CHÙA BÀ ĐÁ

Chùa Bà Đá vốn là một ngôi đền thời Lê, sau đổi thành chùa, tên chữ là Linh Quang Tự và Sùng Khánh Tự, có địa chỉ ở số 3 phố Nhà Thờ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chùa Bà Đá đã trải qua mấy trăm năm và nhiều lần sửa chữa nên hiện nay chỉ còn giữ được một số cổ vật. Pho tượng Phát Lâm (tượng có nụ cười yêu đời) từng được coi là một trong “tứ khí” của Hà Nội đã bị mất từ lâu. Rất may rằng vẫn còn nguyên vẹn một khánh đồng đúc năm 1842, hai chuông đồng đúc năm 1873 và 1881, tất cả đều thuộc phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Đặc biệt trong chính điện có hai bộ tượng lớn bằng gỗ mít phủ sơn rất đẹp, tạc hình đức Phật Thích Ca niêm hoa với các tôn giả A-nan, Ca-diếp đứng hai bên, rồi đến Phật A-di-đà tọa sen với hai bồ tát Quan Âm và Đại Thế Chí cũng đứng tương tự. Mặt các vị đầy đặn từ bi, mi hơi khép, tư thế thanh thản thoát tục nhập thiền. Từ mái tóc “ốc bụt”, vành mũ, bông sen, bình nước, quyển kinh v.v. đến những nếp áo mềm mại và ngón tay thon thả ở vị trí khác nhau tất cả đều toát lên kỹ thuật tinh tế thượng thừa của các nghệ sĩ điêu khắc tài hoa thời xưa.

Mặt chùa Bà Đá nhìn về hướng bắc qua một con ngõ hẹp áp tường nhà dân, bởi vì mảnh đất ở hai bên đã bị mất từ khi người Pháp xây phố Nhà Thờ vào cuối thế kỷ 19. Khuôn viên chùa cũng bị thu hẹp và không còn cổ thụ. Sau đợt trùng tu 2011- 2013, chùa đã định hình với mặt bằng xây dựng kiểu “nội Công ngoại Quốc” và vẫn giữ phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.

Chùa có quy mô khá lớn với 5 gian tiền đường và 4 gian thượng điện thờ Phật, cùng 5 gian nhà thờ Tổ, thờ Mẫu ở phía sau. Sau khi chùa được dựng lại, các gian đều rộng hơn xưa, các tháp mộ cũng sửa sang như mới; nhưng khu vực sân, vườn vốn không còn nhiều sau khi xây trường Phật học và trụ sở Thành hội Phật giáo nay lại càng hẹp do có thêm hai nhà tả hữu mạc.

Đợt trùng tu này đã mở rộng và tôn cao nền các tòa nhà, số cột gỗ lim cũng tăng lên nhiều. Tiền đường thông hoàn toàn với thiêu hương, tạo thành một Phật đường lớn để giảng kinh và hành lễ, mặc dù thượng điện vẫn kết nối với hậu cung theo kiểu truyền thống. Ở bên ngoài, hai dãy hành lang kéo xuống giáp tòa hậu đường thờ Tổ và thờ Mẫu, làm nên một khối kiến trúc tổng thể khá vuông vắn.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Chùa-Bà-Đá.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua ba da.docx”]

Hits: 595

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *