ĐÌNH HÀ VỸ

Đình Hà Vỹ tương truyền có từ năm 1426, bên trong thờ 5 vị tướng có công giúp nước, ở thôn Đại Vỹ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Xã Liên Hà hiện nay gồm 8 thôn: Châu Phong, Giao Tác, Đại Vỹ, Hà Lỗ, Lỗ Khê, Hà Hương, Thù Lỗ, Hà Phong. Thôn Hà Lỗ là nơi đặt trụ sở UBND xã, còn thôn Châu Phong là nơi có trường THCS Liên Hà. Đặc biệt xã có 3 ngôi đình lớn là Lỗ Khê, Hà Lỗ và Hà Vỹ, đều nổi tiếng là di tích quốc gia.

Theo truyền thuyết, khi An Dương Vương định đô đã ra lệnh cho dân cũ ở Cổ Loa phải dời đi để lấy đất xây đắp Loa Thành. Dân không muốn đi, nhưng do phải tuân theo phép nước nên đã tâu:”Cứ cho chúng tôi xuống khu đất trũng kia, dù khổ mấy cũng cam lòng”. An Dương Vương bảo: ”Đó là dân cà quẫy” và chấp nhận cho dân xuống lập trang Hà Hào – một vùng trũng thấp vốn là đoạn sông cụt của sông Hoàng Giang. Từ lời nói của vua, dân quanh vùng gọi trang Hà Hào là “Cà Quẫy”, sau chệch thành “Quậy”.

Khi chuyển đi, dân Cổ Loa (Chạ Chủ) đã định cư đầu tiên ở xóm Nguyên Hương với dòng họ đầu tiên là họ Vũ. Tiếp đến là các họ: Lê, Ngô, Nguyễn, Dương, Phạm… , lập thành cụm dân cư mang tên Quậy Cả, tên chữ Đại Vỹ. Từ Quậy Cả – Đại Vỹ, dân làng Chạ Chủ – Cổ Loa mở mang ra xung quanh thêm hai cụm dân cư nữa là làng Quậy Sau, tên chữ Châu Phong và Quậy Rào, tên chữ Giao Tác. Cả ba làng hợp thành trang Hà Hào, gọi chung là ba làng Quậy; đến thế kỷ 13 đổi thành làng Hà Vỹ, sau thành xã Hà Vỹ; đầu thế kỷ 19 thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ tháng 11-1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh).

Theo thần tích, đình Hà Vỹ có từ năm 1426, khi vua Lê Lợi cho phép dân làng xây để thờ 5 vị tướng có công giúp nước ở những giai đoạn lịch sử khác nhau. 3 vị Thủy Hải, Đăng Giang, Khổng Chúng là thuộc tướng của Ha Bà Trưng, Tam Giang là bộ hạ của Triệu Việt Vương và Đông Hải là con ông Đoàn Thượng, một nhân vật sống vào cuối đời Lý, đầu đời Trần.

Đình Hà Vỹ được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng và cao ráo nằm ngay sát con đường làng; mặt quay về hướng tây. Đình đã trải qua nhiều lần trùng tu và mở rộng, lớn nhất là vào các năm 1520, 1744, 1900 và 2000. Dáng dấp mà ta thấy ngày nay mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.

Sân trước đình rất rộng và nhìn ra một cái ao dài hình chữ nhật. Tam quan được xây kiểu nghi môn với 4 trụ biểu. Sân trong hơi nhỏ nhưng có 2 cây bàng cổ thụ che mát, hai bên có 2 nhà tả, hữu mạc. Đình chính làm theo lối kiến trúc hình chữ “Công”, gồm toà đại đình rộng 7 gian 2 dĩ với hậu cung 3 gian. Mái đình lớp ngói ta, ở giữa đắp lưỡng long triều nguyệt. Bên dưới có kết cấu khung gỗ do hệ thống xà ngang, xà dọc ăn mộng với nhau.

Trong đình hiện còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị và các đạo sắc phong, mang niên hiệu sớm nhất là đạo sắc năm Cảnh Hưng 44 (1783). Đình vừa là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá cộng đồng của nhân dân địa phương, vừa là nơi hàng năm tổ chức ngày giỗ các vị thành hoàng và lễ hội đình từ 12 đến 30 tháng Giêng.

Trong lễ hội thường có những trò đua tài truyền thống như đấu vật, thi dệt cửi, nấu ăn và mở hội xuống đồng thi cấy. Ngày 21-01-1989 đình Hà Vỹ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Đình-Hà-Vỹ.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh ha vy.docx”]

Hits: 1762

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *