ĐÌNH MAI PHÚC

Đình Mai Phúc thờ Xuân Vinh Đại vương và Bà Son Công chúa, địa chỉ số 85 phố Mai Phúc, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội.

Làng Mai Phúc có từ rất lâu đời, xưa kia thuộc quận Gia Lâm dưới thời Lý, trước đó thuộc huyện Long Biên trong thời Bắc thuộc. Theo sử sách địa phương và thần phả thì trong địa phận của làng từng quây quần một cụm di tích bao gồm Đình Trong, Đình Ngoài, Từ Vũ và Nghè Hoa. Không may, hầu hết các di tích đã bị chiến tranh và thời gian phá hỏng, chỉ còn lại Đình Trong tức đình Mai Phúc như được gọi bây giờ.

Đình Trong vốn là một ngôi đền liên quan đến các sự tích từ thời Đinh Tiên Hoàng. Tương truyền vào thế kỷ 10, hai anh em nhà họ Lê ở đây đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân và bảo vệ làng quê Mai Phúc. Đền được xây dựng để tưởng nhớ ông Chung Vinh (hay Xuân Vinh Đại vương) và bà Luận Nương (hay Bà Son Công chúa) cùng cha mẹ của hai vị sau khi họ mất.

Đình Trong đã được tặng rất nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến trước kia. Ngày 21- 01- 1992, theo quyết định số 97/VH/QĐ Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình và chùa Mai Phúc là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Hàng năm đến ngày sinh của Đại vương (12 tháng Giêng), của Công chúa (12 tháng Hai) và ngày hóa của hai vị (25 tháng Chạp), dân làng tổ chức tế lễ long trọng, còn hội đình thì mở vào ngày 10 tháng Chạp (âm lịch).

Đình Trong tuy xây trên nền của ngôi đền nói trên nhưng không giữ được dấu tích kiến trúc gì thật cổ vì đã trải qua tu sửa, tôn tạo nhiều lần trong mấy trăm năm. Ngôi đình còn tồn tại cho đến ngày nay mang dấu ấn của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, bao gồm bái đường và hậu cung, xếp song song theo kiểu chữ “Nhị”.

Đình Trong quay mặt về hướng đông – nam. Nhà bái đường rộng ba gian hai dĩ, xây kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, nóc đắp lưỡng long triều nguyệt. Hậu cung rộng ba gian, đầu hồi bít đốc. Có lẽ được xây muộn hơn ngôi đình là các dãy nhà tả hữu vu ở hai bên sân trong. Cổng nghi môn có hai cửa phụ đối diện qua sân ngoài với hai nhà bia nhỏ giáp liền con đường làng. Phía bên kia đường là một hồ nước hình chữ nhật và các chung cư mới xây đằng sau.

Đình Mai Phúc hiện lưu giữ được 28 sắc phong qua các triều đại. Sắc phong có niên đại sớm nhất là năm Dương Đức thứ 3 (đời vua Lê Gia Tông, 1674). Tiếp theo là các sắc phong mang niên hiệu Chính Hòa (Lê Hy Tông, 1675 -1705) và Vĩnh Thịnh (Lê Dụ Tông, 1705 – 1729) v.v.. Ngoài ra còn có hai chiếc áo hoàng bào đặt trong khám thờ.

Đáng chú ý quyển sách làm bằng 12 lá đồng khổ 18x34cm, nặng khoảng 5.7kg, được khắc chữ Hán vào năm Khải Định thứ 5 (1920). Mỗi trang đều có đánh số, gồm từ 7 đến 8 dòng, không trang trí. Tổng cộng sách có hơn 2000 chữ khắc chìm kiểu chân phương (mỗi dòng gồm từ 5 đến 12 chữ). Trong sách không ghi tên họ của người khắc chữ. Nội dung sách là thần tích về thành hoàng Đại vương và Công chúa, do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn thảo.

Trong đình Mai Phúc đặc biệt còn có đôi chân đèn bằng gốm hoa lam mang niên hiệu Diên Thành thứ 7 (1583) dưới thời nhà Mạc, do một người ở xã Bát Tràng cung tiến. Những cứ liệu trên cho thấy ngôi đền hoặc đình đã tồn tại ít nhất từ cuối thế kỷ 16. Trong đình lại có một bộ chén thờ bằng bạc, một số lư hương, bình rượu, giá bát bửu và một chóe đựng nước… mang dấu ấn nghệ thuật thế kỷ 19.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Mai-Phúc.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh mai phuc.docx”]

Hits: 994

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *