ĐÌNH THANH TRÌ

Đình Thanh Trì nằm giữa khu dân cư đông đúc, có kiến trúc khá đẹp. Căn cứ vào tấm bia niên hiệu Gia Long (chữ mờ không rõ niên đại), bia ký ngày 20/3 niên hiệu Tự Đức 30 (1877) và bia niên hiệu Tự Đức năm 35 (1882) có thể xác định đình Thanh Trì trước đây được xây dựng từ thời Nguyễn.

Qua các tư liệu thành văn và truyền thuyết dân gian đều khẳng định Đình làng Thanh Trì thờ Bát vị Thành hoàng, đó là: Thánh Linh Lang đại vương; Thánh Cao Sơn đại vương; Thánh Đô Hồ đại vương; Thánh Long Uyên đại vương; Thánh Uy Linh chính là Uy Linh Lang đại vương; Thánh Linh Cảm đại vương; Thánh Độ Hộ đại vương; Thánh An Sinh đại vương. Đó là những vị Thánh đã có công giúp dân giúp nước.

Đình luôn được quan tâm đầu tư và tu bổ. Đợt tu bổ lớn nhất vào thời phong kiến là năm Tự Đức năm thứ 30 (1877), cách đây hơn 200 năm. Tấm bia “Hậu phật bi ký” ở Đình cho biết bà Trần Thị Khiết, người làng Thanh Trì, lúc ở trong cung vua, phủ chúa đã công đức tiền để dân xây dựng hai tòa nhà dải vũ đình và mua ruộng lo việc hương đăng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình đã bị tiêu thổ, chỉ còn lại tứ trụ và nghi môn ngoại. Trước khi xảy ra sự việc, dân làng đã chuyển bộ kiệu long đình, kiệu cống về chùa Triệu Khánh. Trước nguyện vọng của nhân dân cũng như chính quyền địa phương, đến năm 1993, ngôi đình mới đã được phục dựng lại trên nền đất của di tích cũ trước đây với quy mô kiến trúc tương đối lớn.

Đình Thanh Trì có mặt bằng hình chữ “Đinh” gồm tiền đường và hậu cung, được xây dựng theo kiểu nhà 4 mái, ba gian hai trái, các góc mái được làm cong, tạo hình rồng, bờ nóc đắp cao hình rồng chầu hổ phù đội mặt trời lửa, diềm mái trang trí hình triện móc và hình lá cách điệu. Đầu bẩy hiên chạm chữ Thọ.

Tiền tế xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, trên bờ nóc đắp nổi hai đầu rồng chầu. Hai hồi phía trước xây cột đồng trụ, đỉnh cột đắp nghê, phía dưới là lồng đèn, thân trụ bổ khung đắp câu đối chữ Hán. Qua ba bậc tam cấp là vào đến khu kiến trúc chính cao hơn mặt sân khoảng 40cm, xung quanh bó gạch vỉa. Tiền tế mở ba cửa bức bàn ở ba gian giữa, cửa làm bằng gỗ kiểu “Thượng song hạ bản” phía trên chạm trổ hệ thống “tứ linh, tứ quý”. Trên đỉnh các cột quân chạm hình cánh sen. Hệ thống vì kèo kết cấu kiểu “giá chiêng”, các đấu kê chạm hình cánh sen, giá chiêng bào trơn, bốn bộ vì nách ở hai bến trái làm kiểu ván bưng vẽ đề tài văn triện và lá cách điệu hình hòm sắc, hồ lô, nền nhà tiền tế lát gạch men hoa.

Ngoài nhà tiền tế: Tại gian giữa là một án thờ bằng bê tông, bên trên bài trí các đồ thờ và các cột có một số câu đối ngợi ca công đức của các vị Thành hoàng làng.

Hậu cung gồm một gian hai trái, vì kèo bằng gỗ, kết cấu giá chiêng chồng rường con nhị, toàn bộ hệ thống vì được đứng chân trên hệ thống dầm và cột bê tông giả gỗ. Các đấu kê chạm hình cánh sen, giá chiêng bào trơn, bốn bộ vì nách ở hai trái làm kiểu ván bưng vẽ đề tài văn triện và lá cách điệu hình hòm sắc, hồ lô. Trong hậu cung, ở chính giữa xây một sập thờ bằng bê tông ốp gạch men, bên trên bài trí các đồ thờ tự, chính giữa hậu cung xây một bệ gạch cao khoảng 1,4m bài trí năm bộ long ngai bài vị thờ thần.

Mặc dù đình Thanh Trì mới được phục dựng song vẫn đảm bảo nghệ thuật kiến trúc – điêu khác đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ và chứa đựng nhiều yếu tố thuần Việt, mang bản sắc văn hóa dân tộc, có giá trị nghệ thuật độc đáo. Các công trình kiến trúc của đình được bố trí một cách hài hòa trong một không gian rộng, thoáng, phía trước đình có hồ nước rộng, như để tạo thế phong thủy, các tòa nhà ẩn mình dưới bóng cây cổ thụ quanh năm xanh tốt, bao quanh di tích tạo thế trang nghiêm. Tòa đình chính có kiến trúc hình chữ Đinh, lối kiến trúc cổ truyền được thể hiện khá rõ nét trong các bố cục kết cấu vì kèo. Tuy công trình đã trải qua chiến tranh nhưng hiện nay vẫn còn lưu giữ lại cổng Nghi môn ngoại xây kiểu tứ trụ thế kỷ XIX, đỉnh Nghi Môn đắp kiểu 4 phượng (đã bị gãy vỡ), phía dưới là hình mui luyện trang trí hổ phù, phía trên trang trí lồng đèn, bốn mặt được đắp nổi đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng). Phần thân trụ phía dưới bổ khung ghi đôi câu đối chữ Hán, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, được người dân địa phương chú ý giữ gìn, bảo tồn cẩn thận.

Mặc dù trải qua bao biến cố và những thăng trầm của lịch sử, hiện nay, đình còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị như: 02 bộ bát bửu thế kỷ XIX trong đó, đặc biệt là bộ bát bửu gồm 8 chiếc, nghệ thuật thế kỷ XIX được chạm nổi cầu kỳ những đề tài rồng, phượng, hoa lá linh thiêng mang tính chất tượng trưng và ước vọng; Chóe sứ rước nước thế kỷ XIX, cao khoảng 80cm men trắng vẽ lam trang trí dây hoa và phong cảnh mây nước; Đôi hạc đồng đứng trên lưng rùa biểu tượng của sự trường tồn, vĩnh cửu mang đậm nét giá trị nghệ thuật thế kỷ XIX. Đặc biệt, tại đình Thanh Trì hiện còn lưu giữ được 03 tấm bia có giá trị: bia niên hiệu Gia Long (chữ mờ hiện không rõ niên đại); bia niên hiệu Tự Đức 30 (1877); bia niên hiệu Tự Đức 35 (1882). Ngoài ra, còn có các di vật khác như: ngai, bài vị, kiệu rước, cuốn thư, hoành phi, câu đối…các di vật này được chạm khắc công phu, tinh xảo và được phủ thếp vàng lộng lẫy.

Với những giá trị hiện còn, ngôi đình đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử – nghệ thuật tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND ngày 28/5/2009.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Thanh-trì.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh thanh tri.docx”]

Hits: 1426

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *