CHÙA HƯƠNG TUYẾT

Chùa Hương Tuyết, ngõ 205, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội là một di tích có lối kiến trúc độc đáo truyền thống và bài trí nội thất tuân thủ theo nghi thức thờ Phật. Không những thế, chùa còn là di tích lịch sử Cách mạng, có đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chùa Hương Tuyết là một trong 19 di tích được xếp hạng là di tích Cách mạng kháng chiến của quận Hai Bà Trưng.

Bài ký trên bia thờ Hậu chùa Hương Tuyết dựng năm Nhâm Tý, niên hiệu Duy Tân thứ 6 (1912) ghi rõ: Ông Nguyễn Hữu Quang ở phố Hàng Đào, phường Đồng Lạc, cùng vợ là Trương Thị Điều, phát tâm mua một khu vườn tư tại địa phận phường Bạch Mai, huyện Hoàn Long để xây dựng chùa thờ Phật, cùng với việc tô tượng, đúc chuông… Đến năm Tân Hợi (1911), tháng 10, ngày lành chùa xây song, đặt tên là “Hương Tuyết Tự” (Chùa Hương Tuyết). Các bộ phận kiến trúc của di tích được qui hoạch trong một mặt bằng khá rộng và liên hệ chặt chẽ, gắn kết với nhau tạo thành một không gian riêng biệt. Hiện tại, mặt bằng quy hoạch của kiến trúc này bao gồm: Cổng chùa, Chùa chính, Nhà Tổ, Nhà Mẫu và Nhà Khách.

Chùa chính làm theo lối “tiền nhị, hậu đinh”, gồm Tiền đường, Trung đường và Thượng diện. Nhà tiền đường và trung đường được bố cục song song hình chữ “nhị” giống nhau cả về kích thước lẫn kiểu dáng, cả hai nếp nhà này đều có mặt bằng 5 gian, xây dựng kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Phần ranh giới giữa các mái được làm khít nhau, phía dưới là hệ thống máng thoát nước. Nhà tiền đường có kết cấu kiến trúc đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Các con hoành, xà, kẻ được bào trơn, bào soi trông rất nhẹ nhàng. Cấu trúc bộ khung gỗ nhà trung đường được làm theo kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ chuyền. Trên đầu các con rường, xà, kẻ được chạm nổi, bong kênh thành các hình hoa lá khá đơn giản với những họa tiết trang trí hoa thị, lá thực vật được lặp đi lặp lại.

Thượng điện gồm ba gian chạy dọc, nối với các gian giữa là nhà Trung đường với 4 bộ vì kèo kết cấu kiến trúc theo kiểu chồng rường giá chiêng, tất cả được bào trơn, kẻ soi. Riêng ở gian giữa thượng điện có 2 bức cốn nách được kết cấu theo kiểu cốn mê, trên cốn được chạm nổi đề tài rồng cuốn thủy, với những đường nét chạm khắc khá công phu, có giá trị nghệ thuật, mang đậm dấu ấn của nghệ thuật kiện trúc thời Nguyễn thế kỷ XX. Đối sánh với những kiến trúc cùng loại được xây dựng trước và sau chùa Hương Tuyết, càng thấy được sự đặc biệt của lối kiến trúc chữ “nhị” ở tòa tiền đường và trung đường, lối kết cấu kiến trúc này đã gợi ý cho những người quan tâm tìm hiểu về kiến trúc Phật giáo ở nước ta. Cũng giống như di tích chùa Hòe Nhai (quận Ba Đình), sự có mặt thêm một tòa nhà tiền đường nói lên vai trò của ngôi chùa này đối với đời sống sinh hoạt tôn giáo trong vùng. Nhà Mẫu và nhà thờ Tổ đều được cấu tạo theo kiểu kiến trúc truyền thống và bài trí nội thất tuân thủ theo nghi thức thờ tự như vẫn thường gặp tại các di tích tôn giáo tín ngưỡng khác.

Đáng quan tâm nhất của chùa là hệ thống tượng Phật được sắp đặt cao dần tại nhà thượng điện. Tại vị trí cao nhất, trang trọng nhất là ba pho tượng Tam thế, tượng trưng cho ba thời: quá khứ, hiện tại và tương lai. Các hàng tiếp theo là tượng Adi đà; Thích Ca niêm hoa – văn – thù – phổ – hiền; Quan âm thập bát tý; Cửu Long – Kim Đồng – Ngọc Nữ. Hai ban thờ Đức ông và Đức Thánh Tăng được bố trí hai bên tường hậu nhà trung đường. Toàn bộ hệ thống trên 50 pho tượng tròn, được tạo tác vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX, mang đầy đủ qui ước chuẩn của tượng Phật đương thời. Đây là những hiện vật vừa mang ý nghĩa nội dung, vừa mang giá trị nghệ thuật cho di tích. Bên cạnh các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật, còn các pho tượng Mẫu cũng nhận được sự quan tâm chú ý. Chùa Hương Tuyết cũng là nơi lưu giữ nhiều di vật quí như: Chuông đồng, Bia đá thời Nguyễn, có nội dung ghi việc xây dựng chùa và những người công đức. Các di vật điển hình được tạo tác bằng chất liệu gỗ gồm: hoành phi, câu đối, y môn, của võng, cuốn thư, hương án, long ngai, khám thờ… chạm khắc các đề tài tứ linh, tứ quí, rồng chầu, hổ phù… tất cả được sơn son thếp vàng, đã làm tăng thêm sự trang nghiêm lộng lẫy cho kiến trúc Phật giáo tại chùa Hương Tuyết.

Ngoài là một di tích có lối kiến trúc độc đáo truyền thống và bài trí nội thất tuân thủ theo nghi thức thờ Phật, chùa còn là di tích lịch sử Cách mạng, có đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chùa cũng là một trong 19 di tích được xếp hạng là di tích Cách mạng kháng chiến của quận Hai Bà Trưng. Chùa Hương Tuyết trở thành nơi liên lạc của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1929, cất giữ nhiều tài liệu quan trọng và là trụ sở Ban Chỉ huy cuộc bãi công đầu tiên của công nhân xưởng Avia Hà Nội (từ 28/5/1929 đến 10/6/1929).

Đây là cuộc đấu tranh có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển phong trào Cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào công nhân nói riêng. Nâng lên một tầm cao mới biến đổi về chất, từ đấu tranh tự phát nâng lên đấu tranh tự giác có tổ chức, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Công Hội Đỏ tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay. Di tích Chùa Hương Tuyết và cuộc đấu tranh của công nhân Avia Hà Nội được xem là động lực trực tiếp thúc đẩy làn sóng đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, dẫn tới sự ra đời của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng (17/6/1929) hạt nhân chủ yếu của Đảng Cộng Sản Việt Nam, thành lập ngày 3/2/1930. Chùa Hương Tuyết cũng là cơ sở hoạt động hội họp của các đồng chí cách mạng tiền bối, những người đi đầu trong phong trào Cách mạng Việt Nam như: Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trần Học Hải, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung, Lê Công Miều (Lê Văn Lương).

Cũng như các di tích lịch sử Cách mạng khác trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói riêng, Chùa Hương Tuyết xứng đáng là một địa chỉ Đỏ, là bằng chứng có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Cách mạng Việt Nam những năm 1929 – 1930. Sự hiện diện của Chùa Hương Tuyết, ngoài giá trị làm phong phú thêm hệ thống các di tích lịch sử văn hóa trong khu vực còn khiến cho người dân được biết thêm về một địa danh lịch sử Cách mạng, liên quan đến thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đây cũng sẽ là một địa điểm tham quan hấp dẫn đối với những người yêu mến lịch sử Thủ đô Hà Nội.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Chùa-Hương-Tuyết.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua huong tuyet.docx”]

Hits: 1321

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *