CHÙA HƯNG LONG

Chùa Hưng Long là ngôi chùa của làng Đông Phù, vua Lý Thái Tổ cấp tiền xây năm 1011 (Tân Hợi, Thuận Thiên thứ 2). Địa chỉ: thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Trừ tam quan xây bằng gạch nung Bát Tràng có niên đại hơn 300 năm và các tháp mộ sư tổ, hầu như tất cả ngôi chùa đã được đại trùng tu và mở rộng mới đây. Bước qua tam quan ta đi trên con đường lát đá xuyên giữa một khu vườn lớn với các tháp mộ cổ ở bên phải, còn hai nhà phương đình đặt trống và chuông nằm đối diện ở đoạn cuối đường dẫn vào sân tiền đường.

Sau khu vườn là một cái sân to lát đá phẳng phiu. Hai bên sân có tượng Phật A Di Đà và tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đứng trên bệ xây cao giữa hồ nhỏ. Cạnh mỗi hồ là tường bao và cổng phụ của ngôi chùa. Mặt bắc của sân liền kề nhà tiền đường với hai tấm bia đá, một mới một cũ, đặt ở ngay ngoài hiên. Khu vực chùa chính và phụ nằm mé sau và mé phải của tiền đường, cách ly với sân to bằng bức tường ngăn có cổng vào ở cuối con ngõ ngắn dẫn ra cổng phụ.

Sau cánh cổng nhìn ra tượng A Di Đà là một cái sân dài lát đá trên nền vườn cũ với những gốc nhãn cổ thụ sót lại. Tại đây ta thấy bên trái là các gian thượng điện và hậu cung với một cái sân sau nhỏ hơn nhưng cũng có tường ngăn và cửa ngách riêng biệt. Bên phải là dãy nhà tăng, nhà khách, còn Tổ đường thì ở cuối sân hậu, gíáp làng xóm phía sông Kim Ngưu.

Các gian điện thờ trên nền chùa cũ vẫn giữ nguyên kiến trúc “nội công ngoại quốc, tiền Phật hậu Thánh”. Chính điện là ban thờ Phật, hai bên thờ tượng Thập Điện và Quán Thế Âm Bồ Tát tọa sơn. Hai đầu hồi tiền đường đắp theo hình núi đá để thờ điện Phật và các cảnh giới tu tập, thiện ác, nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, chính giữa có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát chuẩn đề và tượng Phật Di Lặc. Nối tiếp giữa tiền đường, chính điện là hai dãy hành lang, mỗi bên gồm 11 gian thông nhau, thờ tượng Đức Ông và tượng Đức Thánh Hiền. Sau hậu cung tòa Tam Bảo là nhà tế, phía trước gồm 3 gian thờ hai vị sư tổ vốn là công chúa nhà Lý.

Đời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072), hoàng hậu Thượng Dương sinh được hai con gái là Từ Thục và Từ Huy. Lớn lên, nhị vị công chúa cùng hai thị giả Quỳnh Hoa, Quế Hoa đã về chùa Hưng Long xuất gia đầu Phật. Toàn bộ đất vua ban hai bà đem chia cho các làng thuộc tổng Nam Phù xưa và làng Ninh Xá, lại lập điền trang, đem giống mới về trồng cấy, dạy dân làm nghề thủ công và nông nghiệp.

Tu hành trải mấy chục năm, hai ni sư viên mãn, rồi thu thần thị tịch tại lăng Liên Hoa gần bản chùa vào ngày 15 tháng 3 Ất Hợi, niên hiệu Hội Phong thứ 4 (năm 1095) đời vua Lý Nhân Tông. Đến thời Lê sơ, hai sư tổ được sắc phong là Linh Thông Đại Bồ Tát. Nhân dân suy tôn là Nhị vị vương bà, Đại Thánh Bồ Tát; hai thị giả được tôn vinh là Thượng đẳng thần.

Theo giai thoại, vua Lý Thánh Tông từng cho gọi Từ Thục và Từ Huy về kinh để đi lấy chồng nơi biên cương. Hai vị ni sư trăn trở suy nghĩ, không về thì mang tội bất hiếu chống lệnh vua cha, mà về thì việc tu hành dang dở, vì thế hai vị còn phân vân do dự. Vua thấy việc chậm trễ, trong phút nóng giận đã ra lệnh đốt chùa. Hai vị ni sư được dân chúng rước về làng Tự Khoát. Không lâu sau, nhà vua cảm kích và hối hận không ép buộc nữa mà để hai con gái tiếp tục tu hành. Vua ban lệnh dựng lại chùa Đông Phù, bởi thế còn có tên là chùa Đền, hiện vẫn lưu giữ một số dấu tích bị đốt cháy… Lý Thánh Tông xuất tiền dựng thêm chùa trên gò Trúc Lĩnh và đặt tên là Hưng Phúc tự, còn gọi là chùa (làng) Tự Khoát.

Ghi nhớ công đức của hai sư tổ, nhân dân tổng Nam Phù gồm 9 xã: Tự Khoát, Tương Trúc, Việt Yên, Đông Trạch, Đông Phù, Văn Uyên, Tranh Khúc, Mỹ Liệt và Mỹ Á, cùng với dân làng Ninh Xá dựng thêm chùa, xây đền tạc tượng, lập bài vị thờ phụng và hàng năm tổ chức lễ hội long trọng vào các ngày 14-15-16 tháng Ba âm lịch. Hiện nay chùa còn giữ được 2 đạo sắc phong cho Lý Liễu đoan trang công chúa năm Cảnh Hưng 44 (1785) và Chiêu Thống 1 (1787).

Trải qua hàng nghìn năm tồn tại, chùa Hưng Long đã được tôn tạo nhiều lần. Đặc biệt năm 1619, Quận chúa Thái phi Trịnh Thị Ngọc Thưởng đã phát tâm công đức chi toàn bộ kinh phí cho việc đại trùng tu. Tuy vậy đến cuối thế kỷ 20, ngôi chùa chỉ còn là mấy gian nhỏ đã xuống cấp.

Năm 2004, UBND TP Hà Nội xếp hạng chùa là di tích cách mạng và cấp ngân sách để trùng tu tòa Tam bảo, gồm 7 gian tiền đường, hậu cung, 11 gian giải vũ bên trái thờ Đức Thánh Hiền và 3 gian nhà chương.

Năm Kỷ Sửu 2009 đã trùng tu, phục chế các hạng mục còn lại: các tượng thờ tại tòa Tam Bảo, tượng Thánh Mẫu, khám thờ, nhang án, hoành phi, câu đối, cửa võng và phục chế 3 gian điện thờ nhị vị Bồ Tát, 11 gian giải vũ bên phải (thờ Đức Ông), 10 gian điện thờ Thánh Mẫu, 14 gian Tổ đường, 12 gian nhà Tăng và phòng khách, 2 phương đình và các công trình phụ trợ khác. Sân trước và sân sau chùa, lối đi cổng tam quan có diện tích hơn 2.000 m2, được lát toàn bộ bằng đá tự nhiên.

Khi trùng tu đã phát lộ những nền móng cũ của chùa với đặc trưng của nhiều niên đại. Trong đó có những viên gạch vồ (loại gạch rộng và dày) được chạm khắc tinh xảo các hình rồng, voi, ngựa, hoa sen, lá dừa mang dấu ấn thời Lý – Trần, cũng như một số câu đối ca ngợi chùa Hưng Long và đức hạnh tu tập của sư tổ.

Chùa Hưng Long được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1990.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Chùa-Hưng-Long.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua hung long.docx”]

Hits: 1666

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *