ĐỀN HƯƠNG TƯỢNG

Đền Hương Tượng vốn là miếu thờ Nguyễn Trung Ngạn, xưa thuộc phường Giang Khẩu (Hà Khẩu), tổng Hữu Túc (Đông Thọ), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, ngày nay là số 64 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đền Hương Tượng trước kia thuộc giáp Hương Tượng nằm ở ngã ba sông Tô Lịch – Nhị Hà, một địa danh nổi tiếng của vùng đất kinh kỳ, trên bến dưới thuyền nhộn nhịp. Hồi ấy không chỉ có thương nhân tứ trấn mà còn nhiều người nước ngoài đến đây làm ăn buôn bán. Sự có mặt của ngôi đền cùng các di tích khác ở xung quanh đã chứng minh sự đa dạng văn hóa của cộng đồng dân cư sinh sống tại đây.

Các nguồn tư liệu Hán – Nôm hiện còn được bảo quản tại đền như thần tích, sắc phong, hoành phi, câu đối… cho biết đền Hương Tượng thờ Nguyễn Trung Ngạn  – một nhân vật nổi tiếng dưới triều Trần. Làm quan trải 5 đời vua đến chức Đại học sĩ, Trụ quốc khai huyện bá, Thân quốc công, ông từng là Đại doãn kinh sư. Nguyễn Trung Ngạn là một nhà chính trị, một nhà văn có tài, để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho đời như “Giới hiên thi tập”, “Ma Nhai kỹ công bi”, “Hoàng Triều đại điển”, “Hình thư”. Hiện nay, thư viện Khoa học Xã hội còn giữ một tập thơ chép tay từ cuốn sách in năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775) với nhan đề “Vựng tập Giới hiên thi cảo toàn trật”. Tập thơ của ông được chép toàn bộ trong “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn.

Theo tấm bia “Hương Tượng giáp trùng tu bi ký” dựng năm Ất Dậu niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 (1825) thì “… Miếu Đại vương áo tía của giáp ta được sáng lập từ triều Trần đến nay hơn 400 năm, tưởng rằng từ khi các bậc tiên hiền của giáp ta bỏ tiền của ra làm, phía trong là thần điện, trước thần điện là trung điện, trước trung điện là tiền điện liền nhau đều là 3 gian. Bên ngoài là cửa, xung quanh xây tường gạch, giáp ta quanh năm thờ cúng…”.

Khi nói về đợt trùng tu năm Giáp Thìn, niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904), tác giả văn bia cho biết thêm: “Ngôi đình của giáp ta sáng lập từ triều Trần, trang nghiêm rộng rãi. Phía trên để thờ các vị phúc thần, phía dưới để thờ các vị anh hùng dân tộc…”.

Như vậy, qua các nguồn tư liệu thư tịch cổ nói trên, có thể thấy di tích đền Hương Tượng được khởi dựng từ thời Trần. Trải qua các triều vua đều được ban sắc phong thần và được trùng tu sửa chữa nhiều lần trong các năm: Vĩnh Hựu thứ 3 (1737), Gia Long (1802 – 1820), Minh Mệnh thứ 6 (1825), Tự Đức (1848 – 1883), Thành Thái thứ 16 (1904). Diện mạo của ngôi đền hiện nay mang dấu vết của lần trùng tu dưới thời Nguyễn.

Đền Hương Tượng được xây dựng theo hướng đông – tây, trông ra phố Mã Mây. Các công trình kiến trúc của đền được tập trung trong một khoảng không gian thoáng mát, ẩn mình dưới gốc cây si già cổ thụ quanh năm tán rủ um tùm. Các bộ phận cấu thành di tích bao gồm: một cổng nhỏ phía trước, sân gạch phía sau, tiếp theo là khu kiến trúc chính. Đền có quy mô kiến trúc kiểu chữ “Tam”, gồm tiền tế, trung đường và hậu cung. cả ba nếp nhà này đều bố cục mặt bằng một gian hai dĩ, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai.

Cấu trúc bộ khung gỗ nhà tiền tế bao gồm hai bộ vì chính được làm thống nhất theo kiểu giá chiêng. Mỗi vì có kết cấu mặt bằng theo lối 4 hàng, chân được kê trên các chân tảng đá xanh hạt mịn, hình lục lăng.

Trung đường nối tiền tế và hậu cung có ranh giới giữa các mái làm khít nhau, phía dưới là hệ thống máng thoát nước. Nhà có mái lợp ngói ta, dựng bán mái. Hai bộ vì giữa có kết cấu kiểu vỏ cua trang trí mặt hổ phù. Lối kết cấu này thường gặp ở các kiến trúc tôn giáo chịu ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa. Điều đó cũng góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu kiến trúc dân gian ở thủ đô Hà Nội.

Hậu cung có phần mái cao vượt lên so với trung đường khoảng 50 cm, thể hiện sự trân trọng đối với nơi toạ lạc của thần. Nhà có 4 bộ vị được làm thống nhất theo kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” được kẻ soi, bào trơn trông rất nhẹ nhàng. Chính giữa hậu cung là một sàn gỗ cao 148cm, rộng 240 cm, ván bưng ba mặt, bên trong bài trí long ngai bài vị thờ thần Nguyễn Trung Ngạn có mỹ tự là Tử Y Đại vương.

Nhìn chung, kiến trúc đền Hương Tượng chủ yếu mang phong cách thời Nguyễn. Các mảng trang trí được tập trung trên các bức cốn, đầu dư, đầu xà, đấu kê, tất cả đều được chạm trổ dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đền Hương Tượng hiện còn bảo lưu bộ sưu tập di vật văn hoá lịch sử phong phú, trong đó bao gồm 6 đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1783), Chiêu Thống thứ nhất (1787), Quang Trung thứ tư (1791), Cảnh Thịnh thứ nhất (1793), Tự Đức thứ 18 (1865) và Khải Định thứ chín (1924).

Hệ thống bia đá cổ gồm 7 tấm, bia sớm nhất có niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 3 (1737). Đặc biệt tấm bia niên hiệu Minh Mệnh thứ sáu (1825) có nội dung ghi việc xây dựng ngôi đền. Qua nội dung của bài văn bia, ta có thể thấy cả một kho tư liệu với những tên người, tên đất, ngoài sự kiện cụ thể của các danh nhân ở địa phương. Ngoài phương diện đó, bia còn có giá trị về nghệ thuật chạm khắc, tạo hình và thư pháp qua các thời kỳ lịch sử. Nó còn là chứng cứ tỏ rõ sắc thái của một vùng đất có truyền thống văn hoá lâu đời.

Đền Hương Tượng hiện nay không chỉ là di tích có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật mà còn là một điểm văn hoá hấp dẫn trong tuyến tham quan du lịch khu phố cổ Hà Nội.

 [embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đền-Hương-Tượng.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: den huong tuong.docx”]

Hits: 1622

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *