ĐỀN HOÀNH SƠN

Đền Hoành Sơn thờ Liễu Hạnh công chúa, địa chỉ ở thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Làng Vĩnh Thịnh đến đầu đời Thành Thái (1889 – 1907) còn mang tên Vĩnh Bảo, thuộc tổng Vĩnh Ninh, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Làng xưa có 5 xóm: xóm Nghè, xóm Viềng, xóm Giữa, xóm Chùa, xóm Sau và 5 giáp: Đông Nhất, Đông Nhì, Bắc, Nam, Đoài. Nay thuộc về xã Đại Áng, huyện Thanh Trì.

Nghề nghiệp chính của dân làng là làm ruộng, ngoài ra còn có nghề làm nón. Theo lưu truyền dân gian thì ông Phạm Quảng quê ở xã Minh Linh, huyện Kinh Môn (Hải Dương) là người truyền nghề làm nón cho làng. Việc buôn bán của dân làng cũng rất phát đạt, nhiều người đã mua được cửa hàng ở các thành phố, tỉnh lỵ. Cuộc sống của những nhà buôn này ổn định, người làng Vĩnh Thịnh rất tự hào với nghề buôn của mình.

Làng Vĩnh Thịnh hiện còn ngôi đình được dựng vào năm Bảo Thái thứ 6 (1725) thời Lê trung hưng và mới được tu sửa lại vào năm Nhâm Thân đời Bảo Đại (1932). Đình thờ Phạm Xạ – là người làng và là vị tướng của Lê Lợi. Theo truyền thuyết và thần phả, khi Lê Lợi đem quân ra Bắc diệt giặc Minh (1426), vua đã về làng Vĩnh Thịnh. Phạm Xạ khi đó là một thanh niên giỏi võ, tinh thông binh pháp, được Lê Lợi tin cậy, giao cho tuyển mộ binh sĩ. 243 thanh niên làng Vĩnh Bảo đã xung phong theo Phạm Xạ gia nhập vào đội quân của Lê Lợi. Từ đó, Phạm Xạ đã tham gia chỉ huy chiến đấu gần 30 trận ở nhiều chiến trường. Đặc biệt ông đã tham gia trận Chi Lăng tháng 9 năm Đinh Mùi (1427) và tự tay chém chết tên tướng chỉ huy giặc là Liễu Thăng, được Lê Lợi phong làm Thống chế Tả tướng quân. Hiện tại miếu còn ba bản sắc phong vào các đời Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, cùng 8 bức hoành phi, 19 câu đối khẳng định, ca ngợi tài đức và công lao của Phạm Xạ.

Mưu dũng diệt giặc Minh, muôn thuở non Lam truyền tuấn kiệt

Tiếng thơm ngời dấu thánh, nghìn thu làng cũ nhớ công ơn.

Ngoài ra, làng còn có chùa Thanh Dương, nơi treo quả chuông đúc xong ngày 6 tháng 7 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), có đền Hoành Sơn thờ Mẫu Liễu Hạnh.

Lễ hội hàng năm diễn ra vào các ngày: 13- 2 (ngày sinh của thần), 12- 5 (ngày Khánh hạ) và ngày 10 tháng Một (ngày hoá của thần). Trong hội tháng 2 có tục đón tiếp các quan viên hai làng kết nghĩa là Vĩnh Trung và Vĩnh Ninh gọi là “Hội kết nghĩa Tam Vĩnh”.

Tam quan đền Hoành Sơn mới được xây lại, mặt nhìn về hướng nam và cổng mở ra đường làng. Cổng giữa đưa khách qua một cây cầu ngắn, hai bên đắp hình rồng. Bên kia cầu có lầu Cô và lầu Cậu và một sân gạch dài, dẫn đến tiền tế, hai bên là dãy tả hữu mạc dùng làm nhà khách và nơi ở của thủ từ. Tiền tế gồm 5 gian, cửa bức bàn. Chính điện thờ Mẫu Liễu. Các bức cốn có những mảng chạm với các đề tài tứ linh, thần tiên và lịch sử, mang dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ 18, đầu TK19.

Ống muống 3 gian kết cấu đơn giản, chủ yếu bào trơn, kẻ soi. Gian giữa vẫn còn một bộ hương án sơn son thếp vàng, chạm lộng và chạm thủng với các đề tài hoa lá cây cỏ mây lửa, trang trí đắp nổi với các cảnh mây núi cân đối. Hậu cung kín đáo, kết cấu đơn giản. Bên trong có ba khám thờ và tượng công chúa Liễu Hạnh sơn son thếp vàng. Các câu đối, hoành phi, mảng chạm và đồ thờ mang phong cách nghệ thuật cuối Lê đầu Nguyễn.

Ngày 2-1-1991, đền Hoành Sơn đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Đền-Hoành-Sơn.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: den hoanh son.docx”]

Hits: 1049

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *