CHÙA TRÍCH SÀI

Chùa Trích Sài tức chùa Soài, tên chữ Thiên Niên Tự, có ít nhất từ đầu thế kỷ 18, ở góc phố Lạc Long Quân, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Chùa toạ lạc ven bờ tây Hồ Tây, nơi Trích Sài giáp Xuân La, cả hai đều là những làng cổ của Kẻ Bưởi. Thời Lý – Trần, vùng Bưởi thuộc phủ Ứng Thiên bên ngoài thành Thăng Long. Thời Hậu Lê thuộc phủ Phụng Thiên. Thời Nguyễn, năm Gia Long thứ 4 (1805) phủ Phụng Thiên đổi tên thành phủ Hoài Đức (khác huyện Hoài Đức của trấn Sơn Tây). Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) phủ Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Nội; từ ngày 6-12-1904 cắt về tỉnh Hà Đông, năm 1942 lại nhập vào Hà Nội.

Đời Hồng Đức (1470 – 1497) một cung nữ Champa do vua Lê Thánh Tông mang về từ phương nam là Phạm Thị Ngọc Đô đã cùng 24 thị tỳ rời kinh thành ra sống ở ven Hồ Tây. Vua ban cho họ 80 mẫu đất thôn Trích Sài để lập trang Thiên Niên, ý muốn được bền vững lâu dài. Tương truyền các bà đã dựng chùa và miếu ở đây, lại truyền nghề dệt lĩnh và dạy cách trồng dâu, nuôi tằm cho dân.

Đến đời Minh Mạng (1820 – 1841) ngôi chùa tại trang Thiên Niên được xây lại và mang tên Thiên Niên cổ tự. Từ năm 1893 trở đi chính thức có sư trụ trì. Trong chùa hiện còn một tấm bia đá ghi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ năm (1709) là minh chứng xưa nhất cho thấy chùa ít ra cũng đã tồn tại qua hơn ba thế kỷ từ thời Lê trung hưng đến bây giờ.

Đầu thế kỷ 21, chùa Thiên Niên cùng một số di tích khác của làng Trích Sài đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đánh giá, xếp hạng và tổ chức trùng tu nhân dịp chuẩn bị Đại lễ mừng sự kiện 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tiếp theo, sư trụ trì đã cho sửa hướng và sắp xếp lại vị trí các công trình trong khuôn viên. Cho nên độc giả cần chú ý đến thời điểm chính xác của các bức ảnh chụp ngôi chùa này.

Ảnh vệ tinh chụp sau khi trùng tu cho thấy Tam quan cũ (đánh dấu sao) đã bị đập bỏ hoàn toàn, xung quanh chỗ đó nay là một khu vườn rộng. Dãy tường dài của chùa Thiên Niên xây cao nhưng ta vẫn có thể nhìn thấy mái toà Tam bảo và các ngọn tháp từ ngoài phố Vệ Hồ, con đường mới đặt tên ngày 9-12-2011 sau khi thành phố cho làm kè bao quanh Hồ Tây. Quang cảnh chùa rộng rãi và đẹp đẽ vì chỉ cách mặt nước mênh mông hơn chục bước chân.

Cổng tam quan mới (dấu mũi tên) xây khá đồ sộ và mở về hướng tây ra vỉa hè của đường Lạc Long Quân thoáng đãng, thuận tiện cho du khách tới thăm. Qua cổng ta bước vào một sân dài chạy thẳng về hướng đông, bên trái là khu vườn thứ hai. Bên phải cổng có phủ thờ Mẫu mới xây, gồm hai toà nhà 5 gian 2 dĩ nằm song song với nhau thành hình chữ “Nhị”. Trước mặt phủ là một sân rộng áp vào nhà hậu cung sâu 3 gian của toà Tam bảo.

Chùa chính cũng rộng 5 gian 2 dĩ, kết cấu với hậu cung theo hình chuôi vồ, tuy nhiên khi xây lại đã xoay mặt sang hướng đông. Toà Tam bảo nhìn qua một sân nhỏ và vườn cây thẳng ra Hồ Tây. Bên trái tiền đường là một sân nhỏ khác và toà nhà Tổ 5 gian, vẫn quay mặt về hướng nam như cũ. Sau lưng nhà Tổ có một khu vườn với 8 ngôi tháp mộ của các sư Tổ (trùng hợp với tên Bát Tháp). Các tháp trước kia lô nhô khác nhau và quét vôi trắng, nay dịch chuyển về phía hồ và xây to cao hơn, bên ngoài giống nhau, để gạch trần màu đỏ.

Ở chính điện chùa Thiên Niên có đôi câu đối chữ Hán, tạm phiên âm như sau:

Tiền tu Bát Tháp di tung phế dã tất hữu hưng Lãng Bạc hồ đầu khôi Tịnh độ

Hậu khởi Thiên Niên hiển xướng tân chi dĩ tồn cựu Sài Trang địa diện ngật linh khu.

Tạm dịch là:

Trước sửa sang dấu lưu Bát Tháp, phế nhưng ắt lại chấn hưng, hồ Lãng Bạc tinh khôi cõi Phật

Sau dựng nên hiển tích Thiên Niên, mới mà vẫn còn giữ cũ, trang Trích Sài sừng sững đất thiêng.

Chùa hiện lưu giữ 34 pho tượng tròn, ghi niên đại từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Lại có một nguồn tư liệu quý bao gồm 7 bia đá, tấm cổ nhất được dựng vào năm 1709. Một tấm bia do nhà sư Phan Văn Tựu soạn khắc vào năm 1901 cho biết vào cuối đời Lê, có quan Thái bảo Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn đã giúp tu sửa lại chùa và cúng ruộng hậu; trong nhà Tổ, ở ban thờ bên trái có tượng của ông.

Trích Sài có nghĩa là đốn củi. Xưa kia Hồ Tây có rừng rậm xung quanh, ngoài việc đốn củi và săn bắn, dân làng thường làm nghề đánh cá và bắt trai, ốc, hến, tôm, cua. Khi dân làng Trích Sài xây đình cũng đã tôn ông lão đánh cá Mục Thận làm thành hoàng làng. Sân đình có đôi rồng đá, tương truyền thời thành Thăng Long bị binh hỏa, dân làng rước từ đó về.

Đình nay ở số 223 phố Trích Sài, bên trái Văn chỉ của làng. Bên phải Văn chỉ có am Gia Hội, nơi lưu giữ sự tích trừ hồ tinh của hai nàng công chúa con vua Lý Nam Đế (544 – 548) là Vạn Phúc, Vạn Lộc với sự giúp sức của Vạn Thọ phu nhân. Trước kia vùng này có gò Bát Tháp, núi Ngũ Nhạc và nhiều nơi ẩn nấp các loài ác thú được coi như yêu quái. Nghe nói nền am vốn là một đàn tế để trấn trị hồ tinh, hàng năm có lễ quốc tế ở đây.

Vùng Bưởi không chỉ giàu về nghề làm giấy mà còn được biết tiếng bởi lĩnh hoa. Lĩnh Bưởi mát mẻ, nhẹ nhàng, óng ả, không dính và không nhàu. Từ xưa đã có câu ca dao đúc kết những sản phẩm dệt chất lượng cao của các làng nghề thủ công xung quanh Hà thành như sau:

The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng

Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên.

Ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm dân làng Trích Sài lại tổ chức tế lễ tưởng niệm bà Tổ nghề dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô, dù như không còn ai nối nghề dệt tay. Trang ấp nay đã thành phố xá nhưng bóng chùa Thiên Niên vẫn nhắc nhở chúng ta nhớ về truyền thống văn hoá phong phú xưa kia của một vùng ven Hồ Tây. Chùa Trích Sài được xếp hạng Di tích văn hoá quốc gia năm 1992.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Chùa-Trích-Sài.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua trich sai.docx”]

Hits: 712

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *