ĐÌNH LẠC THỊ

Đình Lạc Thị thờ Tô Hiến Thành (1102-1179), nguyên thái úy phụ chính của Lý Cao Tông lúc vua còn nhỏ tuổi. Ngài quê làng Hạ Mỗ trấn Sơn Tây (nay thuộc xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội), vợ là bà Lã Thị Dung, người làng Lạc Thị. Cả hai vợ chồng sau khi mất đã được dân làng tôn thờ làm thành hoàng, ngày giỗ trở thành ngày hội đình làng.

Năm 1789, đình Lạc Thị từng là một trong những địa điểm tập kết bí mật của nghĩa quân Tây Sơn sau khi thần tốc tiến ra Bắc. Từ đây cánh quân của đô đốc Bảo cùng với đại quân do đích thân hoàng đế Quang Trung chỉ huy đã phối hợp đánh tan đồn Ngọc Hồi của giặc Thanh vào ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu và tiến vào giải phóng thành Thăng Long.

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp (1947-1954), đình trở thành nơi ẩn náu của cán bộ Việt Minh hoạt động ở vùng tạm chiếm. Đến thời kỳ chống Mỹ (1964-1973) đình lại là nơi cất giữ quân trang, quân khí của các đơn vị tên lửa phòng không bảo vệ vùng trời phía Nam thủ đô Hà Nội.

Đình Lạc Thị nằm liền kề với ngôi chùa làng. Trong chùa có một tấm bia mang niên đại 1716, văn bia cho biết ngôi đình tồn tại muộn nhất từ thời Lê Trung hưng, vào khoảng thế kỷ 17. Cảnh quan của quần thể đình – chùa Lạc Thị cho thấy cả hai công trình đã được xây dựng đồng thời trên một gò đất cao của làng. Ngày 09-01-1990 đình và chùa Lạc Thị được công nhận Di tích Lịch sử văn hoá quốc gia.

Đình Lạc Thị đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo vào các năm Cảnh Hưng 44 (1753), Minh Mệnh 6 (1825), Bảo Đại 9 (1935) rồi 1954, 1973 và gần đây. Dáng dấp đình hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Lê, Nguyễn; từ ngoài đường vào trong gồm có: cổng tam quan, hòn non bộ, nhà tiền tế và hậu cung.

Tam quan đình cũ làm theo kiểu nghi môn với một cổng chính và hai cổng phụ, nay bỏ cột trụ xây cổng vòm, mái đắp giả ngói ống. Qua tam quan là một sân gạch, ở giữa có giếng nhỏ với hòn giả sơn trồng cây cảnh ở trên. Bên tả có cửa ngách ăn thông sang chùa, bên hữu còn một sân rất rộng dẫn đến Văn chỉ và nhà Văn hóa thôn.

Tòa tiền tế gồm 5 gian với 3 cửa bức bàn, xây kiểu 2 tầng 8 mái, tường hồi bít đốc, kết nối với hậu cung 3 gian thành hình chuôi vồ. Khung gỗ nhà đại đình trang trí bằng các hình rồng, phượng, lựu, đào… được chạm trổ khá tinh vi. Trong hậu cung có hai ngai thờ với bài vị của vợ chồng ngài Tô Hiến Thành, phía trước ngai bài trí tượng hai ông phỗng quỳ. Giữa nhà tiền tế có đặt hương án chạm trổ tứ linh, cây cỏ, hoa lá. Hai bên hương án bày một bộ bát bửu, một cỗ kiệu bát cống và một số đồ tự khí khác.

Đình Lạc Thị hiện nay vẫn giữ được 15 đạo sắc phong thần từ thời Lê Trung hưng tới cuối triều Nguyễn, cùng với nhiều hoành phi, câu đối, cổ vật của 3 thế kỷ 18, 19, 20. Ngôi chùa bên cạnh chỉ sót lại tam quan còn tiền đường và hậu cung đều đã được xây mới rất to cao với cấu trúc bê tông, tọa lạc giữa một khuôn viên rộng có tường bao quanh. Quần thể đình – chùa Lạc Thị tuy vậy vẫn là một kiến trúc khá thống nhất và hài hoà, nằm ngay ven sông Tô Lịch trên con đường từ Vĩnh Quỳnh đi Yên Kiện và Ngọc Hồi.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Đình-Lạc-Thị.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh lac thi.docx”]

Hits: 774

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *