ĐÌNH PHÙNG KHOANG

Đình Phùng Khoang (xã Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thờ Thượng đẳng Phúc thần Đoàn Thượng, một vị tướng thời Lý. Đây là một trong những ngôi đình cổ, xây dựng vào đầu thời Lê Trung Hưng đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa từ ngày 2/10/1991.

Đình làng Phùng Khoang tọa lạc trong một khuôn viên rộng với diện tích 3.038m2, có tường bao quanh. Mặt đình nhìn về hướng Đông Bắc, Tam quan ngoại khá đồ sộ, có gác chuông xoay về hướng Đông Nam, có hai tầng và vòm cuốn. Cổng có hai cột trụ lớn, trên trụ có 4 rồng cuốn hình búp sen. Chính giữa cổng đắp nổi cuốn thư có đại tự “Tối linh từ”. Bên dưới mở cổng ra con đường làng dẫn đến ngôi chùa cổ Thanh Xuân Tự.

Đức Thánh Đoàn Thượng (1181-1228) là một trung thần của nhà Lý, Ông là người Hồng Châu (Hải Dương) làm đến chức thái úy, chức quan đứng thứ hai trong triều.

Theo Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên có viết: “Anh liệt chính khí Đoàn tướng quân”. Đền thờ chính ở xã An Nhân, huyện Đường Hào (Ân Thi), Hưng Yên. Đoàn Thượng được vua Lý Huệ Tông cử đi dẹp giặc ở Hồng Châu. Khi nhà Lý mất ngôi, ông đóng binh giữ Hồng Châu chống lại nhà Trần. Nguyễn Nộn đem đại binh đánh úp theo lệnh Trần Thủ Độ. Đang mải chống Nguyễn Nộn thì quân Trần từ mặt Văn Giang phía Tây ập đến đánh úp. Tướng quân quay sang đánh quân Trần, bị một nhát đao từ sau chém vào cổ. Ngài liền cởi thắt lưng quấn lấy cổ, nổi giận phóng ngựa về phía Đông. Ngựa tới An Nhân, ngài thấy một cụ già mũ áo nghiêm chỉnh đứng bên đường, chắp tay nói: “Đức Thượng đế biết tướng quân là người trung liệt, nghĩa khí, đã chọn cho tướng quân cái gò bên kia làm chỗ đất ngàn năm hương lửa, xin tướng quân đừng bỏ qua”. Tướng quân xin vâng lời tới chỗ gò ấy, xuống ngựa, nằm gối lên đầu giáo. Các thứ côn trùng đùn đất phủ kín thi thể thành một ngôi mộ lớn. Dân làng sau đó lập thành miếu, tạc tượng thờ. Sau đê sông Nhị Hà bị vỡ, nước tràn qua miếu, làm tượng thần bị trôi. Làng An Nhân phải dựng đền thờ mới. Đền rất linh thiêng, trông ra hướng Đông Bắc. Theo chính sử thì có 72 đình làng xã tôn ông làm Thành Hoàng nhưng số liệu này được chép cách nay một khoảng thời gian đã quá lâu. Hiện nay, đã thống kê được có ít nhất 275 đình làng xã (địa bàn Bắc Bộ) thờ ông.

Sau này, các triều Vua khi luận công ban thưởng đều nêu gương Ngài như một trung thần tiết nghĩa, ban cho tiền xây cất đền, miếu thờ phụng và sắc phong Ngài là Đông Hải đại vương Đoàn Thượng –  kiến, nghĩa, khiêm, trung phù chính, anh kiên liệt, trao vị Thượng đẳng Phúc thần. Trong dân gian gọi Ngài là Đức Thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng để ghi công trạng và lòng trung của ông. Ở đình Phùng Khoang, ngoài bản thần tích còn có nhiều câu đối ca ngợi danh nghiệp của thần:

Bát thập dư chiến hùng uy di tích nhưng lưu cô luỹ tại,

Thất thập nhị từ hiển thánh tinh thành trường đối bát lăng cao.

Dịch nghĩa:

Hơn tám mươi trận để lại dấu vết oai hùng vẫn còn trơ luỹ vắng,

Bảy mươi hai đền, thực bực hiển hách tinh anh, đối diện tám lăng cao.

Ngôi đình có kiến trúc bề thế, khang trang, cùng với những mảng chạm khắc độc đáo vẫn còn nguyên vẹn đã làm tăng giá trị cổ kính của di tích. Nhìn một cách tổng thể từ ngoài vào, đình Phùng Khoang được xây dựng theo hướng Đông Bắc, trước mặt đình là một cái hồ và một cái sân rộng, tiếp đến là nghi môn. Cũng như đình ở các nơi khác, nghi môn là kiến trúc không thể thiếu được của đình. Nghi môn đình Phùng Khoang được xây tượng trưng khá độc đáo với kiểu kiến trúc trụ nghi môn thẳng đứng phía trước là tấm bình phong cuốn thư bằng đá.

Hai ngôi nhà nằm song song hai bên sân đình là hai dãy nhà giải vũ ba gian, được làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang, có lối đi từ đó qua hai cửa ngách nhỏ để vào phía hông và lưng đại đình. Tả, hữu vu là nơi để sắp xếp lễ vật dâng lên Thành Hoàng và để cho bà con nghỉ chân trong dịp lễ hội, là nơi tiếp khách, đặt kiệu.

Sau hai trụ biểu nghi môn xây giữa sân gạch lớn ta bắt gặp một công trình kiến trúc mang ý nghĩa biểu tượng đó là phương đình. Phương đình được đặt trên một nền cao hơn so với sân đình là 20cm, nền lát gạch đỏ có kích cỡ 20×20 cm. Toà phương đình được xây dựng trên hệ thống cột gỗ lim, các cột được đặt trên những chân tảng kê bằng đá xanh. Toà phương đình làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Đỡ các mái nhỏ bên trên là 4 kẻ dài chạy từ cột cái tới nóc mái, 4 mái dưới được đỡ bằng những kẻ dài ăn mộng vào cột cái qua cột hiên trên kẻ đặt một ván gỗ dày để đỡ hoành. Các đầu kẻ chạm chìm hình mây, các đầu dư dưới xà thượng được trang trí đầu rồng râu xoắn, mắt lồi dữ tợn khá cầu kỳ và rất đẹp.

Tiếp theo, toà phương đình được nối liền bởi hệ thống ống máng là toà nhà đại đình. Đây là toà nhà có kết cấu hoành tráng nhất trong tổng thể kiến trúc của khu di tích. Toà đại đình được đặt trên một nền cao hơn toà phương đình là 40cm. Đại đình có kiến trúc theo kiểu liên hoàn với nhà tiền tế 5 gian và thiêu hương, hậu cung kết nối thành hình “chữ Đinh”. Giữa lối vào thềm đình hiện vẫn còn hai con rồng đá mang đậm phong cách thời Lê Trung Hưng. Tại đầu hiên tiền tế là tượng đắp nổi hai ông Hộ pháp Thiện – Ác đứng đối diện nhìn nhau.

Tồn tại cho đến nay, ngoài các công trình kiến trúc nghệ thuật, đình Phùng Khoang còn lưu giữ được một khối lượng di vật đồ sộ với nhiều thể loại, chất liệu khác nhau gồm: chín đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn, sớm nhất là vào năm Chính Hòa thứ 19 (1698), muộn nhất là ở thời Tự Đức 33 (1881) và trong đó có đạo sắc phong từ đời Vua Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài ra, còn có đỉnh đồng, nhang án và các mảng điêu khắc, chạm trổ rất tinh xảo, độc đáo. Hoành phi, câu đối trong đình ca ngợi công tích của Đức thành Hoàng còn giữ được khá nhiều. Một trong các câu đối tiêu biểu là:

Cố quốc nhất sinh tâm, Lý Đình hà niên suy mạc tận,

Sùng từ tam đại trận, La Thành thử địa trạc linh quang.

Dịch nghĩa:

Một tấm lòng vì nước cũ, ngôi đình thờ tướng quân triều Lý năm nào thôi không còn nữa,

Ba trấn lớn đền thiêng, La Thành đất tắm gội ánh sáng linh thiêng.

Đình Phùng Khoang không chỉ là một di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có giá trị về nhiều mặt, mà nơi đây còn là nơi gắn bó chặt chẽ với cảnh sắc và con người Phùng Khoang. Thời kì Cách mạng tháng Tám năm 1945, đình là nơi tổ chức mít tinh, cướp chính quyền trong xã. Nhân dân trong vùng đã tiến ra Hà Nội góp phần cướp chính quyền ở Bắc Bộ Phủ. Trong kháng chiến chống Pháp, đình còn là nơi hoạt động của cán bộ, du kích địa phương. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình là nơi bố trí một bộ phận đơn vị phòng không để bảo vệ đài phát thanh Mễ Trì và Khu công nghiệp nhẹ Cao – Xà – Lá (cao su – xà phòng – thuốc lá).

Lễ hội đình làng Phùng Khoang được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm. Mở đầu là đám rước long ngai Ngài thành Hoàng từ đình vòng quanh làng rồi lên chùa Thanh Xuân Tự để làm lễ, đến chiều cùng ngày lại rước về đình. Lễ hội đình làng Phùng Khoang không chỉ là lễ hội văn hóa dân gian, mang đậm phong tục, tập quán cổ truyền của dân tộc mà còn là lễ hội văn hóa tâm linh, đem nguồn ánh sáng trí tuệ và trung nghĩa của Thành Hoàng Đoàn Thượng Đông Hải Đại Vương đến với mọi người.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Phùng-Khoang.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh phung khoang.docx”]

Hits: 3194

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *