ĐÌNH KIM LIÊN

Đình Kim Liên được xây dựng tựa lên một gò đất cao nhất vùng cũng là nơi mở ra ô Kim Hoa (còn gọi là ô Đồng Lầm), cửa ngõ giao lưu giữa vùng Sơn Nam về với Kinh thành. Nay, đình thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa. Đình còn có tên là đền Kim Liên hoặc đền Cao Sơn (gọi theo tên làng – theo tên vị thần được thờ). Văn bản cổ nhất về di tích này (niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 năm 1510) gọi nguyên tên đình là “Cao Sơn đại vương thần từ” (đền thần Cao Sơn đại vương).

Từ ngoài vào là một cổng xây trụ biểu, đỉnh trụ đều có đặt con nghê gốm quay mặt vào nhau, phía dưới là những ô lồng đèn trong đó đắp nổi các hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Phía sau cổng là 1 sân gạch rộng, có 2 dãy giải vũ đều 3 gian, kiểu vì kèo quá giang. Quần thể kiến trúc được xây dựng trên khu đất rộng phía trước gò. Kiến trúc chính của di tích nằm trên gò cao, bao gồm tam quan và đền thờ thần. Chín bậc gạch cao được xây bằng những viên gạch vồ có kiến trúc lớn của thời Lê Trung hưng, nối kết bộ phận kiến trúc phía ngoài với phần kiến trúc chính ở trên gò. Hai bên bậc thềm, ở sát sân gạch, đặt 2 sấu đá thời Lê, hướng ra phía cổng ngoài. Đi lên hết các bậc thềm, ta gặp tam quan đền Cao Sơn, đó là 1 nếp nhà 3 gian xây kiểu tường hồi bít đốc. Bốn bộ vì đỡ mái, được làm theo kiểu chồng rường, giá chiêng, cột trốn. Các con rường được trang trí bằng kỹ thuật chạm nổi các hình mây cuộn, câu đầu và 2 bẩy của hai vì ngoài được trang trí phượng hàm thư, long mã, rồng chạm bong kênh, chạm lộng nhiều lớp. Tuy có niên đại thời Nguyễn, song các hình trang trí này đều được thể hiện sinh động, công phu.

Đền chính có kết cấu hình chữ đinh gồm bái đường và hậu cung. Tòa bái đường, qua thời gian dài tồn tại, đến nay chỉ còn dấu vết để lại, là một nền đất cao và những hàng đá tảng kê chân cột to, dầy. Kiến trúc đền Kim Liên xưa chỉ còn lại tòa hậu cung 3 gian xây gạch trần, mái lợp ngói ta. Trong hậu cung đặt 2 long ngai và 10 pho tượng từ điện Mẫu của chùa Kim Liên ở cạnh đưa tới. Gian cuối cùng của hậu cung là nơi thờ Cao Sơn đại vương và hai nữ thần phối hưởng (là “Thủy tinh đệ tam tôn nữ Đông hổ trưng vương mẫu” và “Huệ minh phu nhân”). Long ngai  thờ thần Cao Sơn có kích thước lớn, chạm khắc tinh vi, được làm theo kiểu chân quì dạ cá, các lớp trên chạm thủng hoa dây, là một hiện vật quý, hiếm. Đặc biệt còn có 2 tấm bia đá, quan trọng nhất là tấm bia bằng đá xám mịn, cao 2,43m, rộng 1,57m, dầy 0,22m, trán bia trang trí hình rồng uốn khúc yên ngựa, bờm lửa đặc trưng của thế kỷ XVIII. Bia mang tên “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh”, văn bia do sử thần Lê Tung soạn năm 1510, nói về công lao của thần Cao Sơn trong việc ngầm giúp vua Lê dành lại ngai vàng từ tay ngoại thích. Bên cạnh còn 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn đại vương, trong đó có 26 đạo thời Lê Trung hưng, 13 đạo thời Nguyễn, sớm nhất là sắc niên hiệu Vĩnh Tộ 2 (1620).

Bốn câu đối khẳng định việc thờ thần Cao Sơn tại đây. Thần Cao Sơn có sự tích nằm trong hệ thống huyền thoại thời dựng nước và giữ nước đầu tiên được thờ ở rất nhiều nơi, trong địa bàn tụ cư của người Việt cổ. Truyền thuyết về Cao Sơn đại vương rất phong phú và ngày càng được lịch sử hóa. Sớm nhất, là chuyện kể về thần Cao Sơn là con Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, một trong 50 người con theo mẹ lên núi. Vị thần thứ hai được thờ trong đền là Tản Viên Sơn thánh. Đến thời Lê thần Cao Sơn đã được lịch sử hóa, có tên gọi và quê quán. Đó là Nguyễn Hiền, cùng với em ruột là Nguyễn Sùng (tức là thần Quí Minh), đều là con người chú ruột của Sơn Tinh Nguyễn Tuấn. Họ là người ở trang Thanh Uyên (nay là xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).

Đầu thời Lê Trung hưng, Cao Sơn đại vương được đặc biệt đề cao, do có công phù trợ vua Lê giành lại ngai vàng. Bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh tự” dựng năm Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 33 (1772) khắc lời văn của sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ niên hiệu Hồng Thuận 3 (1510) cho biết: Khi vua Lê Tương Dực dấy quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của vua Lê Lợi, có 3 vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ, Nguyễn Văn Lữ thụ mệnh đem quân đi chinh phạt, đến địa phận huyện Phụng Hóa (Nho Quan) thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ mang 4 chữ “Cao Sơn đại vương”, thì lấy làm kinh dị, bèn khẩn cầu được thần phù trợ, quả nhiên 10 ngày đã thành công. Vì thế, vua Lê Tương Dực cho xây dựng lại đền thờ, và tấm bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” vốn ở huyện Phụng Hóa, đến đời Hoằng Định (1600-1619) lại nổi lên bến Bồ Đề và được dân phường Kim Liên kéo đưa rước về đặt ở di tích như ngày nay.

Đình mang uy danh của thần Cao Sơn nên lễ hội rất náo nhiệt. Trước đây, lễ hội đình Kim Liên thường diễn ra từ ngày 11/3 đến 16/3 âm lịch nhưng nay chỉ gói gọn trong hai ngày 15 – 16/3 và lễ hội chính là ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm (ngày sinh của Thần), sau giỗ tổ Hùng Vương. Ngoài lễ chính còn các lễ Sóc Vọng hàng tháng, lễ Kỳ An và lễ hoá vào ngày 12 tháng 8. Những ngày này rất tưng bừng. Sáng ngày 15 diễn ra hội cắt tóc với các tay thợ trẻ vào cuộc đua tài trước sự “giám sát” kỹ lưỡng và công bằng của một ban giám khảo toàn các bậc cao niên có uy tín và tay nghề trong làng.

Trống điểm ba hồi, các anh thợ trẻ dong gương ghế “vào xới” khoe tài. Từ cách choàng khăn đến cách cầm kéo, khua kéo, những đường cắt tỉa… và sau cùng là thời gian để hoàn thành một kiểu đầu đều được chấm điểm một cách tỉ mỉ. Bởi làng Kim Liên này xưa nay vẫn nổi tiếng với những “tay thợ” vừa cắt tóc, vừa múa kéo như một thứ nghệ thuật với những tiếng lách cách đều đặn và vui tai, cả cách quàng khăn đúng theo chiều gió vừa để giữ gìn sức khoẻ cho người cắt tóc, vừa thể hiện phong cách diệu nghệ và cũng để quảng bá và phát triển một làng nghề truyền thống của người Hà Nội. Sau cuộc thi là các trò chơi đẩy gậy, đập niêu… buổi tối là liên hoan ca múa nhạc.

Trong ngày chính hội (16/3), 6 giờ sáng người làng đã làm lễ Tế ở chính điện. Các bậc “bô lão” trong đội tế nam của làng thành kính đứng trước sân đình Tế Cáo với Thượng Đẳng thần Cao Sơn Đại Vương, “mở lối đi linh thiêng” để người dân bước vào ngày chính hội 16/3 âm lịch cùng những đại lễ bái rất bài bản của đội tế lễ mũ mão cân đai chỉnh tề. Vang vọng và linh thiêng còn ở tiếng thỉnh chiêng trống dứt khoát và “nặng cái tâm”…  Sau đó lễ dâng hương kính cẩn diễn ra trước sân đình.

Theo người dân sống lâu năm gần Đình Kim Liên: Sau phần lễ, các dòng họ lần lượt dâng những mâm cỗ cầu kỳ tái hiện ẩm thực của người Hà Nội. Đã từng có những mâm cỗ 7 tầng chất ngất, đẹp như một tác phẩm nghệ thuật nhưng mang đầy đủ ý nghĩa của mối giao hoà giữa con người và trời đất, có những mâm cỗ “khắc” ông Lã Vọng áo tơi nón lá ngồi câu cá bên bờ ao mà tất cả chỉ bằng xôi và gà… Để làm được mâm cỗ ấy, người ta phải cầu kỳ chuẩn bị cả tháng trời. Tiếp sau đó là lễ rước với 4 kiệu: kiệu long đình, kiệu ông, kiệu bà và kiệu võng, người dân theo địa phận của làng đi từ phố Kim Hoa đến Đào Duy Anh rồi trở về đình Kim Liên tạo nên một hình ảnh rất đẹp.

Lễ hội thu hút đông đảo người dân không chỉ khu vực gần Đình Kim Liên mà còn là nhân dân Thủ đô tới tham dự. Lễ hội còn có nhiều trò chơi truyền thống như: chọi chim, cờ người, bóng bàn, thi đấu võ thuật… Việc tổ chức những trò chơi như thế này đã góp phần quảng bá thêm về lễ hội Đình – Đền Kim Liên, cũng như bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Với kiến trúc độc đáo và lễ hội đầy màu sắc, có thể nói, cùng với thần Bạch Mã ở đền Bạch Mã, thần Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, thần Linh Lang ở đền Thủ Lệ đã họp thành “Thăng Long tứ trấn” – nổi tiếng của trấn phía Nam Kinh thành Thăng Long xưa.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Kim-Liên.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh kim lien.docx”]

Hits: 2275

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *