coi là chủ nhân của Ấn Độ Dương

Theo lời của J.Barrow, hội viên Hội Khoa học Hoàng gia Anh, thì “có một ngành đặc biệt trong các nghề mà xứ Đàng Trong hiện nay [tức cuối TK.XVIII – TNT] có thể tự hào. Đó là kĩ thuật đóng thuyền biển… thuyền của họ đóng rất đẹp, thường dài từ 50 đến 80pieds [1 pieds = 0.3 m]… Những người chèo mắt nhìn về phía trước chứ không ngoảnh về sau như người phương Tây… Thuyền biển của họ đi không nhanh lắm nhưng rất an toàn. Bên trong được chia thành nhiều khoang, loại này rất chắc, có thể bị đâm vào đá ngầm mà vẫn không chìm vì nước chỉ vào được một khoang mà thôi. Hiện nay ở bên Anh đã bắt chước cách làm này để đóng tàu”. Năm 1820, đại tá hải quân Mĩ là White đã phải thốt lên: “Người Việt Nam quả là những nhà đóng tàu thành thạo”.

Sông ngòi phong phú tuy thuận tiện cho giao thông đường thủy những lại gây khó khăn cho giao thông đường bộ. Có lẽ chính vì vậy mà Việt Nam là một trong những nước biết làm cầu di động bằng tre gỗ (cầu phao) hoặc thuyền ghép lại (cầu thuyền) sớm nhất thế giới. Theo Đại Việt sử lược thì vào năm 1214, Nhà Lí bắc cầu phao qua bến Đông Bộ Đầu; năm 1587, Trịnh Tùng cho làm cầu phao ở chợ Rịa (Ninh Bình) để đưa quân tấn công doanh trại quân Mạc. Cuối năm 1600, quân Lê-Trịnh làm cầu phao vượt sông Hồng… Ở châu Âu, cầu phao mới chỉ xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 1617-1647 trong chiến tranh ở Hà Lan.

Hình ảnh sông nước ăn sâu vào tâm khảm người Việt Nam đến mức mọi mặt sinh hoạt đều lấy con thuyền và sông nước làm chuẩn mực: Nói về tiết kiệm thì Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện; nói về nghị lực ý chí thì Chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo; nói về kinh nghiệm làm ăn thì Ăn cỗ đi trước lội nước đi sau; Bắc cầu mà noi, không ai bắc cầu mà lội; Chết sông chết suối không ai chết đuối đọi đèn; nói về việc sinh nở khó nhọc của phụ nữ thì Đàn ông vượt biển có chúng có bạn, đàn bà vượt cạn chỉ có một mình; nói về sự nham hiểm của con người thì Đố ai lặn xuống vực sâu, mà đo miệng cá uốn câu cho vừa; Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho lường; nói về quan hệ vợ chồng và tình yêu nam nữ thì: Thuyền theo lái, gái theo chồng; Thuyền về có nhớ bến chăng, bến thì một dạ chăng khăng đợi thuyền… Người Việt nói: chìm đắm trong suy tư, đắm đuối nhìn nhau, bơi trong khó khăn, thời gian trôi nhanh, ăn nói trôi chảy, hồ sơ bị ngâm lâu, thân phận bọt bèo, trông sạch nước cản, mặt trời lặn… Ngay cả khi đi trên hộ hẳn hoi, người Việt vẫn nghĩ và nói theo cách của người đi trên sông nước: người ta vượt đường xa để lặn lội đến thăm nhau; đi nhờ xe ai một đoạn là quá giang (= qua sông); người Nam Bộ gọi loại xe khách trên tỉnh là xe đò…!

Người Việt Nam gắn bó với sông nước không chỉ trong đi lại mà cả trong việc ở (x. ở dưới). Ngay cả quan tài chôn người chết cũng mô phỏng theo hình con thuyền, đến cái “thế giới bên kia” cũng được hình dung nằm ở một vùng sông nước (chín suối) và đến đó phải đi bằng thuyền (tục chèo (đò) đưa linh, xem IV-§1.3)!

3.2. Ứng phó với thời tiết, khí hậu: Nhà cửa, kiến trúc

Đối với người nông nghiệp, NGÔI NHÀ – cái tổ ấm để đối phó với nóng lạnh, nắng mưa, gió bão – là một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho họ một cuộc sống định cư ổn định. Có an cư thì mới lạc nghiệp! Thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần. Do ngôi nhà chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc sống cho nên trong tiếng Việt, NHÀ (chỗ ở) được đồng nhất với gia đinh (gồm mọi người sống trong nhà), với vợ/chồng (chủ nhân của ngôi nhà), được mở rộng nghĩa để chỉ một cơ quan (nhà máy), chỉ chính phủ (nhà nước) và những người có chuyên môn cao sống trong nước (nhà văn)…

Ngôi nhà của người Việt Nam có những đặc điểm gì?

3.2.1. Trước hết, do khu vực cư trú là vùng sông nước cho nên ngôi nhà của người Việt Nam gắn liền với môi trường sông nước.

Những người sống bằng nghề sông nước (chài lưới, chở đò,…) thường lấy ngay thuyền, bè làm nhà ở: đó là các nhà thuyền, nhà bè; nhiều gia đình quần tụ lập nên các xóm chài, làng chài. Đây là lời của J.B.Tavernier viết về người Việt Nam vào năm 1909: “Họ rất thích ở nước, thích ở trên nước hơn là trên cạn. Cho nên phần lớn sông ngòi đầy thuyền. Những thuyền đó thay cho nhà cửa của họ. Thuyền rất sạch sẽ, ngay cả khi họ nuôi gia súc ở trong đó”.

Nhiều người tuy không sống bằng nghề sông nước nhưng cũng làm nhà sàn trên mặt nước để ứng phó với ngập lụt quanh năm. Dưới con mắt của Finlayson, một nhà ngoại giao Anh, thì Sài Gòn đầu TK. XIX có “nhiều nhà cao cẳng, sàn bằng ván, xếp hàng dọc theo bờ kênh, bờ sông, hay dọc theo đường cái rộng thoáng đãng. Phố xá ngang hàng thẳng lối hơn ở nhiều kinh thành châu Âu”. Nhà sàn là kiểu nhà rất phổ biến ở Việt Nam từ thời Đông Sơn (hình 5.9), nó thích hợp cho cả miền sông nước lẫn miền núi. Nó không chỉ có tác dụng ứng phó với (a) môi trường sông nước ngập lụt quanh năm, mà còn có tác dụng ứng phó với (b) thời tiết mưa nhiều gây lũ rừng ở miền cao và ngập lụt định kì ở vùng thấp, (c) khí hậu nhiệt đới có độ ẩm cao, (d) hạn chế và ngăn cản côn trùng, thú dữ (ruồi muỗi, sâu bọ, rắn rết, cá sấu, hổ báo…). Ngày nay, ở những vùng hay ngập nước (như đồng bằng sông Cửu Long) và các kho (nơi phải ứng phó với độ ẩm) vẫn duy trì kiến trúc nhà sàn. Vào thế kỉ XVII, nhiều ngôi đình như đình Đình Bảng (Bắc Ninh, hình 5.10), đình Chu Quyến (Hà Tây)… vẫn làm theo lối nhà sàn.

Kỉ niệm về thiên nhiên sông nước mạnh đến mức ngôi nhà của người Việt Nam đã được làm với chức mái cong mô phỏng hình thuyền. Nhiều người quen nghĩ rằng đặc điểm mái cong này là vay mượn của kiến trúc Trung Hoa.

Trong khi thực ra là ngược lại Nhà sàn Việt Nam từ thời Đông Sơn (chưa hề giao lưu với trung Hoa) đã có mái cong rồi (hình 5.9 a-b). Nhà rông, nhà mồ Tây Nguyên đến giờ vẫn làm mái cong, tuy rằng cũng không hề có giao lưu với Trung Hoa (hình 5.9 c-d). Tháp Chăm cũng có loại mái cong (xem VI-§1.2). Trong khi đó, nhà Trung Hoa thời Hán mái vẫn thẳng; đến cuối đời Đường, lại làm nhà mái cong mới thâm nhập dần từ Nam lên Bắc. Thậm chí Cố Cung Bắc Kinh xây dựng đời Minh mà mái cũng chỉ hơi cong nhẹ (hình 5.11).

Chiếc mái cong, ngoài ý nghĩa là hình ảnh con thuyền, không có tác dụng thực tế gì. Chính vì vậy mà về sau này, mái nhà bình dân thường làm thẳng cho giản tiện, chỉ có những công trình kiến trúc lớn mới làm mái cong cầu kì. Ngoài ra, các đầu đao ở bốn góc đình chùa, cung điện cũng được làm cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới, tạo nên dáng vẻ thanh thoát đặc biệt và gợi cảm giác bay bổng cho ngôi nhà vốn được trải rộng trên mặt bằng để hòa mình vào thiên nhiên (hình 5.12).

3.2.2. Để ứng phó với môi trường tự nhiên, tiêu chuẩn ngôi nhà Việt Nam VỀ MẶT CẤU TRÚC là nhà cao cửa rộng. Kiến trúc Việt Nam MỞ để tạo không gian thoáng mát, giao hòa với tự nhiên, khác với kiến trúc phương Tây ĐÓNG (nhà nhỏ, trần thấp, tường đầy, cửa ít) để giữ hơi ấm.

Cái “cao” của ngôi nhà Việt Nam bao gồm hai yêu cầu: sàn/nền cao so với mặt đất, và mái cao so với sàn/nền. Nhà sàn đáp ứng yêu cầu “cao” thứ nhất (sàn/nền cao so với mặt đất) và có tác dụng ứng phó với lụt lội, ẩm ướt, côn trùng… Nhà Việt Nam nay phần nhiều đã chuyển sang dạng nhà đất, nhưng nhà đất lí tướng vẫn phải có nền cao; nhiều nơi hay ngập lụt, nền nhà cứ phải nâng cao dần. Còn yêu cầu “cao” thứ hai – mái cao so với sàn/nền – là nhằm tạo ra một khoảng không gian rộng, thoáng mát để ứng phó với nắng nóng. Mái cao còn tạo ra một độ dốc lớn để ứng phó với lượng mưa nhiều, khiến cho nước thoát nhanh, tránh dột, tránh hư mục mái.

Nhà cao, nhưng cửa không cao mà phải rộng. Cửa không cao để tránh nắng chiếu xiên khoai và tránh mưa hắt. Để tránh nắng, người ta còn che cửa hằng những tấm giại lớn để cản bức xạ nhiệt từ mặt trời và từ sân hắt vào. Cũng để tránh nắng, tạo ra một vành đai bóng mát quanh nhà và tránh mưa hắt làm mục chân các cột gỗ, đầu dưới mái nhà Việt Nam (giọt gianh) thường được đưa ra khá xa so với hàng hiên; giọt gianh nhà sàn vùng núi thậm chí gần ngang với mặt sàn. Còn phải làm cửa rộng là để đón gió mát và tránh nóng. Đầu hồi nhà thường để trống một khoảng hình tam giác để cho hơi nóng và khói bếp trong nhà có chỗ thoát ra. Đây là một thứ cứa sổ trên cao, nó cùng với các cửa ở dưới tạo thành một hệ thống thông gió hoàn chỉnh. Cửa rộng để đón gió mát, nhưng đồng thời lại phải tránh gió độc, gió mạnh, phải tạo nên sự kín đáo cho ngôi nhà. Bởi vậy, dân gian có kinh nghiệm không làm cổng và cửa thẳng hàng (cổng thường lệch về bên trái), tuyệt đối tránh không để con đường trước mặt đâm thẳng vào nhà. Trường hợp bất khả kháng, phải có một tam bình phong bằng cây xanh hoặc xây gạch để che chắn.

3.2.3. Biện pháp quan trọng thứ hai để ứng phó với môi trường là CHỌN HƯỚNG NHÀ, CHỌN ĐẤT. Đó là cách tận dụng tối đa thế mạnh của môi trường tự nhiên để ứng phó với nó.

Đơn giản hơn cả là chọn hướng nhà. Hướng nhà tiêu biểu là hướng nam: Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam. Câu tục ngữ tưởng vô lí đó nói lên tính hiển nhiên của việc làm nhà hướng nam, cũng giống như đã lấy vợ phải là đàn bà vậy? Vì Việt Nam ở gần biển, trong khu vực gió mùa, trong bốn hướng chỉ có hướng nam (hoặc đông nam) là tối ưu – vừa tránh được cái nóng từ phía tây cái bão từ phía đông, và gió lạnh thổi về vào mùa rét từ phía bắc (gió bấc), lại vừa tận dụng được gió mát thổi đến từ phía nam (gió nồm) vào mùa nóng: Gió nam chưa nằm đã ngáy. Các tòa thành có nhiều cửa thì cửa phía nam thường là cửa chính. Người Nam Bộ có câu: Cất nhà quay cửa vô nam, Quay lưng về chướng (tránh gió chướng) không làm (mà cũng) có ăn…

Nhà hướng nam cho nên cây đòn nóc nằm theo hướng đông-tây với gốc đặt ở phía đông theo truyền thống nông nghiệp trọng bên trái (phía đông = bên trái theo Ngũ hành), cho nên có tên gọi là đòn đông, nhiều nơi đọc chệch thành đòn dông. Cũng do truyền thống trọng bên trái, bàn thờ Thổ Công (ông Táo) – vì thần quan trọng nhất, cai quản cái bếp, cái nhà – được đặt ở gian bên trái; bài vị Táo quân vì thế được ghi là Đông Trù tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Cả cái bếp cũng được đặt bên trái (phía đông), biệt lập và vuông góc với nhà chính, nhìn về hướng tây. Tại sao? Đó là do chức năng đặc biệt của bếp là nấu nướng: Bếp hướng tây sẽ tránh được gió thường xuyên thổi từ phía biển (hướng nam và đông); nếu làm ngược lại, ngọn lửa sẽ bị gió thổi tạt vào vách gây cháy nhà, chí ít là cơm chẳng lành canh chẳng ngọt (như thế thì làm gì mà gia đình không sinh lục đục, hỏa hoạn!)

Nhưng tùy thuộc vào địa hình địa vật xung quanh, vào sự có mặt của núi, của sông, của con đường, v.v. mà ảnh hưởng của gió, nắng… sẽ khác nhau. Cho nên, để giải quyết vấn đề một cách triệt để hơn, truyền thống văn hóa nông nghiệp đã hình thành cả một nghề CHỌN ĐẤT để làm nhà, đặt mộ, gọi là nghề phong thủy. Nghề phong thủy bắt nguồn từ những nhu cầu tinh tế trong quá trình sống định cư và những kinh nghiệm lao động phong phú của người nông nghiệp.

“Phong” và “thủy” là hai yếu tố quan trọng nhất, tạo thành vi khí hậu cho một ngôi nhà. Phong là gió, động hơn, thuộc dương; không có gió thì hỏng nhưng gió nhiều quá cũng không tốt; gió có thể bị núi, đồi, mô đất hay cây to lái đi, do vậy nhà phong thủy cần nắm vững hướng gió, biết sử dụng các bình phong để lái gió theo ý mình. Thủy là nước, tĩnh hơn, thuộc âm; mặt nước trước nhà sẽ tạo nên sự cân bằng sinh thái cho ngôi nhà; nước đọng (bất cập) thì tù, không tốt, nhưng nước chảy mạnh (thái quá) cũng hỏng, chỉ có nước chảy từ từ (âm dương điều hòa) là tốt nhất; dòng nước ngoằn ngoèo, càng dài thì càng tụ, nếu phình ra thành hồ ao thì càng tụ thêm.

Thuật phong thủy khởi đầu được xây dựng trên căn bản âm-dương Ngũ hành. Theo Ngũ hành, các thế đất được phân thành hình thủy (ngoằn ngoèo), hình hỏa (nhọn), hình mộc (dài), hình kim (tròn), hình thổ (vuông). Thế đất hình Kim (ứng với phương Tây du mục) được coi là phù trợ cho con cháu phát theo đường võ, còn thế đất hình Mộc (ứng với phương Đông nông nghiệp) sẽ phù trợ cho con cháu phát theo đường văn, nếu một thế đất có đủ cả Ngũ hành thi được coi là sẽ phát đế vương. Người nổi tiếng hơn cả về nghề phong thủy trong lịch sử Việt Nam là ông Nguyễn Đức Huyên đời Lê, người làng Tả Ao (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), tục gọi là cụ Tả Ao, để lại nhiều sách dạy nghề này.

Các kinh đô khi xưa đều được chọn theo con mắt phong thủy. Trong Chiến dời đô, Lí Công Uẩn miêu tả vị trí thành Đại La (mà rồi sẽ được đổi tên là Thăng Long) như sau: “Thành Đại La ở vào nơi trung tâm Trời Đất: được cái thế rồng cuộn hổ ngồi; đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa” (hình 5.13). Thành Huế (hình 5.14) ở trung tâm đất nước, nhìn rộng thì có biển trước, núi sau; nhìn hẹp thì có núi Ngự Bình ở trước làm án, sông Hương chảy lững lờ bao quanh, trên sông ờ hai đầu có hai cồn đất chầu vào – cồn Dã Viên ở bên phải là Bạch Hổ, cồn Hến ở bên trái lớn hơn là Thanh Long, đoạn sông nằm giữa hai cồn đất uý chính là minh đường. Con mắt phong thủy đã giúp tìm cho các đô thị những địa thế có núi có sông, có âm-dương hòa hợp, tạo nên một môi trường thiên nhiên trong sạch và lành mạnh: Thăng Long có sông Nhị núi Núng, Huế có sông Hương núi Ngự, Vinh có sông Lam núi Hồng Lĩnh, Đà Nẵng có sông Hàn núi Sơn Trà…

Ngoài ra, trong việc “chọn nơi mà ở”, người Việt với tính cộng đồng rất quan tâm đến việc chọn hàng xóm láng giềng. Đến thời kì kinh tế hàng hóa phát triển, người Việt còn chú ý chọn vị trí giao thông thuận tiện: Nhất cận thị, nhị cận giang. Những đô thị có tốc độ phát triển nhanh đều là những đô thị gần biển, sông, thuận tiên giao thông (xem tr. 210). Các thôn ấp miền Nam và các khu dân cư mới hình thành đã từ bỏ cách tổ chức theo xóm làng với lũy tre khép kín cổ truyền mà chuyển sang quy tụ theo các trục đường sông, đường bộ. Trong đô thị, vị trí nhà mặt tiền được đánh giá cao. Tuy nhiên, vai trò của cộng đồng vẫn không vì thế mà bị quên lãng – trong nhiều tiêu chuẩn thì yêu tố hàng xóm án đứng thứ hai: Nhất cận thị, nhi cận lân, tam cận giang, tứ cận lộ, ngũ cận điền.

3.2.4. VỀ CÁCH THỨC KIẾN TRÚC thì đặc điểm của ngôi nhà Việt Nam truyền thống là rất động và linh hoạt.

Chất động, linh hoạt đó trước hết thể hiện ở lối kết cấu khung. Cốt lõi của ngôi nhà là một bộ khung chịu lực tạo nên bởi các bộ phận liên kết và nhau trong một không gian ba chiều: Theo chiều đứng, trọng lực của ngôi nhà phân bố đều vào các cột và dồn xuống các viên đá tảng kê chân cột; theo chiều ngang, các cột được nối với nhau bằng các kẻ tạo nên các vì kèo; theo chiều dọc, các vì kèo được nối với nhau bằng các xà (từ xà nóc đến xà chân) tạo thành bộ khung. Không cần đến móng, tường; tường đất, vách nứa, ván bưng chỉ để che nắng mưa chứ không chịu lực.

Tất cả các chi tiết của ngôi nhà được liên kết với nhau bằng mộng. Mộng là cách ghép theo nguyên lí âm-dương phần lồi ra (hình đuôi cá) của một bộ phận này với chỗ lõm vào có hình dáng và kích thước tương ứng ở một bộ phận khác. Kĩ thuật ghép mộng áp dụng cho mọi đồ mộc truyền thống, từ nhà đến giường tủ, bàn ghế… tạo nên sự liên kết rất chắc chắn nhưng lại rất động và linh hoạt. Khi cần di chuyển hoặc thay thế một bộ phận bị mối mọt thì theo quy định ngược lại là có thể tháo dỡ ra rất dễ dàng.

Để thống nhất quy cách, trong khi phương Tây dùng bản vẽ kĩ thuật phức tạp, chi li và cứng nhắc thì người thợ mộc Việt Nam dùng cái thước tầm (còn gọi là rui mực, sào mực) là một thân tre (nứa) bổ đôi, trong lòng vạch những kí hiệu cho phép xác định các khoảng ngang, khoảng đứng và khoảng chảy, từ đó mà ấn định được kích thước của các bộ phận. Cách làm thước tầm thì chung cho mọi nhà, nhưng do được tính theo một đơn vị rất cá nhân là đốt gốc ngón tay út hoặc gang tay của người chủ nhà (truyền thống lấy kích cỡ con người làm chuẩn để đo đạc tự nhiên và vũ trụ, xem III-§4.2.3), thành ra nhà nào thước ấy, thước tầm trở thành vật xác định quyền sở hữu ngôi nhà của chủ nhân. Bởi vậy mà, khi làm nhà xong, phải làm lễ cài sào để trình báo với thần linh thổ địa và long trọng gác cây thước tầm lên vị trí cao nhất giữa hai vì kèo; chỉ khi nào cần sửa chữa thì thợ cả mới lấy xuống để đo cắt các chi tiết thay thế.

3.2.5. VỀ HÌNH THỨC KIẾN TRÚC thì ngôi nhà là tấm gương phản ánh đặc điểm của truyền thống văn hoá dân tộc.

Trước hết là môi trường sông nước phản ánh qua cách làm nhà sàn với vách nghiêng và mái cong hình thuyền. Rồi tính cộng đồng thể hiện ở việc trong nhà không chia thành nhiều phòng nhỏ biệt lập như ở phương Tây; giữa hai nhà thì ngăn bằng rặng cây (dâm bụt, ruồi, mùng tơi…) xén thấp để hai bên dễ nói chuyện với nhau, khi cần có thể “lách rào” đi tắt sang nhà nhau.

Người Việt Nam có truyền thống thờ cúng tổ tiên và hiếu khách cho nên ngôi nhà Việt Nam dành ưu tiên gian giữa cho hai mục đích này: phía trong là nơi đặt bàn thờ gia tiên, phía ngoài là bộ bàn ghế tiếp khách. Sau nữa là truyền thống coi trọng bên trái (phía đông) với chiếc đòn nóc có đầu gốc ở phía đông, cái bếp đặt phía đông… Nếu một tòa thành có hai cửa phía nam thì cửa chính sẽ là cửa phía nam bên trái (bên đông). Nếu trong nhà có thờ tổ tiên hai họ thì bàn thờ (hoặc bài vị) họ nội đặt bên trái (phía đông), còn họ ngoại đặt bên phải. Nếu cha mẹ đã qua đời thì bàn thờ cha mẹ (gần gũi hơn) đặt bên trái, ông bà đặt bên phải.

Hình thức kiến trúc ngôi nhà Việt Nam còn tuân thủ nguyên tắc coi trọng số lẻ của truyền thống văn hóa nông nghiệp. Bước vào sân thì phải qua cổng tam quan (hình 5.15); lên nhà thì phải qua bậc tam cấp; nhà dân thường có ba gian, năm gian; các kiến trúc lớn thường dựng theo lối tam tòa (hình 5.16). Các tòa thành (nhà Cổ Loa, Huế) đều có kiến trúc ba vòng. Cổng Ngọ Môn (hình 5.17) hình chữ U, nhìn chính diện có ba cửa, thêm hai cửa phụ hai bên thành năm, trên nóc có chín nhóm mái (ca dao Huế cá câu: Ngọ Môn 5 cửa 9 lầu, Cột cờ 3 cấp, Phú Văn Lâu 2 tầng). Số gian của ngôi nhà, số bậc của lối đi bao giờ cũng phải lẻ (vì lẻ là số dương = động = dành cho người sống). Còn ở nhà cho người chết (nhà mồ của các dân tộc Việt Bắc, Tây Nguyên, thì làm cầu thang có số bậc chẵn, vì chẵn là số âm (âm = tĩnh, chết).

Nhìn chung, chỉ trong một việc ở, ta cũng thấy nguyên lí âm- dương và ý muốn hưởng tới một cuộc sống hài hòa chi phối con người Việt Nam một cách trọn vẹn: Vi trí ngôi nhà không cao quá (không làm nhà trên đỉnh đồi – gió, nóng) không thấp quá (nhà sàn nâng ngôi nhà lên khỏi mất đất, mặt nước). Khi chọn hướng nhà, ngôi nhà tốt phải nằm nơi gió không yếu quá không mạnh quá, nước không ít quá không nhiều quá, không tù đọng nhưng cũng không chảy nhanh quá…

Cách liên kết theo lối ghép mộng âm-dương giúp cho các bộ phận vừa gắn bó chặt chẽ lại vừa cơ động và linh hoạt. Khi cần cố định hóa các chi tiết của ngôi nhà thì dùng đinh tre vuông tra vào cái lỗ tròn (âm-dương), khiến cho các thanh gỗ liên kết với nhau rất chặt mà không nứt nẻ, không bị sét rỉ của đinh kim loại làm hư hại (Kim khắc Mộc). Khi lợp nhà thì người Việt Nam dùng ngói âm-dương viên sấp viên ngửa (phân biệt với ngói ống Trung Hoa). Trong hình thức kiến trúc thì coi trọng bên trái, coi trọng số lẻ cũng đều là những việc từ triết lí âm- dương mà ra cả.

Hits: 6923

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *