ĐÌNH PHÚ VIÊN

Đình Phú Viên thuộc tổ 2, phường Bồ Đề, quận Long Biên, nằm trong khu vực di tích đền Chầu, bên cạnh chùa Bồ Đề nổi tiếng. Cụm di tích này được quy hoạch trải dài trên một khu đất rộng, cao, thoáng mát, liền sát bờ bắc sông Hồng, xung quanh là tường rào, vườn cây ăn quả cổ thụ.

Xã Bồ Đề gốc cũ gồm có 4 thôn là: Ái Mộ, Lâm Du, Ngọc Lâm và Phú Viên. Trước năm 1945, đây nguyên là đất của 4 xã (trùng với tên 4 thôn) thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau năm 1954, nhập làm một xã gọi là Hồng Tiến thuộc quận 6, ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1964 là xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm; đến năm 2004 đổi thành phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Phú Viên là một làng cổ có lịch sử tồn tại từ rất lâu đời. Làng có tên nôm là Bồ Đề. Tên này xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV để chỉ vùng đất có 2 cây bồ đề cao ngang với tháp Báo Thiên ở Kinh thành Thăng Long. Sử cũ chép rằng. Khi quân xâm lược Minh đóng quân tại thành Đông Quan, vào cuối năm 1427, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã đặt đại bản doanh tại Bồ Đề, lập các tầng lầu cao trên 2 cây bồ đề để quan sát giặc Minh đang bị bao vây trong thành. Cùng với chiến công quét sạch quân xâm lược nhà Minh, đất Bồ Đề đã đi vào lịch sử dân tộc ta. Sau chiến thắng, Lê Lợi còn đặt triều đình nhà Lê ở đây một thời gian rồi mới tiến vào thành cũ. Về sau này ở dinh Bồ đề cũ các triều đại phong kiến khi thì cho xây dựng hành cung, khi đặt trạm dịch, khi thì đặt trạm bệnh, đều gọi là Bồ Đề, rồi có cả bến nước Bồ Đề, bến đò Bồ Đề. Bến Bồ Đề là một trong 8 cảnh đẹp của Thăng Long vào các thế kỷ XVII XVIII Để kỷ niệm vùng đất mang tên Bồ Đề lịch sử này, xã Hồng Tiến được đổi tên gọi là xã Bồ Đề.

Từ ngoài vào, các công trình kiến trúc của cụm di tích này bao gồm: đền Chầu, đình Phú Viên, Đình Phú. Viên thờ đức Linh Lang là con của Hoàng Hậu chánh cung Minh Đức và vua Trần Thánh Tông. Ngài xuất gia năm 20 tuổi là người thông minh, học rộng, tài cao, giỏi kinh kệ, thuyết pháp, nên các sa môn và .tăng chúng đều kính phục. Khi quân Nguyên bằng mọi ngả vào cướp nước ta, trước cảnh loạn lạc, Ngài nói: “Nam nhi sinh ở trên đời phải có chí khí, kẻ trượng phu chí ở cung đao, bốn phương tung hoành, nếu không dấn mình cứu nước thì sao có tên trong sử sách để truyền mai sau”. Ngài gặp vua cha trình bày phương lược, xin đem nghĩa binh đánh giặc, nhà vua khen là có chí khí mới chuẩn cho Ngài chiêu mộ hàng vạn binh sĩ cùng với Trần Nhật Duật và Trần Hưng Đạo đi đánh giặc. Giặc tan. đất nước yên bình, nhà vua phong tặng Ngài là Dâm Đàm Đại vương năm Ngài ngoài 36 tuổi Khi Ngài mất, đã có công âm phù giúp dân chống lũ lụt dân không lo đê vỡ nên triều nào Ngài cũng được ban sắc phong, tặng mỹ tự.

Hiện nay ở đình Phú Viên còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, trong đó phải kể đến 7 đạo sắc phong của các triều đại cho đức Linh Lang. Ngoài ra còn có một hệ thống Long ngai, bài vị, mũ thờ, bát bửu, nhang án, cửa võng... được chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn cùng nhiều hoành phi, câu đối… có nội dung ca ngợi công tích của vị Thành hoàng làng.

Để đảm bảo cho di tích được trường tồn, trong năm 2004, đình Phú Viên đã được được nhân dân địa phương tiến hành sang sửa lại và quan tâm cắt cử người trông nom cẩn thận, hương khói quanh năm khiến cho di tích ngày càng đẹp đẽ, khang trang.

Trên vùng đất Long Biên lịch sử đang trên đường đổi mới, sự hiện diện của. một ngôi đình cổ, nơi tôn vinh tưởng niệm về người anh hùng có công đánh giặc cứu nước đã góp phần làm giầu thêm truyền thống văn hóa cũng như làm đẹp thêm cho cảnh quan là rất đáng được giữ gìn và trân trọng. Bởi vậy, chắc chắn nơi đây sẽ là một điểm dừng chân thu hút đông đảo khách thập phương khi đến với chùa Bồ Đề nổi tiếng.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Dinh-Phu-Vien.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh phu vien.docx”]

Hits: 920

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *