ĐÌNH – ĐỀN KIM GIANG

Trên khu đất cao ráo tại tả ngạn sông Tô Lịch, về phía Tây Nam nội thành Hà Nội có sự hiện diện của cụm di tích đình – đền Kim Giang, thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Cụm di tích này đã được Bộ Văn hoá thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng tại Quyết định 100-VH/QĐ ngày 21/1/1989.

Đình Kim Giang còn có tên gọi là đình Lủ Cầu, thờ vị thành hoàng làng Mạo Giáp Hoa, người ở Phong Châu, sinh ngày 12 tháng 2 năm Quý Mùi. Mẹ ngài mang thai hơn một năm mới sinh ngài. Mạo Giáp Hoa tuy trẻ nhưng thân phủ phi phàm, tướng mạo khác người, mặt vuông chữ điền, bụng dạng chữ tâm, da vân sắc đẹp tựa hồng hoa, gặp ai cũng cười vui hoan hỉ, trí tuệ hơn người, đức hạnh ưu việt. Mạo Giáp Hoa rất hiếu học và thông minh, năm 16 tuổi đã lập được nhiều chiến công, khai bình bảo quốc đánh giặc lập công. Thời ấy, đất nước thanh bình, nhân dân sung túc, triều đình mở khoa thi chọn người hiền tài. Mạo Giáp Hoa ứng thi, đỗ thủ khoa, thi Đình đỗ Hoàng Giáp. Nhà vua phong ngài làm đốc học Sơn Tây, được 6 tháng thăng lên làm Tham Tri bộ Binh. Vừa lúc nước nhà gặp biến, bờ cõi có giặc ngoại xâm, vua giao cho Mạo Giáp Hoa thống lĩnh ba nghìn sĩ tốt, bao vây đồn giặc ở Hiệp Thượng, Hiệp Hạ (Sơn Tây) giành thắng lợi lớn.

Trên đường dẫn đại quân chiến thắng trở về Thăng Long, qua trại Cầu, trang Kim Lủ, phủ Thường Tín, ngài cho quân nghỉ lại, mở tiệc ăn mừng cùng nhân dân địa phương, hôm đó là ngày rằm tháng 7. Tại trại Cầu, ngài thấy ở đây có địa thế cảnh sắc đẹp, con người hiền hậu, nhân hòa, bèn ban cho nhân dân ba trăm quan tiền để lập miếu thờ. Đến ngày 12/1 năm Đinh Hợi, tự nhiên mưa gió, sấm chớp, trời quang không thấy ngài đâu nữa. Ngài được vua phong là thượng đẳng thần. Từ đó, dân làng Kim Giang lấy ngày sinh của ngài ngày 12/2 mở hội.

Đền Kim Giang có tên gọi khác là đền Lủ Cầu, toạ lạc giữa đình và chùa Kim Giang. Đền Kim Giang thờ Mẫu Sòng – Liễu Hạnh, một trong những “Tứ bất tử” trong tâm thức của người Việt. Đền được trùng tu, tôn tạo năm 2014 và có quy mô khá đồ sộ so với các ngôi đền khác. Về kiến trúc nghệ thuật, đình – đền Kim Giang mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thế kỉ XIX. Đình gồm các hạng mục: nghi môn, bức bình phong, tả hữu mạc, đại bái và hậu cung. Đền gồm các hạng mục: lầu bát giác giữa hồ bán nguyệt, tiếp đến là sân gạch dẫn đến đại bái và hậu cung kết cấu chữ đinh, hai bên sân gạch bên hữu là nhà thờ đức thánh Trần và bên tả là nhà thờ Tam toà Thánh Mẫu. Các hạng mục kiến trúc chính của đình – đền Kim Giang như đại bái và hậu cung đều được kiến tạo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp bằng ngói ri. Bên trong, các bộ vì tương ứng với các gian được kết cấu theo cách thức “Thượng giá chiêng, hạ kẻ ngồi, bảy hiên”. Nét đặc sắc, nổi bật nhất trong kiến trúc đình – đền Kim Giang là hạng mục Hậu cung của đền với 3 gian nhà dọc nối liền với gian giữa Đại bái, được kiến tạo dạng 2 tầng 6 mái với đao cong, ba mặt được bưng kín tạo thành không gian thiêng liêng bài trí khám và tượng Mẫu Liễu Hạnh.

Bên cạnh giá trị về kiến trúc, đình – đền Kim Giang còn lưu giữ được hệ thống di vật khá phong phú. Các di vật tiêu biểu như: bức hoành phi khá lớn của đền đề 4 chữ Hán “Duy nhạc giáng thần”, bằng chất liệu gỗ, được sơn son thếp vàng, tỉ mỉ với những chi tiết chạm vân hoa lá, hoa lá hoá rồng, hoành phi đề niên hiệu Duy Tân 8 (1914); hệ thống khám và tượng thờ đức thánh Mẫu, cửa võng kép đề Thánh cung vạn tuế, bộ kiệu rước… Đây là những di vật – đồ tế khí mang bức thông điệp lịch sử, có giá trị về mặt nghệ thuật cần được bảo quản, giữ gìn tốt.

Lễ hội truyền thống của làng Kim Giang được tổ chức vào các ngày gắn với ngày sinh, ngày hoá của vị thần được thờ tại di tích. Hội chính được tổ chức trong ngày 12/2, bắt đầu bằng lễ rước bảng sắc phong từ nhà sắc về đình, đền. Đi đầu đoàn rước là đội múa rồng do thanh niên làng đảm nhiệm sau đó là các cháu thiếu nhi rước ảnh Bác Hồ, tiếp là đội tế lễ nam và nữ. Đội múa sinh tiền được các cháu thiếu nhi biểu diễn suốt cả đoạn đường rước kiệu mang lại không khí vui vẻ nhí nhảnh hồn nhiên của trẻ thơ. Bảng sắc phong đi cùng đoàn rước kiệu do hội phụ nữ làng đảm nhiệm, sau cùng là đội lễ của nhân dân trong làng và ngoài làng cùng tham gia lễ hội. Buổi chiều được tiếp tục với các tiết mục hoạt động vui chơi trao giải thưởng cho các trò chơi đạt giải tại sân đền, như như chọi gà, chơi cờ tướng, đánh đu…

Với những giá trị như trên, đình – đền Kim Giang đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng tại quyết định 100 VH/QĐ ngày 21/1/1989. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích đình – đền Kim Giang là việc làm cần thiết và lâu dài, thiết thực góp phần bảo vệ nền văn hoá của dân tộc, qua đó giáo dục tình yêu quê hương đất nước đối với thế hệ trẻ.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Đền-Kim-Giang.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh den kim giang.docx”]

Hits: 2864

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *