ĐÌNH – MIẾU LẠI ĐÀ

Làng Lại Đà theo đư­ờng chim bay cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 6km và chỉ cách Cổ Loa chừng 3 km. Vị trí ở giữa xã Đông Hội, phía bắc giáp làng Trung Thôn, phía đông-bắc giáp làng Hội Phụ, phía đông giáp làng Đông Trù, phía nam giáp làng Đông Ngàn, phía tây giáp làng Xuân Trạch; tất cả nằm trong vùng đất màu mỡ nơi huyện Đông Anh giáp với sông Đuống. Từ ngày 12-5-1961, huyện này thuộc về TP Hà Nội.

Theo cuốn “Lịch sử làng” của cử nhân Ngô Quý Doãn, thì Lại Đà mới trở nên trù phù cách đây khoảng hơn 400 năm, buổi đầu chỉ có một số gia đình thuộc 4 họ: Vương, Lương, Ngô, Nguyễn không rõ từ đâu đến, dựng nhà trên một khoảnh đất cao – nay gọi là V­ườn Cũ. Đến năm 1940, số nhân khẩu ư­ớc khoảng 430 ng­ười, thuộc gần 110 hộ. Năm 2003 Lại Đà đã có 1.715 nhân khẩu với 443 hộ, mang 33 họ khác nhau.

Đình Lại Đà thờ thành hoàng Nguyễn Hiền, người gốc thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Thượng Nguyên (nay là huyện Nam Ninh, Nam Định). Tương truyền ngài sinh ngày 12 tháng 3 âm lịch năm Giáp Ngọ 1234, lớn lên tài giỏi, tinh thông tam giáo. Niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 16 đời vua Trần Thái Tông tức năm Đinh Mùi 1247, ngài mới 13 tuổi đã đỗ Trạng nguyên.

Nguyễn Hiền có tài đối đáp với sứ nhà Tống, khiến vua Tống phải phong vương cho vua Trần. Về chính sách nông nghiệp, ngài hiến kế đắp đê quai vạc sông Hồng. Năm Ất Hợi 1275 lại dẫn quân đuổi được giặc Chiêm. Ngài từng trải qua nhiều chức quan trong triều, làm đến chức th­ượng thư­ bộ Công. Ngài mất ngày 14 tháng 8 năm Bính Tý (1276), vua phong là thượng đẳng phúc thần, cho lập đền thờ ở quê và 31 nơi khác, đổi tên huyện Thượng Nguyên thành Thượng Hiền.

Sông Đuống xưa nay đã có hàng chục lần dâng nước cao đến mức vỡ đê. Riêng trong thế kỷ trước thì năm 1945 đê cống Vực Dê (cầu Đôi) vỡ, năm 1957 cống đê Mai Lâm vỡ và năm 1971 đê Cống Thôn cũng vỡ, làm cho làng Lại Đà chìm trong n­ước.

Ngôi đình đã nhiều lần được trùng tu. Hiện nay, trong đình còn lưu giữ được 20 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến xưa, từ năm Khánh Đức thứ 4­ (1652) đến năm Khải Định thứ 9 (1924). Theo Thần phả thì đình Lại Đà ban đầu không to lắm, do có xuất xứ từ một ngôi đền thờ. Ngôi đình hiện nay có hình dáng ổn định và mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn từ sau lần được dựng lại vào năm 1853.

Mặt đình quay về hướng chính nam. Cổng đình được xây với 2 trụ lớn nối liền bức tường bao quanh khu di tích, phía trong là 2 giếng tròn tượng trưng cho cặp mắt hổ. Sau cổng là sân gạch dẫn đến đại đình. Mái đình lợp ngói vẩy rồng, bờ nóc chạy thẳng được soi bằng những đường chỉ chìm. Thân và bờ dải được đắp thẳng bằng những hình hoa chanh. Đầu kìm phía ngoài vuốt cong như sừng trâu, phía trong là đầu rồng cuốn thủy.

Toà đại đình 5 gian được kết cấu bởi 6 bộ vì. Bộ vì chính theo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị, trang trí các loại vân xoắn và lá cách điệu, có niên hiệu từ thời Hậu Lê (thế kỷ 18). Hậu cung xây kiểu 2 tầng mái, bên trên cửa võng treo bức hoành phi đề 4 chữ lớn “Nguyễn Đại vương từ”, trong cùng là hương án, sập thờ và một số đồ thờ tự đặt trước long ngai, bài vị có ghi “Nguyễn Đại vương thần vị”. Đôi lân chầu ngai mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17.

Ngày 5-9-1989 Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng cụm di tích kiến trúc nghệ thuật Lại Đà. Cụm này gồm có ngôi đình làng ở giữa, bên trái là chùa Cảnh Phúc Tự, bên phải là miếu thờ Thánh Mẫu Tiên Dung, tương truyền bà đã có công báo mộng giúp Nguyễn Hiền dẹp quân Chiêm, sau được vua Trần phong làm phúc thần. Miếu là 2 toà nhà 3 gian, xây tường hồi bít đốc, giá chiêng kiêm vì kèo. Phía trước có cửa bức bàn, bên trong đặt khám gỗ chạm hình rồng và lão mai, lão cúc hoá rồng. Lồng trên bề mặt khám có 4 đại tự “Thánh cung vạn tuế”.

Truyền thuyết địa phương kể rằng một hôm có rắn thần xuất hiện ở đền thờ Nguyễn Hiền. Dân bèn đặt tên làng mình là Lai Xà – về sau gọi chệch đi thành Lại Đà. Tuy nhiên còn có đôi câu đối ở đình nhắc tới một địa danh khác là Cối Giang:

Duy thiên sở h­ưng tư­ờng, văn khôi toạ vũ tư­ớng tinh, tự hữu Trần sơ thần lục tịch chiêu tiên miếu cổ

Tứ dân tự kỉ tích, thạch b­u kì hoả bố tản, tòng Cối hậu giang thanh trường bá hải hoàn tân.

Tạm dịch:

Trời ban cho điều tốt: văn khôi nguyên, võ tư­ớng quân, từ thời đầu Trần gư­ơng sáng ghi vào tiên miếu

Tứ dân khắc thần tích: đá làm cờ, lửa làm tán, ngài về Cối Giang làm cho vũ trụ đổi thay.

Cối Giang là con lạch đổ vào kênh Chiêm Đức cũ. Cư­ dân dọc vùng đất này đều gọi làng mình là Cối Giang, tên Nôm là Cói. Cối Giang trở thành tên của cả tổng, ngoài ra mỗi làng đều có tên chữ riêng như­ Thái Đường, Lộc Hà, Đông Trù, Lại Đà… Về sau lạch cạn dần, tên Cối Giang cũng mất đi nh­ưng từ Cói vẫn còn và nghề trồng rau cần của dân Lại Đà làm cho có thêm cái tên Nôm là làng Cói Cần.

Vì huý kỵ, Trịnh Cối khi lên ngôi chúa đã đổi Cối Giang thành Hội Giang (1569), rồi chúa Trịnh Giang lại đổi thành Hội Thuỷ (1729). Về sau Hội Thuỷ đổi thành Hội Phụ và tên tổng này tồn tại cho đến tháng 3-1949, khi thành lập xã Đông Hội.

 [embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Đình-Miếu-Lại-Đà.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh mieu lai da.docx”]

Hits: 1163

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *