ĐÌNH KHUYẾN LƯƠNG

Đình Khuyến Lương thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai. Đình thờ vị tướng quân nổi tiếng thời Trần là Trần Khát Chân. Đình được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích ngày 13/10/1996.

Trần Khát Chân là hậu duệ của Bảo Nghĩa Trần Bình Trọng, quê làng Hà Lãng, phủ Vĩnh Ninh (nay là xã Hà Lương, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Cha ông là một thầy lang. Ông sinh năm 1370 (Canh Tuất). Ngay từ nhỏ, ông đã là người ham học. 18 tuổi, chàng trai Trần Khát Chân đã có tiếng là văn võ song toàn. Năm 1388 (năm Mậu Thìn), ông thi đỗ Thái học sinh; sau đó được triều đình trọng dụng phong làm tướng quân chỉ huy đội quân Long Tiệp.

Tháng 10/ 1389 (năm Kỷ Tỵ), quân Chiêm lại kéo quân sang đánh nước ta. Lần này, đích thân Chế Bồng Nga – vua nước Chiêm Thành chỉ huy. Trước cảnh quân nhà Trần liên tiếp thua trận, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông bèn sai tướng Trần Khát Chân, lúc đó chỉ là một võ tướng cấp thấp chỉ huy đội quân Long Tiệp đi đánh giặc. Trần Khát Chân khẳng khái vâng mệnh vua ra trận. Quân ta xuất phát từ sông Hồng, đi đến Hoàng Giang (Hà Nam) thì gặp giặc. Trần Khát Chân quan sát thấy địa hình ở đó khó tổ chức đánh trả, bèn lui quân về giữ Hải Triều (thuộc sông Luộc chảy qua Phủ Cừ – Hưng Yên và Hưng Hà – Thái Bình) và tổ chức thế trận để đánh giặc. Do được quân hàng của Chiêm Thành chỉ điểm thuyền của Chế Bồng Nga, Trần Khát Chân cho tập trung hỏa lực, bắn thẳng vào thuyền của Chế Bồng Nga. Chế Bồng Nga trúng đạn chết tại trận. Quan quân nhà Chiêm bị mất chỉ huy như rắn không đầu, bị đánh cho chạy tán loạn.

Để thưởng công cho Trần Khát Chân, vua Thuận Tông phong cho ông làm Long Tiệp bổng thần nội vệ Thượng tướng quân, gia phong tước Vũ tiết quan nội hầu và được cấp hai tổng Đông Thành và Nguyễn Xá làm thái ấp; sau lại ban thêm cho ông và người em là Trần Nguyên Hạng xã Kẻ Mơ (nay là Hoàng Mai).

Năm 1394, thượng hoàng Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly bắt vua Thuận Tông nhường ngôi cho con trai là thái tử Án mới có 3 tuổi, rồi sai người giết chết Thuận Tông (1399). Kể từ năm 1397, Hồ Quý Ly bắt đầu cho xây dựng kinh đô mới ở Thanh Hóa (ngày nay vẫn còn thường gọi là thành Tây Đô, hoặc thành nhà Hồ). Những việc làm của Hồ Quý Ly đã làm cho một số quan lại ôm ấp tư tưởng trung thành với họ Trần càng thêm bất mãn. Họ cấu kết với nhau tìm cách mưu sát Hồ Quý Ly. Trong số đó có anh em Trần Khát Chân và Trần Nguyên Hạng.

Việc mưu sát bất thành, Trần Khát Chân cùng 370 người liên quan khác bị giết và tịch thu gia sản. Sau khi ông mất, tưởng nhớ công lao của ông đối với dân, với nước, nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ, trong đó, có đình Khuyến Lương, vốn tên nôm là Mai Chợ, thuộc vùng Kẻ Mơ, thái ấp của danh tướng Trần Khát Chân khi xưa.

Ngôi đình được xây dựng theo hướng Đông Nam, kết cấu chính kiểu chữ đinh với Đại bái và Hậu cung. Đại bái 5 gian lớn, theo kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì được kết cấu theo các kiểu thức: vì kèo; giá chiêng chồng rường, bẩy hiên ván mê. Các cấu kiện gỗ được trang trí hình rồng và hoa lá cách điệu. Đặc biệt là các đầu dư được tạo tác hình đầu rồng theo nhiều dáng vẻ khác nhau, có đầu đã chạm đầu rồng với đuôi hất thẳng về phía sau chạy vào thân cột, có đầu dư thể hiện râu tóc xoắn vào nhau như hình số 8, đuôi hất ngược ra sau, để lộ thân rồng hình thân trúc… Về cơ bản chạm khắc ở đây là chạm lộng, chạm bong kênh, chạm nổi miệng rồng ngậm viên ngọc to tròn. Ngoài ra, các bức còn ở xà nách chạm nổi hình tượng tứ linh, mây lá cách điệu. Tất cả tạo nên sự uy nghi, trang nghiêm, lộng lẫy cho ngôi đình cổ.

Đình Khuyến Lương còn lưu giữ được nhiều di vật quý như 10 đạo sắc phong của các triều Lê, Nguyễn; 2 tấm bia đá; 3 hương án gỗ được sơn thếp; 6 đôi câu đối gỗ; 4 hoành phi gỗ; 3 bộ kiệu gỗ được sơn thếp; 2 bộ bát bửu; 1 đôi hạc thờ bằng gỗ thời Lê rất lớn cùng nhiều đồ thờ tự khác như chân nến, lọ hoa, đài nước… Tất cả đã góp phần tạo nên giá trị to lớn cho ngôi đình, khẳng định bề dày lịch sử của di tích.

Không chỉ là một di tích thờ tự thần Thành hoàng làng, đình Khuyến Lương còn là một địa chỉ đỏ trong kháng chiến cứu quốc. Đây chính là một trong những cơ sở hoạt động của Đảng, nơi liên lạc hội họp của cán bộ du kích quận VI trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Làng Khuyến Lương cũng đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và chúc Tết, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Đó là ngày mùng 1 Tết Tân Sửu, tức ngày 15/2/1961. Đây là niềm vinh dự lớn lao mà nhân dân Khuyến Lương có được.

Đình Khuyến Lương ngoài ý nghĩa về mặt văn hóa, tâm linh, còn là nơi thể hiện sự suy tôn của nhân dân địa phương đối với bậc dũng tướng trung nghĩa, anh hùng, có công lao lớn với dân, với nước, là minh chứng cho truyền thống tốt đẹp, trân trọng quá khứ, uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta. Hiện, đình Khuyến Lương là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong vùng.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Khuyến-Lương.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh khuyen luong.docx”]

Hits: 1384

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *