ĐÌNH PHƯƠNG LIỆT

Đình làng Phương Liệt được gọi theo tên làng là đình Phương Liệt. Ngoài ra, đình còn được gọi là đình Giáp Cửu hoặc theo tên nôm là đình Vọng.

Đình Phương Liệt được xây dựng trong quần thể di tích gồm đình, chùa, miếu. Đình nằm liền kề khu dân cư, nhìn theo hướng Đông – Nam.

Trước kia, làng Phương Liệt (làng Vọng) nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long, thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đổi thành tỉnh Hà Nội. Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) địa bàn này thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Nội, sau thuộc phường Phương Liệt, quận Đống Đa. Từ năm 1997 di tích thuộc phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Tới di tích, ta có thể đi từ trung tâm Hà Nội theo đường Giải Phóng khoảng 2km, đến cầu vượt Ngã Tư Vọng rẽ phải vào Ủy ban nhân dân phường Phương Liệt. Đình Phương Liệt nằm đối diện với Ủy ban nhân dân phường.

Đình Phương Liệt là công trình kiến trúc tín ngưỡng được xây dựng từ lâu đời, thờ Thành hoàng làng là Cao Sơn đại vương và Tích Lịch Hỏa Quang (Hoả Quang tôn thần). Đa số truyền thuyết hiện còn lưu giữ được đều cho rằng thần Cao Sơn có tên là Nguyễn Hiền (Hiền công), cùng với em ruột là Nguyễn Sùng (Sùng công) là vị thần thứ 2 trong Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, đã có nhiều công lao giúp dân, giúp nước chống lại kẻ thù và khắc phục thiên nhiên.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, đình Phương Liệt từ xưa đến nay vẫn quay hướng Nam, trước cửa đình có giếng lớn và ao tụ thủy, là nơi cầu mong hạnh phúc, trường tồn cùng với nghi môn trụ biểu to lớn, mặt trụ đắp các đôi câu đối bằng vôi vữa rất đẹp, nhưng đến nay đã mất.

Hiện nay, quy mô của đình Phương Liệt gồm nhiều hạng mục công trình: Nghi môn trụ biểu, Tả mạc, Đại đình kết cấu hình chữ “nhất” () và một số công trình kiến trúc phụ trợ phía sau cùng với hệ thống sân, vườn bao quanh khu di tích.

Nghi môn đình Phương Liệt được xây dựng rất đơn giản, chỉ có 2 trụ biểu bằng vôi vữa tạo lối đi vào đình. Tiếp đến là toà Đại đình được xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc 5 gian, 2 mái chảy lợp ngói ri. Bên trong, kiến trúc gỗ được kết cấu thống nhất kiểu thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ bẩy trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Hoa văn trang trí ở đây đơn giản, chủ yếu là bào trơn đóng bén, soi gờ chạy chỉ tạo sự bền chắc cho bộ khung đỡ mái. Ở gian giữa phía trong Đại đình là nơi thâm nghiêm nhất, tại đây có bài trí một nhang án, bên trên đặt đồ thờ tự và bài vị của Thành hoàng làng.

Bên trái đình là nhà Tả mạc làm kiểu nhà dọc với 3 gian, 2 mái chảy lợp ngói ri là nơi chuẩn bị đồ tế lễ lên Thành hoàng.

Ngoài những giá trị lịch sử tiêu biểu, đình Phương Liệt còn là cơ sở cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối năm 1944, đình và chùa Phương Liệt là nơi hoạt động bí mật và phát triển được một tổ Việt Minh. Đình là trạm thông tin liên lạc, nhận tài liệu phục vụ tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đây là nơi học tập bí mật, tập trung lực lượng vạch kế hoạch giành chính quyền ở làng cũng như trong vùng. Ngày 19-8-1945, tại sân đình tổ Việt Minh đã tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân tổ chức mít tinh, tuyên bố giành chính quyền. Hai nhà Tả Hữu mạc của đình lúc đó được sử dụng làm trụ sở làm việc của Ủy ban cách mạng lâm thời, sau này là trụ sở của Ủy ban kháng chiến lâm thời.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình và chùa là nơi đi lại, cất giấu vũ khí, tài liệu của các chiến sĩ biệt động. Có lần quân Pháp bắt được chiến sĩ biệt động của ta, chúng đã lùa dân chúng ra sân đình để ép nhận mặt cán bộ. Mặc dù bị uy hiếp, đàn áp nhưng không ai chỉ điểm khai báo.

Với những giá trị về lịch sử kiến trúc và giá trị lịch sử cách mạng kháng chiến, đình Phương Liệt đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1993. Di tích luôn được các tổ chức chính trị xã hội, Hội người cao tuổi, bà con nhân dân và chính quyền các cấp quan tâm bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo.

Năm 2001, quận Thanh Xuân đã đầu tư kinh phí để phục hồi lại Hậu cung đình – nơi đã bị bom Mỹ đánh sập trong những năm kháng chiến chống Mỹ (1965-1972). Đình Phương Liệt đang hoàn thiện hồ sơ gắn biển Di tích cách mạng – kháng chiến nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2010).

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Dinh-Phuong-Liet.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh phuong liet.docx”]

Hits: 1918

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *