ĐÌNH CỰ ĐỒNG

Đình Cự Đồng còn có tên là đình Đông Lâm, thuộc thôn Cự Đồng, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 1 phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Cự Đồng thời Nguyễn thuộc xã Cự Linh, tổng Cự Linh, là một địa danh có nhiều di tích lịch sử văn hóa. Nơi đây từng là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Hai Bà Trưng dẹp giặc Tô Định những năm 40 – 42 sau Công nguyên. Dấu ấn lịch sử còn lưu lại tới ngày nay trên mảnh đất Cự Đồng hiện còn bảo lưu một ngôi đình thờ danh tướng Thành Công Tương Liệt Đại vương, đã được Hai Bà Trưng phong cho thực ấp ở địa bàn huyện Gia Lâm.

Theo nguồn tư liệu thành văn hiện còn lưu lại trong di tích cho biết: danh tướng Thành Công Tương Liệt Đại vương là người có công giúp Hai Bà Trưng dẹp giặc Tô Định. Ông được giao trông coi việc binh và thường đi kinh lý các nơi trong vùng. Ngoài việc luyện quân, ông còn dạy dân làm ruộng, chăn tằm. Một lần khi đi qua trang Cổ Linh, thấy phong cảnh nơi đây tươi đẹp, dân chúng cần cù làm ăn, ông đã ở lại Cổ Linh và xây Sinh từ tại thôn Trạm. Sau này khi ông hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược nhà Hán, ông được Hai Bà Trưng xét công ban thưởng thực ấp tại vùng Cự Linh và cho phép nhân dân trong trang lập miếu đền phụng thờ mãi mãi. Các thôn thuộc Cự Linh đều lập đền thờ ông và tôn vinh ông là Thành hoàng làng. Đình Cự Linh còn thờ bà Quế Hoa công chúa họ Đặng. Theo truyền thuyết dân gian ở địa phương cho biết, Quế Hoa công chúa là chị em với Quỳnh Hoa công chúa được thờ tại đình Sài Đồng, phường Phúc Đồng.

Thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Cự Đồng lại hăng hái kiên cường cầm súng đứng lên chống ngoại xâm bảo vệ quê hương. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân địa phương đã anh dũng chiến đấu bảo toàn được cầu phao Chương Dương, cầu chiến lược của trục giao thông xương sống – đường số 1. Không quân Mỹ đã rải nhiều bom và đã bị rơi nhiều máy bay mà không ném được quả nào vào cây cầu bắc qua mảnh đất linh thiêng này.

Chẳng biết có phải vì Cự Linh là vùng đất địa linh không mà nhân dân ở đây đã xây dựng nhiều công trình văn hóa tâm linh như vậy. Chỉ trong một làng đã có 5 công trình gồm chùa, nghè, đình và đền. Trong những công trình này, đình Cự Đồng là một di tích nổi tiếng nhất. Đã từ lâu đình Cự Đồng thu hút không chỉ người dân Kinh thành Thăng Long mà cả khách thập phương xa gần.

Tài, đức và công tích của các vị Thành hoàng làng Cự Đồng đã thông đến trời, đất nên sau khi mất đi các Ngài rất hiển linh và trở nên bất tử. Bà công chúa Quỳnh Hoa được dân gian coi là hoá thân của một vị Thánh với vai trò là người hầu cận Thánh Mẫu trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam. Thật là kỳ diệu, một nhân vật lịch sử, một hệt nữ, khi sống không nắm quyền, chết đi lại được hiển Thánh, sống mãi trong lòng dân, đời đời được ghi nhớ công ơn.

Nghi lễ thờ tự trong đình Cự Đồng có nét khác biệt so với đình làng khác quanh vùng thông thường. Trong các công trình kiến trúc của đình chỉ có ban thờ đặt Long ngai, bài vị Thần hoàng làng và ban thờ hậu thần. Ờ đình Cự Đồng hiện nay còn có thêm gian thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian và nếp nhà Tảo mạc của đình được sử dụng làm Phật điện thờ Phật. Sở dĩ có sự đan xen, phối thờ như trên là do quá trình phát triển tồn tại của dị tích có nhiều đổi thay theo năm tháng cùng với sự tôn sùng của người dân địa phương đối với các vị Thánh, Thần đã hiển linh phù giúp cho dân khang vật thịnh, nên không rõ thời gian nào người dân đã đưa thêm vào đình những ban thờ Mẫu, Phật.

Giống như mọi ngôi đình làng của các địa phương trong vùng, đình Cự Đồng có khởi nguồn tạo dựng từ rất sớm, với 2 chức năng chính là: nơi phụng thờ các vị phúc Thần có công với dân, với nước và nơi tổ chức lễ hội. Đình Cự Đồng hiện nay tọa lạc trên một khu đất cao, rộng thoáng gần với khu cư trú của làng. Các nếp nhà cổ ẩn mình dưới những cây cổ thụ bốn mùa toả bóng mát, tạo cho di tích một vẻ đẹp thâm nghiêm, huyền bí. Các công trình kiến trúc gồm: cổng Nghi môn, giếng đình, sân, toà kiến trúc chính kết cấu kiểu chữ đinh, 2 dãy nhà Tả, Hữu mạc.

Hội làng Cự Đồng là một trong những lễ hội lớn trong vùng, được tổ chức từ mồng 10 đến 12 tháng 2 âm lịch. Trong lễ hội có nhiều hoạt động khác nhau, đa dạng và phong phú. Nghi lễ đáng lưu ý nhất là lễ rước nước, giống như các lễ hội vùng ven sông Hồng, rước nước mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà, vì đối với cây lúa nước thì “nhất nước, nhì phân”. Trong lễ hội Cự Đồng có nghi lễ rước kiệu Thánh và tổ chức nhiều trò chơi dân gian như cờ người, chọi gà, hát thờ cửa đình… và các hoạt động văn hóa, thể thao khác.

Giá trị của đình Cự Đồng còn được thể hiện ở những di vật. Trước hết phải kể đến 2 cỗ Long ngai, bài vị sơn son thếp vàng và 2 tượng Chó đá (linh cẩu) cao 75cm đặt ngay ở cổng vào đình mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, một cỗ kiệu Long đình sơn son thếp vàng nghệ thuật thế kỷ XX. Đây là những tác phẩm nghệ thuật được trang trí bằng nghệ thuật chậm thủng rất công phu, tinh xảo. Nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là những giá trị phi vật thể nằm ở các bức đại tự và hoành phi, câu đối. Nội dung của những chữ được thể hiện trên các di vật này đều tập trung vào ca ngợi cảnh đẹp, đất thiêng, nơi ngôi đình tọa lạc, công trạng, đức độ của các vị Thần được thờ. Các bức đại tự khẳng định giá trị của đình như: “Thánh cung vạn tuế” (Đức Thánh muôn năm). Còn các câu đối lại mang ý nghĩa khác, chúng được cung tiến bởi những người cầu được ước thành. Do sự cầu linh nghiệm nên họ đã dâng mỹ tự để tỏ lòng ái mộ và thể hiện sự biết ơn các vị Thần. Có thể dẫn đôi câu đối sau làm ví dụ:

Đền miếu đình chung tu sửa lại,

Tây phương cảnh đẹp vẻ thiên nhiên.

Qua những mỹ tự này, có thể nói, đình Cự Đồng là nơi hội tụ anh linh, tụ khí, thật là linh thiêng. Tính thiêng của đình còn bởi dư âm của trang liệt nữ Quế Hoa công chúa. Vì thế, về với đình Cự Đồng là đến thụ hưởng sinh khí trong lành, nơi thiên – địa giao hoà để được tiếp thêm sinh lực siêu phàm của trời đất. Về đây cũng là để học tập tấm gương trinh liệt của người phụ nữ tài danh có công với dân. Sau hết, lớn hơn cả, về đình Cự Đồng để cầu cho quốc thái, dân an, gia đình hoà thuận. Hẳn là các vị phúc Thần ở đình Cự Đồng đã cho những người về đây được sở cầu như ý nên các du khách mỗi ngày về một đông, đem tâm tu tạo di tích ngày một khang trang, sạch đẹp.

Nhưng để có được một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh gắn liền với lịch sử như đình Cự Đồng cũng phải kể đến công sức của nhân dân làng Cự Đồng và khách thập phương xa. gần. Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết, để giữ gìn bảo vệ được một di tích có khuôn viên rộng lớn và tạo cảnh quan thâm u, tĩnh lặng như hôm nay và ngày càng phát triển thì điều quan trọng là việc quản lý di tích phải giao cho người có tâm đức, có trình độ quản lý và tấm lòng mộ đạo. Đình Cự Đồng là một vốn cổ quý giá cần được trân trọng gìn giữ và phát huy giá trị.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Dinh-Cu-Dong.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh cu dong.docx”]

Hits: 892

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *