ĐÌNH QUAN NHÂN

Đình Quan Nhân còn được gọi là đình trong, thuộc làng Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Tương truyền đình xưa kia ở xứ đồng “nền đình”, sau được dời vào giữa làng. Đình hiện nay được xây dựng trên một khu đất cao và rộng tại xóm Quan Nhân, nhìn theo hướng Đông Bắc, ngay cạnh đình là chùa Quan Nhân (Sùng Phúc tự).

Trong quần thể di tích liên quan đình Quan Nhân còn phải kể tới phủ Dực Đức thờ Thánh Bà Trương Mỵ nương, nhà Mộc dục là nơi tắm Thánh trong những ngày lễ hội (xưa), đình Hội Xuân nơi rước kiệu Thánh Ông, Thánh Bà ra ngự trong những ngày lễ hội và Văn chỉ của làng. Các công trình này đã tạo thành một quần thể kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo hợp nhất của làng.

Đình Quan Nhân thờ Trung Nghĩa đại vương Hùng Lãng công và Thánh Bà Trương Mỵ nương, con gái làng Quan Nhân. Hằng năm nhân dân tổ chức lễ hội, và cứ 2 năm một lần rước kiệu Thánh Ông, Thánh Bà ra đình Hội Xuân dự lễ hội vui vào ngày 11 tháng Hai âm lịch tục còn gọi là rước thánh du xuân.

Đình có kiến trúc khá bề thế, quy mô rộng, phía trước có ao sen, xung quanh trồng nhiều cây ăn quả, cây cổ thụ toả bóng mát như thông, nhãn…

Các hạng mục kiến trúc đình được dựng theo kiểu nội công ngoại quốc gồm có Cổng đình, Tả vu, Đại bái, Hậu cung, Ống muống, nhà bia và hệ thống sân, vườn hoa, t­ường bao xung quanh khu di tích. Ngoài ra, phía bên tả liền toà Đại bái có Tầu Voi là nơi để voi thờ phục vụ lễ hội. Nơi thờ Thành hoàng làng đư­ợc đặt ở chốn thâm nghiêm nhất gọi là Hậu cung.

Cổng đình Quan Nhân đ­ược xây dựng theo kiểu Nghi môn trụ gồm 2 trụ chính, tiếp đến là hai bức t­ường lửng có đắp hoạ tiết hoa văn chữ “triện”, rồi đến hai bên mở hai cửa nhỏ. Ở giữa hai trụ chính là lối ra vào rộng rãi đến sân đình. Tiếp với lớp sân đình là hiên tòa Đại bái với gian giữa có bậc lên xuống bằng đá xanh, hai bên có hai nghê đá chầu quay mặt vào giữa tạo thành bậc lan can lên xuống. Đại bái được dựng 5 gian 2 chái theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, tới hai bức hình phong và hai trụ biểu, một bên là rồng một bên đắp hổ, trên hai trụ biểu có đắp nghê chầu nhau.

Kết cấu toà Đại bái được làm thống nhất với các bộ vì theo kiểu thượng giá chiêng hạ kẻ chuyền; kiến trúc gỗ ở đây đều được tạo tác linh hoạt và uyển chuyển với nhiều đề tài chạm khắc dân gian sinh động, tinh xảo, tập trung chủ yếu vào đề tài rồng, tứ linh, mây, sóng nước, hoa lá…

Tiếp qua Đại bái, nhà Thiêu h­ương là phần kiến trúc chạy dọc với ba gian nối Đại bái với Hậu cung hay còn gọi là nhà Ống muống. Ở đây vì kèo kết cấu đơn giản, trang trí tập trung vào các cốn với nhiều đề tài trang trí truyền thống, mang lại dáng vẻ uy nghi và trầm mặc cho khu vực thiêng liêng tiếp tới cửa hậu cung nơi Thành hoàng làng ngự. Nền của toà Thiêu hương được nâng cao hơn so với nền Đại bái, được lát gạch hoa (đầu thế kỷ XX), phần chạy dọc Thiêu hương ở chính giữa được xây nâng cao hơn so với nền thiêu hương tạo thành bục, là nơi cho nhân dân, khách thập phương đặt lễ thuận tiện khi hội làng. Nhà Thiêu hương có nhiều đồ thờ tự, trang trí cầu kỳ, đẹp. Hậu cung đình cùng với nhà Thiêu hư­ơng và toà Đại bái đã hợp với nhau tạo nên kiểu chữ “công” () khá phổ biến trong kiến trúc đình làng cổ truyền thế kỷ XVII-XVIII.

Hậu cung là toà nhà 3 gian 2 dĩ nằm phía trong cùng, song song với Đại bái là nơi bài trí khám thờ Đức Thành hoàng và Bách quan văn võ cùng nhiều đồ thờ tự. Toà hậu cung đ­ược làm theo kiểu t­ường hồi bít đốc, vì kèo đơn giản, đề tài chạm khắc ít, tập trung chủ yếu ở khám thờ và ở các bức cốn hiên phía trư­ớc Hậu cung với các đề tài tứ quý, hoa lá, hồi văn…

Phía sau Hậu cung là nhà bia, tàu ngựa được dựng đơn giản, trong đó đặt các bia hậu của đình và đôi ngựa thờ. Phía ngoài bên trái Đại bái là tàu Voi. Voi được mang rước trong những ngày hội làng.

Chính nơi Tàu Voi của đình là kho thóc thu thuế của Nhật đã được các tổ chức Thanh niên cứu quốc, Đội tự vệ, quần chúng nhân dân tổ chức lấy thóc chia cho dân quanh vùng cứu đói vào ngày 21-7-1945. Tin Việt Minh phá kho thóc của Nhật thắng lợi đã làm cho địch hoang mang, nhân dân càng tin tưởng hơn vào cách mạng. Cũng tại đây, vào trung tuần tháng 12-1946, đồng chí Vương Thừa Vũ trực tiếp tổ chức, động viên, thành lập một Tiểu đội các chiến sĩ bảo vệ Thủ đô và dự buổi lễ tuyên thệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các chiến sĩ “Vệ quốc đoàn”. Không khí trang nghiêm, oai hùng của Vệ quốc đoàn đã nhanh chóng lan truyền sang lực lượng tự vệ và nhân dân Nhân Chính ngày đó. Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, về cơ bản, quân và dân Nhân Chính đã ở tư thế sẵn sàng đánh địch bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương.

Đình Quan Nhân bảo lưu được nhiều di vật có giá trị, trong đó phải kể tới tấm bia dựng năm Chính Hoà 22 (1701) đời vua Lê Hy Tông; tấm bia đồng khắc năm Tự Đức thứ 6 (1853) chép về sự tích vị thần được thờ; ngoài ra còn hệ thống bi ký, sắc phong; hệ thống các bức hoành phi, câu đối, cửa võng; chuông đồng; khánh đồng cùng nhiều di vật thờ tự khác.

Đình đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật năm 1989. Ngày 27-8-2006, nhân dân Quan Nhân, Nhân Chính vinh dự được tổ chức Lễ đón nhận Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và gắn biển Di tích cách mạng – kháng chiến cho di tích đình Quan Nhân.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Dinh-Quan-Nhan.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh quan nhan.docx”]

Hits: 3502

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *