ĐÌNH NHA

Đình Nha nằm trong một khuôn viên bằng phẳng bên sườn đê sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội gần 10km. Thời Lê, khu vực này thuộc thôn Nha, xã Cổ Linh, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc; đến thời Nguyễn là tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1961 đến năm 2003 thuộc xã Long Biên, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Hiện nay, di tích thuộc tổ 18, phường Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Đình Nha được gọi là Nha Thôn, một làng cổ nằm trong khu vực dày đặc các dấu tích văn hóa lịch sử lâu đời của dân tộc. Cách làng không xa về phía Đông – Nam là “Viễn Dịch quán”. Từ thời Lý đến thời Lê Trung Hưng đây là nơi dừng chân của các sứ thần phương Nam trước khi vào Thăng Long bệ kiến triều đình. Giáp phía Đông là đô cũ Cổ Bi được dựng thời Lê – Trịnh. Theo sách Thượng Kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thì dầu thời Lê, Nha Thôn là một đồn binh lớn do quân Đại Việt xây dựng để chống giặc phương Bắc. Năm Nhâm Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43 (1728), sau khi bốc thuốc chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm ở Thăng Long, trên đường về quê cũ Hải Dương, Lê Hữu Trác có qua Thôn Nha, thấy cảnh “chùa miến huy hoàng, gà gáy, chó sủa ran làng xóm, tiếng hát của nông dân vang vọng khắp cánh đồng” đã tạo cảm hứng cho ông sáng tác bài thơ nổi tiếng trong chuyến đi này.

Đình Nha được xây dựng trong thời kỳ nở rộ của kiến trúc đình làng. Đình thờ vị Phúc Thần mà truyền thuyết cho rằng đã có công với nước, đó là Linh Lang Đại Vương. Linh Lang là một nhân vật phổ biến trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt, đặc biệt quan trọng với người dân Thăng Long, vì đây chính là vị Thần trấn giữ phía Tây kinh thành Thăng Long. Tại nhiều làng quê, sự tích về Ngài đều có những tương đồng và đôi chút dị biệt. Hiện, đình Nha vẫn còn lưu giữ được bản sao cuốn Thần Phả do quan Hàn lâm các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào ngày 10 tháng Giêng năm Hồng Phúc Nguyên niên (1572). Theo Thần phả, Linh Lang Đại vương vốn là con của Long Quân, vâng mệnh trời thác xuống làm hoàng tử nhà Lý, giúp vua chống giặc ngoại xâm. Đánh tan giặc rồi, được nhà vua hậu thưởng cho phép nhân dân xa gần phụng thờ. Nha Thôn là một trong hơn 200 nơi quanh thành Thăng Long được triều đình ban chiếu cho xây đền miếu để thờ phụng.

Đình Thôn Nha khởi nguyên là một công trình kiến trúc hoàn chỉnh với khuôn viên cây xanh bao quanh, qua thời gian và nhu cầu bảo vệ một trong những công trình thủy lợi cổ kính của dân tộc, nên khuôn viên ngày nay không còn. Hiện nay, dù chưa tìm được tư liệu đề cập đến niên đại khởi dựng chính xác của ngôi đình, nhưng trên câu đầu của đình vẫn còn lưu giữ niên đại của những lần tu sửa đình vào thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX). Đứng trên mặt đê sông Hồng nhìn xuống có thể thấy ngôi đình nằm trong một khuôn viên gọn, đẹp. Đình có bố cục chữ tam với 3 nếp nhà nằm liên tiếp nhau nhìn về hướng Nam, gồm Đại đình, Trung đình và Hậu cung. Đại đình rộng 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Bộ khung gỗ của tòa Đại đình rất vững chắc, với 6 bộ vì chính đứng trên hệ thống xà đai thượng hạ. 2 bộ vì gian giữa được làm kiểu “chồng rường giá chiêng, bẩy hiên”, các rường nách là những ván dày chồng khít tạo thành dạng cốn mê, 4 bộ vì các gian bên làm thống nhất theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ”.

Trung đình là nếp nhà 3 gian tương ứng với 3 gian giữa của Đại đình, được làm theo kiểu 8 mái với các đầu đao uốn cong, đầu của các đao có hình Rồng hướng về nóc mái, bờ nóc bờ dải đắp nổi các hình đầu Rồng, Nghê. Hai mặt trước và sau Trung đình để trống, thông với Đại đình và Hậu cung. Liền với Trung đình là cung cấm, 3 gian kết cấu đơn giản, gian giữa xây bệ gạch cao là nơi ngự của Thành hoàng làng. Giá trị nghệ thuật của ngôi đình tập trung chủ yếu ở các mảng chạm trên kiến trúc, đặc biệt là ở Đại đình.

Với chức năng sử dụng khác nhau nên những mảng chạm trên từng bộ phận kiến trúc của ngôi đình Nha cũng mang những nét riêng biệt. Nếu Trung đình được chạm khắc đơn giản các đề tài mây, lá, thì cấu kiện gỗ trên tòa Đại đình cũng là nơi nghệ nhân xưa tập trung thể hiện những tinh hoa vào nghệ thuật điêu khắc. Đề tài chủ đạo vẫn là tứ linh, tứ quý, văn thực vật, nhưng bằng sự kết hợp các kỹ thuật chạm nổi, chạm lộng, chạm bong kênh trên các xà, kẻ, đầu bẩy, đầu dư khiến chúng trở nên sinh động và mang một thần thái rõ rệt. Đặc biệt, tại gian giữa Đại đình có 4 bức cốn chạm trổ ở cả hai mặt với các đồ án văn hoa truyền thống như mai, trúc, rồng mây cuốn thủy, văn mây… được thể hiện công phu, tỷ mỷ bằng kỹ thuật chạm khắc rất đa dạng và tinh tế, góp phần biến những cấu kiện kiến trúc thành những tác phẩm nghệ thuật, xứng đáng là một đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ XIX.

Hiện nay, di tích còn lại một số hiện vật có giá trị như bức hoành phi có bốn chữ Hán lớn Thượng đẳng tối linh, di vật này được làm ở Huế vào thế kỷ XIX và do một vị đại thần của vươn triều Nguyễn làm giai tế của làng cung tiến. Ngoài ra, còn long ngai, bài vị, bộ kiệu, long đình mang đặc trưng của nghệ thuật thế kỷ XIX đều là những hiện vật quý cần được bảo quản và giữ gìn.

Trải qua thời gian và những biến động lịch sử ngôi đình vẫn trường tồn cùng những tập tục của làng. Trong mỗi nếp nhà, lối kết cấu truyền thống vẫn luôn được gìn giữ kết hợp hài hòa với các mảng trạm, phong phú về đề tài và sinh động trong cách thể hiện, đạo tạo nên sức hút và vẻ đẹp bền vững cho ngôi đình Nha. Hiện nay, tuy chưa là một điểm tham quan du lịch, nhưng nằm trên tuyến đường với làng cổ Bát Tràng, đình Nha sẽ là một di tích thu hút sự quan tâm của khách thập phương xa gần. Với những giá trị tiêu biểu trên, đình Nha đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-làng-Nha.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh lang nha.docx”]

Hits: 835

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *