ĐÌNH PHÚ GIA

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 13 km về phía Tây bắc, Đình Phú Gia hay còn gọi là đình Khai Nguyên, quán Già La là nơi thờ phụng, tưởng niệm về một vị tướng thời Hùng Vương có công đánh giặc cứu nước đem lại cuộc sống no ấm hạnh phúc cho nhân dân.

Theo sử sách, làng Phú Gia (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) từ lâu đã suy tôn thần Khai Nguyên, một tướng thời Hùng Vương thứ 6 có công đánh giặc Ân giữ nước, làm thành hoàng làng. Tương truyền ngài còn có công trị nạn hồng thủy, đem lại bình yên, hạnh phúc cho dân lành và được vua ban 12 đạo sắc, phong làm Thành hoàng làng với 12 chữ “Cứu nước, cứu dân, âm phù, dương trợ, dân tình yên ổn”.

Căn cứ theo cuốn thần tích, sắc phong và truyền thuyết dân gian còn lưu giữ tại đình Phú Gia: “Tương truyền vị tướng đời thứ 6 của Vua Hùng, có tên húy là Như hay còn gọi là “Thần Bà Già” tục gọi là thần Khai Nguyên trên đường đi đánh giặc Ân bị giặc chém vào cổ ngả đầu về một bên vẫn phi ngựa về làng. Đến đoạn vườn Hồng, nơi có cây đa to cạnh quán nước, ngài bèn hỏi bà hàng nước: “Cổ tôi thế nay liệu còn sống được không?”. Bà hàng nước xem và trả lời: “Ngài có là người nhà trời mới sống được!”. Sau đó ngài phi ngựa đi được một quãng về đến đầu làng Phú Gia thì chết, sau khi chết dân làng Phú Gia lập đền thờ để ghi nhớ công lao. Câu chuyện đó còn truyền tụng ở địa phương cho đến ngày nay, đặc biệt có chi tiết người làng Phú Gia nói kiêng từ chết thành là “chít” cũng từ đó.

Sách “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên có đoạn viết: Thời Khai Nguyên (713-739) nhà Đường có thứ sử Quảng Châu là Lư Hoán sang đô hộ nước ta đóng ở thôn An Viễn khoảng giữa 2 huyện Long Đỗ và Từ Liêm. Một hôm đi chơi thấy chỗ đất này bằng phẳng rộng rãi, cây cối tốt tươi, có sông Già La tổ sơn dẫn mạch, địa thế tuyệt đẹp. Lư Hoán liền sai lập phủ lỵ và dựng đền giữa thờ Huyền Thiên Đế Quân. Một đêm, Lư Hoán mộng thấy một cụ già tóc bạc phơ đến bảo rằng: “Quán này nên đặt là Khai Nguyên, thôn này cũng đặt là thôn Khai Nguyên, dựng bia để biểu dương công đức của thần”. Khi Lư Hoán thức dậy theo lời cụ già bèn đặt tên quán, tên thôn, dựng bia cạnh làng Xuân La (nay thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ) và nêu rõ công vua Khai Nguyên nhà Đường. Qua các triều đại ngôi đền linh thiêng được gọi là quán Già La hay còn gọi là thần Già La, khoảng năm 725.

Theo cuốn thần phả “Bản xã thần ký” còn lưu giữ tại đình thì Đại vương là vị thổ thần: “…Lúc bấy giờ đê bị nước dâng lên ngập lụt, đời sống nhân dân cơ cực, khi ấy Thổ thần linh ứng báo mộng rằng: “Ta sẽ âm phù cứu người, cứu dân, cứu nước”. Nạn hồng thủy mà các triều thần không ai hàn gắn nổi, tấu biểu lên nhà vua, quan khâm sai nhận chỉ về lập đàn tế lễ cầu cứu thành hoàng. Đại vương ứng mộng cho thổ thần sáng hôm sau vào giờ Thìn có một cây gỗ lớn trôi đến ngăn dòng nước lũ. Để ghi nhớ công ơn của vị thổ thần, vua cho nhân dân xây dựng miếu để thờ phụng trên thế đất “hình nhân bái tướng”, bên ngoài hoa tươi đầy cửa, bên trong bút nghiên hội tụ, phía Đông có dòng nước ngược chầu về, phía Nam có nhà minh đường mở ra, phía Tây dựa trên thế “rùa vàng ngậm châu”, phía Bắc có núi tổ dẫn mạch. Xung quanh ruộng đất chầu về như lá cờ lớn trên gò, bên ngoài thất diệu (mặt trăng, mặt trời, ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) bao quanh 3 vòng cầu vồng tiếp dẫn, ở giữa có giếng chí huyệt. Từ đó, làng đổi thành Phú Gia mang nghĩa một làng quê trù phú, đình được dân thờ phụng kể từ đó.

Trước đây, đình có quy mô nhỏ, đơn giản gồm ba gian hai dĩ, trong những năm gần đây được sự quan tâm của UBND quận Tây Hồ, phường Phú Thượng và Công ty TNHH Nam Thăng Long đã đầu tư trùng tu lại ngôi đình nên diện mạo đình Phú Gia hiện nay khá bề thế trang nghiêm.

Đình được xây dựng trên một khu đất khá rộng cao thoáng ở trung tâm của làng Phú Gia và quay theo hướng Tây, di tích có tường bao quanh, diện tích khoảng gần 2.000m2. Phía trước là hệ thống các cây cổ thụ tạo không gian mát mẻ, trang nghiêm, cổ kính. Ngoài cùng là ao đình được xây dựng theo hình tròn, diện tích khoảng 300m2, mùa hè được thả hoa sen tỏa hương thơm ngào ngạt tạo không gian thông thoáng tươi đẹp cho ngôi đình.

Nghi môn là một nếp nhà ngang ba gian làm bằng gỗ khá độc đáo, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp dạng bờ đình, đầu của hồi nóc xây cong hình mũi thuyền. Phần trên của các bờ dải cũng được làm cao khoảng 30cm, đầu mũi được tạo cong. Sân đình được chia thành nhiều cấp khác nhau, dọc hai bên sân có hai hàng cây cổ thụ gần nhà tả hữu mạc.

Tòa đại đình gồm 5 gian mới được chính quyền và nhân dân tu bổ lại trong thời gian gần đây bằng gỗ trên các bộ vì được thể hiện kiểu chồng rường, tiền kê, hậu bẩy. Mái lợp ngói ta, các ngói mái được thể hiện các đầu đao cong hình đầu rồng hướng ngược về nóc mái. Phía trước là hệ thống cửa bức bản bằng gỗ. Nhà đại đình được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc chạy thẳng chính giữa đắp đôi rồng chầu mặt trời lửa. Hình rồng được làm đơn giản, đuôi xoắn, vây lưng và bờm nhọn. Hai bên hồi xây tường nối ra hai cổng nhỏ thông ra phía sau.

Hậu cung gồm 3 gian nhà ngang, làm kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Nền nhà lát gạch, bộ khung nhà làm đơn giản vì kèo quá giang, bào trơn bóng bén, phía trước mặt là hệ thống cửa bức bàn gỗ. Gian chính giữa ở vị trí trung tâm đặt long ngai, bài vị ngai thờ và tượng thờ của thành hoàng làng.

Đình Phú Gia còn được biết đến là nơi lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa nghệ thuật. Đáng chú ý là hai cuốn thần phả bằng chữ Hán ghi công tích của thần Khai Nguyên. 12 Đạo sắc phong, trong đó, có 8 đạo thời Lê, 1 đạo thời Tây Sơn và 3 đạo thời Nguyễn. Mới đây, người dân địa phương đã bổ sung thêm 4 đạo sắc phong nữa, ngoài ra, đình đang lưu giữ một đôi hạc, một đôi lân, một đôi kim kê được tạc khắc tinh xảo cùng nhiều hiện vật thờ tự khác từ thế kỷ XVII. Đặc biệt, trong đình Phú Gia còn lưu giữ tấm bài vị thời Mạc, đó là hiện vật cực kỳ quý hiếm của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Hàng năm, để tưởng nhớ công đức của đức thánh dân làng lấy ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày lễ hội đình làng để tỏ lòng thành kính và cảm tạ Thần đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, dân làng sống thanh bình, hạnh phúc.

Đình được Bộ Văn hóa thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2010.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Phú-Gia.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh phu gia.docx”]

Hits: 3253

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *