ĐÌNH ĐÔNG NGẠC

Đông Ngạc là một trong những làng cổ nhất Hà Nội. Làng còn được gọi là làng tiến sĩ do có nhiều người đỗ đạt cao. Đình làng Đông Ngạc đã tồn tại hơn 500 năm và đến nay vẫn lưu giữ bộ tranh sơn màu thời Lê hiếm có và độc đáo.

Tương truyền đình được xây dựng từ một ngôi miếu cổ, có từ thời nước ta còn chịu ách đô hộ của nhà Đường (Trung Quốc). Theo tấm bia trong đình có niên đại Dương Hoà nguyên niên (1635) cho biết, đình được xây dựng lại trên nền cũ, sau đó đến năm Mậu Tuất (1781) có tu sửa thêm. Đình tiếp tục được trùng tu tôn tạo dưới thời Lê Cảnh Hưng và thời Minh Mạng.

Đình làng Đông Ngạc thờ ba vị phúc thần là: Thần Độc Cước (cũng là vị thần được thờ ở đền Độc Cước, Sầm Sơn, Thanh Hoá). Lê Khôi, cháu gọi Lê Thái Tổ là chú ruột, có công phò vua Lê trong cuộc chiến chống quân Minh (1418 – 1427) và Thổ thần “bảo vệ chương hoà đôn ngưng thổ đại hiển trưng chi thần”.

Đình làng được xây dựng dựa trên thế rồng, cổng Tam quan ngoại chính là đầu rồng, hai giếng nước tròn chính là mắt rồng, và những mái đình sau đó là thân rồng. Xét về phong thủy, bên tả có một hồ nước, bên hữu có hòn non bộ.

Đình Đông Ngạc là một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh. Qua tam quan ngoài, vào tam quan trong có ba cửa thông suốt, một đường gạch thẳng vào sân rộng gần một sào (360m2). Hai bên hành lang mỗi dãy bảy gian. Đại đình có hai bái đường nội và ngoại, mỗi lớp chín gian, trung cung ba gian và hậu cung ba gian.

Ở bái đường có hai đôi hạc bằng đồng cao 2m cùng bộ ngũ sự (đỉnh, nến, bình hương…) cũng bằng đồng. Phía ngoài có đội hạc gỗ cao 3m trông uy nghi, lộng lẫy. Những đồ gỗ chạm khắc tinh xảo có ba bộ kiệu bát cống, một bộ đòn rồng, một long đình.

Tại đây cũng có biểu tượng người cầm bút và cầm vòng lửa tượng trưng cho truyền thống văn hiến và khoa cử. Tất cả đều sơn son thếp vàng rực rỡ. Một bình gốm nền đỏ vẽ tranh sơn thủy nhiều màu dùng đựng nước sông Hồng rước về lễ thánh. Nhà bia còn lưu giữ 7 tấm bia đá, có tấm cao 1,8m, rộng 1m, đặt trên lưng rùa.

Hằng năm, đình làng Vẽ tổ chức lễ hội vào tháng Hai âm lịch, rất trọng thể, trang nghiêm. Ngày mồng 9 diễn tập duyệt đội mũ, tối làm lễ nhập tịch. Ngày mồng 10 rước chính thức. Bốn cỗ kiệu nối tiếp nhau rước nước từ sông Hồng, rước hương án, rước long đình. Chân kiệu gồm 120 chàng trai cô gái, áo màu rực rỡ, đi đứng nhịp nhàng theo hiệu trống, chiêng, tù và. Đồ tế lễ là thủ lợn, xôi, gà, hoa quả.

Trong số các nghi lễ diễn ra trong ngày lễ có tục dâng lễ vật bằng những cây mía tím, lá còn xanh nguyên. Đám rước đi từ đình qua đê, rẽ vào chùa Tự Khánh rồi quay về, dài chừng 1000m. Người trên đê từ làng Chèm, làng Bạc, làng Gạ, làng Bỏi… về dự rất đông vui, nhộn nhịp.

Ngoài những trò chơi như cờ bỏi, chọi gà, đánh đu, bịt mắt bắt dê… còn có thả thơ, một nét đặc sắc của làng Vẽ văn hiến. Đó cũng là một trong những nét tiêu biểu đại diện cho văn hiến Thăng Long.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Đông-Ngạc.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh dong ngac.docx”]

Hits: 3251

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *