ĐÌNH THÁP (DỊCH VỌNG TRUNG)

Phường Dịch Vọng (Kẻ Vòng) có 3 thôn: Dịch Vọng Tiền, Dịch Vọng Trung, Dịch Vọng Hậu. Dịch Vọng xưa vốn là trạm đổi ngựa của lính trạm nhà vua ở cửa Tây thành Thăng Long trên đường thiên lý đi xứ Đoài (Sơn Tây).

Đình Tháp (Dịch Vọng Trung) thờ Chu Lý Vương người quê ở Bái Hương, An Định, Ái Châu (Thanh Hoá). Cha ngài sinh thời giỏi văn học, thông địa lý thường chu du thiên hạ đã lập nhà ở Dịch Vọng Trung sau lấy nàng Ban con ông Nguyễn Phục làm vợ. Nàng Ban có lần ra sông Tô tắm bị giao long quấn, về có mang sinh ra một con trai tướng mạo khác thường. Ông bà đặt tên là Chu Lý. Chu Lý lớn lên có sức khoẻ địch nổi trăm người nên vua thời Lý vời về trấn cửa biển. Một năm ở nơi đồn biên dân tình yên ổn, giặc cướp bị tan. Ông xin về quê, vua cho một trăm lạng vàng để sửa nhà. Một hôm sống cuộn từ Sông Tô dâng lên làm tràn ngập dinh thự. Ông hoá, để lại mũ áo. Dân xã tâu về triều, vua phong làm trung đẳng phúc thần, giao cho dân xóm Tháp, xóm Duệ muôn đời cúng tế. Thần tích trên sao ở đền Hùng năm Tự Đức 25 (1872) và bản sắc phong của vua Khải Định 9 (1924)…

Dịch Vọng Trung tưng bừng trong mùa xuân với các ngày hội: ngày rằm tháng Giêng ở chùa Hà; ngày 12 tháng Hai ở xóm Thọ, xóm Tháp, xóm Hà. Vào những năm phong đăng hoà cốc, thường năm năm một lần có tổ chức đại hội vào ngày 12 tháng Hai. Đoàn kiệu bát cống rước thánh em (từ đình Hà) sang lễ bái vọng. Đoàn rước với các chức sắc, bộ lão, chấp kích, phường bát âm qua đồng Lầm đồng Cầu Vậy, đến Gò Dài thì nghỉ rồi tiếp tục rước vào. Đoạn đường dài 1 cây số. Dân chúng từ làng Trại (Thủ Lệ), làng Cót (Yên Hoà), làng Dáy (Trung Hoà) xem đông nghìn nghịt… Các trò vui diễn ra rất nhiều hôm: hát chèo, đu dây, đánh vật, chọi gà, cờ tướng, đập nồi niêu… Hấp dẫn nhất là hội vật ngày xuân.

Đình, chùa Dịch Vọng Trung cũng là di tích cách mạng. Các đồng chí Nguyễn Khang (Uỷ viên thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ), Nguyễn Quyết (Bí thư Thành Uỷ Hà Nội), Trần Quang Huy (phụ trách công vận Xứ uỷ)… thường đi lại ăn, ở hội họp ở một số gia đình. Tháng 6-1945, Thành uỷ tổ chức lớp huấn luyện cho cán bộ thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu với danh nghĩa Hướng đạo sinh cắm trại ở cánh đồng chùa Hà. Ngày 15-8-1945, Bí thư thành uỷ Nguyễn Quyết trụ trì cuộc họp cán bộ vũ trang và truyên truyền của thành phố ở đình, chùa Hà. Đêm 16 và 17-8-1945 Thành uỷ họp mở rộng tại nhà bà Hai Nhã (thôn tiền) bàn chủ trương giành chính quyền quyết định khởi nghĩa 19-8-1945.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/12/Dinh-Thap-Dich-Vong-Trung.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh thap dich vong trung.docx”]

Hits: 1510

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *