ĐỀN NÚI SƯA

Đền Núi Sưa được xây dựng vào thế kỷ XIX có độ cao 17,86m, tổng diện tích 6.481,0m2 nằm trên Núi Sưa trong khuôn viên Công viên Bách Thảo, phường Ngọc Hà. Đền thờ Huyền Thiên Hắc Đế – vị thần có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc. Năm 2015, Đền Núi Sưa đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc – nghệ thuật.

Thần tích làng Hữu Tiệp cho biết, trước thời Lý tương truyền ở khu núi Sưa huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên thuộc thành Thăng Long có một nhà hào trưởng nổi tiếng họ Lý tên là Phục, lấy vợ là Hoàng Thị Đức người bản khu. Vợ chồng gia sản giàu có, bản tính khoan hòa, tu nhân tích đức, hay cưu mang những người nghèo khó hoặc những kẻ sĩ bần hàn. Phàm những việc làm phúc cứu người không có việc gì không gắn sức làm. Chỉ có một điều vợ chồng đã ngoại tam tuần mà vẫn chưa có con, ông bà thường than thở với nhau: nhà ta tích đức đã nhiều năm, tuyệt nhiên không làm điều ác, nhân đó bà vừa khóc vừa nói, trời cao là thế, đất dày là thế, sao lại giáng họa đến nỗi này. Thế rồi vợ chồng bàn bạc: bây giờ phải tìm nơi nào có linh từ, phật tự cầu xin, thể nào trời cũng ban phúc cho. Nói xong, vợ chồng thành tâm biện lễ hương hoa, chay bàn, mang đến chùa Một Cột tiến cúng cầu ngày đêm đèn hương không dứt. Một hôm, trong chùa tối om, bỗng thấy trên điện có tia hào quang chiếu sáng rực rỡ ở một góc, hình tựa bó đuốc. Vợ chồng thấy thế sợ quá gục xuống bên ngoài án tiền. Bỗng trong người lâng lâng, mộng thấy một vị quan nhân râu tóc bạc trắng tay bế một đứa bé trai trao cho ông bà nói rằng: Đứa trẻ này là con thứ ba của Ngọc Hoàng, vì mắc tội đánh vỡ chén ngọc trên thiên đình nên phải giáng sinh xuống trần thế. Nay thấy nhà ngươi phúc dầy, Hoàng Thiên đã soi xét cho đầu thai vào làm con của các ngươi. Nói đoạn vợ chồng ôm lấy đứa bé, thấy vị quan nhân bay lên trời đi mất. Lúc ông bà tỉnh dậy biết đó là giấc mộng tốt lành. Ngay hôm đó, bà vợ thấy trong người bồi hồi khác lạ, vợ chồng cùng nhau lạy tạ trước chùa rồi trở về nhà. Được ba hôm bà vợ biết mình có thai, từ đó ăn uống chay tịnh.

Ngày 19 tháng Giêng năm Bính Dần, bà sinh một đứa bé mặt mũi khôi ngô giống y trong mộng, nước da ngăm đen tướng mạo khác người thường. Cậu bé có nước da bánh mật, năm lên ba, gia đình làm lễ đặt tên là Hắc Công, cũng trong năm ấy không may bà mẹ qua đời. Bố con cư tang ba năm rồi đi kiếm thầy dạy học. Hắc Công không chịu học chữ, chỉ ham cung nỏ, săn bắn, ngao du sơn thủy làm vui. Hằng ngày thường vào rừng leo lên núi Sưa chơi. Năm lên tám chẳng may trèo cao trên cây trượt ngã và hóa vào ngày 21 tháng Mười Một.

Dân làng thương xót những người chết trẻ bèn lập ban miếu thờ trên núi, dân lễ bái đông vì cầu sao ứng vậy. Khi Vua Lý Thánh Tông dẫn quân đi dẹp giặc Chiêm ở biên giới phương Nam, đêm nằm mộng thấy có cậu bé nước da đen xin đến phò Vua cứu nước. Khi vào trận Vua thấy có đám mây đen bao phủ bầu trời, che kín mắt quân thù.

Trận đại thắng góp phần giữ yên nước Đại Việt. Vua cho là giấc mộng ứng với giấc mơ gặp thiên sứ, bèn ban cho trang Hán Xuân 100 quan tiền, xây lại miếu trên núi Sưa, ban cho Huyền Thiên Hắc Đế là thượng đẳng phúc thần, các nơi trong vùng hương khói thờ tự.

Đền Núi Sưa hiện còn bảo lưu được hệ thống bia đá gồm 4 tấn mang giá trị lịch sử văn hóa, khoa học nghệ thuật. Văn bia là loại thư tịch, có niên đại rõ ràng, có giá trị như những tác phẩm văn học nghệ thuật, chứa đựng thông tin nhiều mặt về lịch sử, kinh tế, xã hội đương thời, không chỉ có giá trị trong quá khứ mà còn cả trong hiện tại. Bia đá chính là sự khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong quá trình tồn tại, phát triển lâu dài đó, đền Núi Sưa còn mang giá trị chung trong tổng thể hệ thống các di tích trong vùng. Với một cảnh quan tôn nghiêm và mang đậm không gian truyền thống, cùng với đình Ngọc Hà, đình Hữu Tiệp trong cộng đồng Tam Giáp, đền Núi Sưa sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa, du lịch trên tuyến tham quan các di tích trong khu vực “Mười ba làng trại” và khu vườn sinh thái Công viên Bách Thảo.

Lễ hội Núi Sưa là hội của 3 làng cổ (Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Xuân Biểu) đều thờ chung một thần Hoàng làng là Đức Huyền Thiên Hắc Đế. Ông có công phò trợ Lý Thánh Tông đánh giặc Chiêm Thành. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày sinh của ông 19/1 âm lịch.

Lễ hội được diễn ra vào sáng sớm với màn tế lễ của các cụ cao niên. Trong bộ trang phục tế rất oai nghiêm, các cụ đứng trước sân đền tuyên biểu tấu với Thần về những việc dân làng đã làm được trong năm và xin thần phù hộ độ trì cho bình an, mưa thuận gió hòa để nhân dân hưởng an vui, và làm ăn phát đạt. Sau màn tế lễ là màn rước kiệu của cả ba làng. Các chàng trai cô gái trong trang phục cổ truyền thống người cầm cờ, cầm hoa, người múa diễu đoàn đi trước. Sau đó là kiệu được các chàng trai khỏe mạnh khiêng, tiếp đó là các cụ bô lão bước theo sau với nét mặt phấn khởi vui mừng như để báo công với Thần hoàng.

Trong dịp lễ hội có nhiều trò chơi tiết, mục biểu diễn văn nghệ như hát chèo, đánh cờ người, đấu võ, chọi gà được nhân dân trong 3 làng cũng như các vùng hưởng ứng tham gia. Lễ hội là một trong những lễ hội tiêu biểu của 3 làng trại trong 13 trại cổ vẫn còn tồn tại và phát triển đến ngày nay.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đền-Núi-Sưa.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: den nui sua.docx”]

Hits: 7228

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *