CHÙA GIA QUẤT – SÙNG PHÚC TỰ

Chùa Gia Quất là tên gọi theo địa danh của thôn, tên cho là “Sùng Phúc tự” (chùa Sùng Phúc). Chùa hiện nay thuộc tổ 5, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Gia Quất là một trong 4 thôn của xã Thượng Thanh, huyện Gia Lâm trước đây gồm: Đức Giang, Gia Quất, Hoà Bình, Thanh Am và Thượng Cát. Nguyên là đất các xã Gia Quất và Thượng Cát, tổng Gia Thụy và xã Thanh Am, tổng Đằng Xá, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh trước năm 1945. Phía tây – bắc là sông Đuống, bên kia sông là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, phía đông và đông – bắc giáp phường Việt Hưng, tây – nam giáp phường Ngọc Thụy. Phường Thượng Thanh nằm dọc theo bờ nam sông Đuống từ cầu Đuống đến bến phà Đông Trù.

Gia Quất – Thượng Thanh vốn là một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm. Dấu ấn lịch sử còn lưu lại trên mảnh đất này được minh chứng bằng truyền thống văn hóa của nhân dân địa phương và những di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa cùng với nghi lễ phụng thờ các vị phúc Thần có công dẹp giặc ngoại xâm thời vua Hùng dựng nước. Đó là ba vị Thần: Cao Sơn, Minh Triết, Minh Trụ Đại vương. Căn cứ nguồn tư liệu thành văn hiện còn lưu tại di tích như Bài minh khắc trên bia trụ, chuông đồng có thể đoán định niên đại khởi dựng ngôi chùa khoảng cuối thời Lê để đáp ứng nhu cầu tâm linh thờ Phật của người dân địa phương.

Chùa Sùng Phúc được xây dựng trên một khu đất rộng thoáng, gần khu vực cư trú của làng. Trước đây chùa có quy mô bề thế với nhiều hạng mục công trình như: cổng Tam quan, toà Tam bảo, nhà Tả, Hữu vu. Trải qua những bước thăng trầm đổi thay của lịch sử, ngôi chùa cũng có nhiều thay đổi. Năm 1972, sau trận bom B52 của đế quốc Mỹ đã phá huỷ toàn bộ các công trình nhà cửa, ruộng vườn, công trình văn hóa của vùng đất Thượng Thanh, trong đó có các công trình kiến trúc của chùa Sùng Phúc. Các công trình kiến trúc của chùa hiện nay là sản phẩm của đợt trùng tu lớn vào những năm gần đây. Toà Tam bảo có kết cấu 7 gian, quay hướng nam, đây là hướng phổ biến trong kiến trúc cổ của người Việt. Trước chùa là một khoảng sân lát gạch, trước sân có vườn cây ăn quả bốn mùa xanh tốt, tạo thêm cảnh tĩnh lặng cho ngôi chùa. Hiện nay di tích còn lưu giữ nhiều di vật mang giá trị lịch sử nghệ thuật như: bộ tượng tròn 19 pho được sơn thếp lộng lẫy mang phong cách. nghệ thuật thế kỷ XIX – XX, 2 quả chuông đồng, trong đó 1 chuông đúc vào thời Nguyễn đề “Gia Quất tự chung” (chuông chùa Gia Quất), thân chuông có trang trí hoa văn niên hiệu thời Nguyễn; 3 tấm bia đá dựng năm Tự Đức thứ 2 (1849) và năm thứ 3 (1850). Bài văn khắc trên bia do do tác giả Tô Xuân Hiên viết năm Đinh Mùi (1847) phản ánh, chùa có làm 2 toà Thiêu hương được ông Hoàng Đức Mỹ và gia đình cùng các bà Hoàng Đức Nhuệ, Hoàng Thị Vớt góp tiền công đức. Các ông bà có công đã được dân làng bầu hậu Phật và ghi rõ ngày giỗ hậu. Xuân Hiên đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ làm Nhiếp biện ấn vụ huyện Gia Lâm. Tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 12 (1858) ghi việc bà Hoàng Thị Việt cúng tiền giúp dân làng đáp đê sông Đuống. Ngoài ra, di tích còn có nhiều đồ thờ tự khác như: hoành phi, câu đối, lọ hoa, cây đèn, bát hương... Chùa Gia Quất (Sùng Phúc) hiện nay được chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm gìn giữ, bảo quản, thường xuyên tu bổ, tôn tạo ngày một khang trang, sạch đẹp. Chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của một cộng đồng dân cư, là vốn cổ quý giá cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Chua-Gia-Quat.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua gia quat.docx”]

Hits: 860

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *