CHÙA NGỌC HỒI

Chùa làng Ngọc Hồi, xưa thuộc tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông; nay thuộc xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Cuối thời Lê Trung Hưng quy mô chùa đã khá lớn. Sau chiến dịch Ngọc Hồi – Đống Đa đầu năm 1789, chùa bị hủy hoại nặng nề. Đến thời Nguyễn, chùa lại được khôi phục và tôn tạo. Thời máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, chùa bị tàn phá năm 1972. Từ đó chùa đã được tiếp tục trùng tu, gần nhất là vào năm 2014-2015.

Vùng đất này đã đi vào lịch sử khi hoàng đế Quang Trung tự dẫn đại quân bao vây và hạ đồn Ngọc Hồi lúc rạng sáng ngày 30-1-1789. Phía quân Thanh, phó tướng của Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị là đề đốc Hứa Thế Hanh cùng tướng tiên phong Trương Triều Long đều bị chết. Quân Tây Sơn thừa thắng tiến lên và giải phóng hoàn toàn kinh thành Thăng Long vào chiều mồng 5 Tết Kỷ Dậu, trước khi nhân dân hạ nêu. 200 năm sau, ngay cạnh chùa Ngọc Hồi, một Đài chiến thắng khá lớn đã được dựng lên để kỷ niệm trận đánh oai hùng.

Theo truyền thuyết, chùa được dựng vào thời Trần. Khi ấy, Ngọc Hồi đã là một ngôi làng đông đúc có tên Vĩnh Khang, được cai quản bởi ông Bảo Công, Ả Mô nương và Nhị Mô nương là ba anh em. Sợ họ trở thành một thế lực quân sự đối địch, nên Trần Thủ Độ đã mang quân đến đánh, song thất bại. Rồi Bảo Công tự đem quân về với triều đình, được phong tướng và lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông. Sau khi ba anh em mất, vua Trần phong tặng họ là Quảng hoá đại vương, Ả Mô công chúa và Nhị Mô công chúa, giao cho làng Ngọc Hồi đời đời thờ phụng. Hiện trong đình Ngọc Hồi còn lưu giữ 16 đạo sắc phong cho 3 anh em.

Chùa Ngọc Hồi nằm ven sông Tô Lịch, cổng mở về hướng Nam ra con đường đi Lạc Thị. Tam quan cũ được xây phỏng theo phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn, giống như kiểu tam quan của ngôi chùa ở làng Tự Khoát bên cạnh. Sau lần trung tu mới đây, một tam quan rất lớn bằng đá và bê tông đã được xây thêm và mở về hướng Tây ra bãi đỗ xe và con ngõ mới.

Tòa Tiền đường rộng 5 gian 2 dĩ, mặt quay về hướng Tây, kết nối với thiêu hương và thượng điện theo hình chuôi vồ. Phía sau cách một sân hẹp là nhà thờ Tổ. Sân Tiền đường rất rộng và rợp bóng các cây nhãn cổ thụ. Trong khuôn viên chùa còn có vườn tháp mộ và vườn cây ăn quả. Hai bên tòa Tam bảo là nhà Ni và nhà khách. Ngoài mạn giáp sông, ba mặt còn lại có dãy tường cao và rất dài che kín.

Chùa Ngọc Hồi còn lưu giữ 42 pho tượng tròn, phần lớn được tạo tác vào quãng thế kỷ 18, 19; một quả chuông “Ngọc Hồi tự chung” đúc năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), 6 tấm bia đá (4 bia chữ Quốc ngữ, 2 bia chữ Nho), 2 phù điêu, 3 đôi câu đối, 4 bức hoành phi và nhiều đồ tự khí. Ngày 09-01-1990, Bộ Văn hóa –Thông tin đã công nhận chùa là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Chùa-Ngọc-Hồi.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua ngoc hoi.docx”]

Hits: 2631

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *