ĐÌNH HÀ HƯƠNG

Đình Hà Hương còn gọi là đình Giỗ Hương, xây từ trước năm 1629, trong thờ 2 vị tướng có công với dân dưới đời Hùng Vương thứ 6, hiện còn tới 53 đạo sắc phong thuộc thôn Hà Hương, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Theo thần tích, đình Hà Hương được xây từ lâu đời, bên trong thờ thành hoàng là hai anh em Thiên uy đại vương và Minh uy đại vương, sống dưới thời vua Hùng Vương thứ 6. Các ngài đã chữa khỏi bệnh dịch cứu dân trong trang Hà Hương và các vùng lân cận, lại có tài cầm quân dẹp giặc Xích Tị (mũi đỏ) sau được vua ban chức Khâm thiên đại tướng quân và Tham tán mưu sự đại tướng quân.

Về sau hai ngài tham gia trị nước, đặc biệt còn lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Ân. Thắng trận rồi hai ngài không nhận ân thưởng mà cùng theo Thánh Gióng lên núi Sóc bay về trời, vua Hùng cho dân sửa lại nhà cũ làm nơi thờ phụng như thượng đẳng phúc thần. Vua cấp ruộng hương hỏa, ban quốc tế hàng năm, ghi công ơn mãi mãi, lại truy phong anh làm Thiên uy đại vương và em làm Minh uy đại vương.

Đến thời Lê, vua cho xây thêm cầu giá ngự, ban cờ “Lệ triều quốc tế” và bộ Lễ thay mặt triều đình hành lễ một năm. Cụ thủ từ cho biết: Đình thôn Hà Hương thờ đại vương anh và được giữ các sắc phong, còn đình thôn Hà Lỗ thờ đại vương em. Ngày nay lễ hội đình làng vẫn được tổ chức chung giữa hai thôn, theo lệ cũ cứ hai năm một lần từ ngày 10 đến 20 tháng giêng âm lịch.

Đình Hà Hương đã được trùng tu và tôn tạo nhiều lần, dáng dấp ngày nay chủ yếu vẫn mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thế kỷ 18, cuối thời Hậu Lê. Đến thế kỷ 19 đầu thời Nguyễn, dân làng sửa chữa tòa đại bái và dựng thêm nhà tiền tế ở phía trước. Mặt đình quay về hướng nam, đón gió mát từ cánh đồng rộng thổi qua một ao nước hình vuông.

Đình xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, cao ráo, ngay cạnh ngã tư giữa đường rẽ sang 2 ngôi đình làng Lỗ Khê và Hà Lỗ kề bên, đều là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Cổng đình mở về hướng bắc, xây kiểu nghi môn với 4 trụ biểu đơn giản ở sát bên hữu hậu cung. Bố cục mặt bằng là kiểu chữ “Công”, toà đại đình 5 gian 2 dĩ khá đồ sộ dựa trên 48 cột gỗ có thớt đá kê chân, tòa này nối với hậu cung 3 gian bằng nhà cầu.

Đình Hà Hương có bộ mái bề thế và uốn cong với những đầu đao cân đối. Nền nhà tiền tế đã bị phá hủy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nay được sửa thành sân chơi cờ người. Phía trước và bên hữu đình là một sân gạch rất rộng với những cây cổ thụ. Năm 1961 có xây một bệ cao rộng, lưng xoay ra đồng, để làm sân khấu nhỏ cho nhà Văn hóa thôn. Mới đây, không hiểu sao người ta lại chặt gần hết các hàng cây rất đẹp ở quanh bờ ao.

Trong tòa đại bái đình Hà Hương có bộ hương án và các hoành phi, câu đối cổ rất đẹp. Hai bên chính điện còn có tượng đôi ngựa hồng bạch nom sống động, cụ thủ từ cho biết chúng mới hoàn thành vào tháng 6 năm 2001 và nặng hàng tấn vì được đúc bằng bê tông cốt thép, phải đặt trên bánh lăn để di chuyển.

Hậu cung đình rộng 3 gian, có 4 bộ vì với cấu trúc kiểu “chồng rường”, gian giữa lát ván che 3 mặt thành khám thờ. Trên trần khám thờ có “màn giếng” vẽ các hoa văn trang trí rất đẹp nhưng nay đã phai mờ màu sắc và bị ám khói đèn nhang. Nơi đặt long ngai với bài vị hai thần hoàng ở vị trí khá cao, phải đóng thang gỗ nhỏ để trèo lên xếp lễ trên hương án và thắp hương.

Đình hiện còn khá nhiều hiện vật giá trị. Đặc biệt đã lưu giữ được 53 đạo sắc phong do các triều vua từ năm 1629 (niên hiệu Đức Long thứ nhất đời Lê Thần Tông) đến năm 1925 (niên hiệu Khải Định thứ 10) ban cho. Ngày 21-01-1989 đình Hà Hương đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, cùng đợt với các ngôi đình Hà Lỗ, Lỗ Khê và Hà Vỹ cũng đều thuộc xã Liên Hà.

 [embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Đình-Hà-Hương.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh ha huong.docx”]

Hits: 734

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *