CHÙA XUÂN LA

Chùa Quán La còn gọi chùa Xuân La, tên chữ Khai Nguyên Tự, có từ cuối thế kỷ 17, ở ngõ 38 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Phường Xuân La thành lập năm 1995 từ một xã ở ngoại thành Hà Nội, trong có làng Quán La Xã, tên cổ là đỗng Dà La, một vùng đất có nhiều gò cao ở phía tây hồ Tây. Cho đến thế kỷ 10, từng có sông Thiên Phù chảy qua bến Lâm Ấp ở Dà La, phía bắc thông ra sông Hồng ở bến Nhật Tân, phía nam nối với sông Tô Lịch ở vùng Bưởi. Dân Dà La thời đó đông đúc, có nghề trồng lúa, đánh cá và buôn bán. Đầu thế kỷ 11, sông Thiên Phù bị lấp hoàn toàn, đỗng Dà La mới mất vị thế giao thông quan trọng.

Vào đời vua Đường Minh Hoàng, niên hiệu Khai Nguyên, thứ sử Quảng Châu là Lư Hoán sang giữ Giao Châu, đóng quân lập phủ ở Dà La, đổi tên đỗng thành thôn An Viễn. Đạo Giáo thời đó đang phát triển, Lư Hoán cho dựng quán Khai Nguyên trên gò Thất Diệu để thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Về sau thôn An Viễn lại đổi theo tên quán thành thôn Khai Nguyên, dân quen gọi nôm na là làng Quán La. Trên gò nay vẫn còn cây thị hơn nghìn tuổi, được gắn biển “Cây di sản Việt Nam”.

Quán Khai Nguyên suốt mấy trăm năm từng có nhiều đạo sĩ tới tu luyện trước khi đạo Giáo suy thoái. Thời Lý, các vị vua đóng đô ở Liễu Giai gần đó nên thường đến thăm. Vào đời vua Trần Dụ Tông (1341—1369), nhà sư Vân Thao cho trùng tu quán rồi đổi thành chùa, đặt tên là An Dưỡng tự. Về sau, do mạt pháp, sư bỏ đi nơi khác, chùa bị hoang phế, dân chuyển làm miếu thờ Sơn thần, nay vẫn còn dấu tích ở trước cổng đình Quán La.

Đến cuối thế kỷ 17, dưới thời Lê trung hưng, chùa mới được dựng lại trên một khoảnh đất bằng phẳng cạnh đình Quán La gần gò Thất Diệu và đổi tên là Khai Nguyên tự. Ngày nay, ở bên phải lối vào cổng phụ của ngôi chùa ở phía đông có một gốc đa cổ thụ cũng được gắn biển “Cây di sản Việt Nam”. Qua cổng này là một ngõ dài đi chếch vào sân chùa trước, xuyên qua khu vườn nhiều cây cối. Cổng chính nhìn về hướng nam, bị các nhà cao tầng mới mọc của dân che khuất.

Khu chùa chính được xây hiện đại, trang trí đơn giản ít cửa võng, hình dáng vẫn theo kiến trúc truyền thống kiểu “nội công ngoại quốc”. Toà Tam bảo nhìn về hướng nam ra sân gạch lớn. Tiền đường 7 gian và hậu điện sâu 3 gian, rộng rãi, cao ráo, lại có cửa ngách tạo sáng. Hai bên là hai dãy hành lang dài nối xuống nhà hậu.

Cổng phụ của chùa ở phía nam dẫn khách đi thẳng vào sân trước khu chùa chính, ở bên trái và phía sau là khu nhà Tổ, nhà Mẫu và nhà Tăng, tất cả đều mới được trùng tu. Khu này có một sân gạch khác nhìn ra hồ bán nguyệt đắp kè đá, có cầu sắt bắc ngang, ở giữa cầu dựng tượng Quán thế âm Bồ tát bằng cẩm thạch trắng toát. Phía tây-bắc chùa là khu phụ và một vườn cây nữa, diện tích khá rộng.

Trong chùa có quả chuông khắc tên “Khai Nguyên tự chung”, được đúc vào tháng Chạp năm đầu niên hiệu Thiệu Trị (khoảng đầu năm 1842), sau khi quả chuông đúc năm Nhâm Thân niên hiệu Chính Hòa (1692) bị thất lạc. Chùa Khai Nguyên hiện lưu giữ một cuốn sách gỗ (mộc thư) có ba chữ “Khai Nguyên tự”. Chùa còn có tấm bia niên hiệu Thái Đức thứ 11 triều Tây Sơn (1778) nói về quá trình tu bổ chùa.

Bên dưới các pho tượng Phật tam thế, ở tầng thứ 5 giữa chính điện có bày tượng Quán thế âm thiên thủ thiên nhãn ngồi phía sau các tượng Cửu Long và Tuyết Sơn đầu quấn khăn, lưng khoác vải. Điều đặc biệt là ở hai đầu hồi tiền đường còn có nhiều bức tượng nằm trong các động đá nhỏ. Ngoài các tượng khác thường thấy trong chùa như tượng Đức Ông, Thánh hiền, Hộ pháp, Thập điện Diêm vương và bộ tượng Mẫu, lại có một pho nữa được cho là tạc vua Đường Minh Hoàng.

Chùa Khai Nguyên và đình Quán La Xã có chiều dài lịch sử đặc biệt và hiếm thấy ở Việt Nam. Tại đây còn lưu giữ được 18 đạo sắc phong, 11 bia đá cổ ghi chép việc tu sửa, tôn tạo đình, chùa. Cụm di tích này đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 03-01-1992.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Chùa-Xuân-La.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua xuan la.docx”]

Hits: 4568

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *