ĐÌNH NAM ĐỒNG

Đình Nam Đồng thờ Thành hoàng làng Nam Đồng là Lý Thường Kiệt, vị anh hùng dân tộc ở thế kỷ XI, đã phá Tống bình Chiêm bảo vệ đất nước. Đình nằm sát lề phố Nguyễn Lương Bằng, thuộc phường Nam Đồng trên khu đất rộng, quay mặt hướng tây bắc, phía ngoài là tam quan với 4 trụ lớn, các mặt trụ đều có câu đối, trên là ô vuông lồng đèn, lân và tứ linh. Đình đã được công nhận di tích lịch sử – văn hóa năm 1991.

Đình Nam Đồng gồm đại đình và hậu cung. Đại đình 5 gian, gian giữa lớn, các gian bên hẹp hơn. Tường xây 3 mặt, phía trước làm hệ thống cửa chấn song lớn, sát đầu hồi là 2 cửa ra vào theo kiểu bức bàn. Gian giữa có 3 cửa lớn kiểu thượng song hạ bản, phía dưới chạm nổi 6 chữ Thọ kiểu cái đỉnh. Toà hậu cung 3 gian, 2 chái cách đình chính 4m, là nơi thờ Lý Thường Kiệt. Nối liền đại đình với hậu cung có 1 nhà mới dựng, kiến trúc bình thường.

Đặc điểm của đình này là kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc. Bộ vì nóc gian giữa trên đỉnh là 1 con phượng lớn xoè cánh múa, tư thế rất khoẻ, ở mặt ngoài bên phải lại hiện lên 1 rồng chạm thân to, đầu nổi khối. Dưới quá giang là đầu dư hình đầu rồng, vừa là con chèn, các đầu dù đều chạm long kiểu tượng tròn, từ mắt và mang rồng bay ra phía sau những dải đao chạm lộng. Bộ vì nóc gian bên chạm rất kỹ, nổi khối hình bông sen nở, nhưng lại là mặt hổ phù ngậm chữ Thọ khá độc đáo, dưới hổ phù là phượng múa trong mây. Trang trí trên các cốn lấy chủ yếu đề tài là rồng nhưng đã được biến hoá phối hợp với sen, đồi mồi, hươu, cá chép, long mã, lão mai…

Ngoài ra, còn tứ linh ở bên các kẻ hiên chầu vào hậu cung… Hình thức chạm khắc kiến trúc rất đa dạng đạt giá trị nghệ thuật cao. Bài trí trong hậu cung có ngai, bài vị của Thành hoàng, gian giữa đại đình là bệ thờ có các đồ thờ tự, ngai thờ. Đình còn 8 tấm bia đá có niên hiệu từ Cảnh Hưng thứ 17 (1756), Cảnh Hưng 32 (1771), đến Gia Long 14 (1815), Minh Mệnh 24 (1843)… Đây là quả chuông xác định quê hương của Lý Thường Kiệt và sự nghiệp của ông.

Cũng tại phường Nam Đồng, còn có chùa Nam Đồng hay mang tên chữ Càn An Tự. Chùa được xây dựng vào năm Đại Định thứ 2 (1141) triều vua Lý Anh Tông do công chúa Thành Dương cùng thập phương tiến cúng. Theo tấm bia Sáng tạo Càn An tự bi ký dựng năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) thì vào năm 1612, vị Tăng Thống ở ty Tăng Lục là Nguyễn Nhân tự Pháp Tạng cho dựng lại chùa với quy mô lớn, diện tích khoảng 2 mẫu. Năm Chính Hòa thứ 18 (1697), chùa được đại trùng tu, xây lại tam quan, gác chuông, tiền đường, chánh điện.

Tam quan chùa xây kiểu nghi môn, cửa giữa có 2 tầng với lớp mái giả bằng vôi vữa. Hai bức tường nối với tả hữu nghi môn cũng có mái giả bằng vôi vữa, cửa bịt kín. Tiền đường có 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, vì kèo kiểu giá chiêng. Mặt ngoài tiền đường có mái hiên rộng đè lên kẻ cong cổ ngỗng ăn qua mộng cột quân. Phần trang trí tập trung ở hệ thống kẻ chạm với hình lão cúc hóa long độ cuốn thư. Cửa vòng chạm tứ linh trổ thủng trên nền hoa sen và mây cuốn rồng chầu mặt trời…

Ở Phật điện, đáng lưu ý nhất là các pho tượng Tam Thế, nhục khối nổi cao, mặt phúc hậu. Đài sen chạm khắc tỉ mỉ hoa cúc, sen và vân soắn, thân bệ tượng chạm vân soắn cách điệu và long mã đang phi trên dòng đại thủy. Pho Quan Âm và Đại Thế Chí tạc trong thế đang đứng, đầu đội mũ tì lư, trên nền cúc mãn khai, tượng dáng tự nhiên, thuần hậu. Ngoài ra, chùa còn có 5 bộ cửa võng rất trau chuốt và một cỗ kiệu, đều sơn son thếp vàng, mang phong cách cuối thế kỷ 18… Chùa còn có các bản ván kinh bằng gỗ, khu bảo tháp phụng thờ các vị cao tăng trụ trì như Thiền sư Bản Tịnh, Tăng thống Nguyễn Nhân, Thiền tăng Đạo Thành, Thiền sư Hải Bật…

Trải qua thời gian, đình – chùa Nam Đồng có phần xuống cấp nên tiếp tục được trùng tu vào các năm khác nhau. Gần đây, năm 1993, chùa sửa tam quan, năm 1995 trùng tu nhà Tổ, nhà Mẫu. Chùa hiện lưu giữ được nhiều tượng cổ và pháp khí, như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Bồ tát Quan Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, những bia đá, đại hồng chung… Chính quyền và nhân dân cũng đóng góp, cùng xây dựng đình Nam Đồng ngày càng khang trang và ý nghĩa hơn. Trong đó, đặc biệt phải kể đến quả chuông đúc đời Chính Hòa (1687) được UBND xã Ngọc Thụy (Gia Lâm) kính tặng. Cùng bức tượng Lý Thường Kiệt, bức hoành “Thánh cung Vạn Tuế” do người dân và Ban liên lạc hưu trí phường Nam Đồng dâng tặng.

Hàng năm, cứ đến các ngày mồng 5 tháng Giêng (mồng 5 Tết), 17 tháng 2 và mồng 7 tháng 3, người dân địa phương lại tưng bừng mở hội. Ngày mồng 5 Tết, các vị bô lão và dân làng tổ chức rước kiệu xuống gò Đống Đa tham dự lễ hội tưởng nhớ anh hùng dân tộc Quang Trung. Ngoài ra, mười hai năm một lần khi hội Láng mở đại hội, dân làng Nam Đồng lại tổ chức rước kiệu xuống chùa Chiêu Thiền thờ Từ Đạo Hạnh… Chính hội của dân làng vào ngày 17 tháng 2 đầu xuân. Khách mời đông vui có các làng cùng thờ danh tướng họ Lý như Bắc Biên (Gia Lâm), Cơ Xá Nam (phường Nguyễn Huy Tự)… về dự hội. Hội có tế lễ, hát chèo, võ vật… Đặc biệt, trong hội lại vang lên khúc hát văn xao xuyến ca ngợi võ tướng Lý Thường Kiệt, một tài năng kiệt xuất của triều Lý:

Lý Thường Kiệt là hiền thần

Đuổi quân nhà Tống, phá quân Chiêm Thành

Tuổi cao phỉ chí công danh

Mà lòng yêu nuớc trung thành không phai.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Nam-Đồng.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh nam dong.docx”]

Hits: 1313

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *