CHÙA NHỔN

Chùa Nhổn tên chữ là Càn Phúc Tự, ở phố Tu Hoàng, phường Xuân Phương 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Thôn Tu Hoàng trước đây thuộc xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm ở ngoại thành Hà Nội, dân cư sống chủ yếu bằng nghề nông, đường xá giao thông còn chưa thuận tiện. Gần đây làng xóm đã hầu như hoàn toàn đô thị hoá và càng ngày càng có nhiều người biết đến ngôi chùa Nhổn, đặc biệt từ khi quốc lộ QL32 (Hà Nội – Sơn Tây) hoàn thành việc mở rộng và nâng cấp.

Tam quan chùa Nhổn xây theo phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn. Sau cổng là con ngõ lát gạch với hai hàng cau chia thành ba làn đường chạy dọc hồ bán nguyệt nhỏ và dẫn đến hông bên trái chùa chính. Du khách bước tới đây sẽ nhìn thấy toà tam bảo ở trước mặt trong một khuôn viên khá rộng rãi và thoáng đãng, nổi bật mấy cây cổ thụ có tán lá xanh quanh năm rất đẹp.

Chùa chính nhìn về hướng tây-nam. Các công trình Phật giáo bao gồm tiền đường, thượng điện, hành lang, nhà Tăng và hậu đường đều được xây kề với hai sân gạch ở phía trước và phía sau toà tam bảo. Trên tường ngoài đầu hồi chính điện có gắn một số bia đá cổ, kích thước khiêm tốn.

Tiền đường rộng 3 gian 2 dĩ và thượng điện 3 gian nối với nhau thành hình chữ “Đinh”. Bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy”. Các kết cấu gỗ chủ yếu bào trơn đóng bén hoặc chạm khắc hoa lá đơn giản. Nói chung các hiện vật quý nhất đều vẫn còn lưu giữ được trong toà tam bảo.

Một dãy hành lang dài mới xây, kéo từ cánh bên phải tiền đường xuống nhà Tăng rồi nối với đầu hồi bên phải hậu đường. Hậu đường rộng 5 gian 2 dĩ dùng để thờ Tổ. Đối diện hành lang qua sân sau là một phương đình nhỏ với tượng Bồ tát Quán Thế Âm đứng bên trong. Cạnh phương đình có vườn tháp mộ của các bậc trụ trì tiền bối đã được tôn tạo từ mấy năm gần đây.

Chùa Nhổn đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 22-4-1992. Ngoài những hiện vật thông dụng như ngựa gỗ, chuông đồng,… trong chùa còn lưu giữ được một hệ thống tượng Phật khá phong phú và có phong cách độc đáo.

Đáng chú ý trong số di vật là hai bộ tượng Phật Di Đà Tam Tôn và Hoa Nghiêm Tam Thánh. Các pho tượng được tạc trong tư thế ngồi bán kiết già trên tòa sen, nếp áo có nhiều nét mềm mại. Trên ngực, bụng, vai và mũ có những bông hoa cúc nở to được chạm nổi hết sức cầu kỳ. Vẻ mặt các pho tượng từ bi và tạo nên cảm giác ẩn chứa sức mạnh siêu hình.

Mấy năm gần đây vị sư bà trụ trì chùa đã thuê thợ sửa sang nhà Tổ, ban thờ Mẫu, lầu Bồ tát Quán Thế Âm, tôn tạo vườn tháp mộ và sơn thiếp lại các tượng Phật…, ngoài ra đã làm thêm một số hoành phi, câu đối và cửa võng. Nhà chùa hiện nay thỉnh thoảng còn tổ chức tiệc chay với hàng trăm Phật tử tham gia.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Chùa-Nhổn.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua nhon.docx”]

Hits: 1121

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *