ĐÌNH KHƯƠNG HẠ

Đình Khương Hạ (tên nôm gọi đình Gừng) là một di tích lịch sử văn hóa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993. Nơi đây từng được quân Quang Trung chứa vũ khí để đánh đuổi quân Thanh.

Theo bản sắc phong sớm nhất ở đình ghi niên hiệu Đức Long 5 (1633) cho thấy đình Khương Hạ được xây dựng từ khá sớm, ít nhất đã có từ thế kỷ XVII. Trước 1945, đình thuộc thôn Khương Hạ xã Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Đình Khương Hạ thờ vị Thành hoàng làng là Lê Dương Vệ, một danh tướng sống vào cuối đời Lê Sơ đã có nhiều công lao. Khi nhà Mạc chiếm ngôi nhà Lê năm 1527, Ngài mang quân phò Lê, chống Mạc. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lê Dương Vệ đã mang quân chống quyền thần Mạc Đăng Dung nhưng thất bại, có lần phải đưa vua Lê Chiêu Tông về ẩn tại đình Vòng. Năm 1526, Mạc Đăng Dung bắt giam vua ở phường Đông Hà và bí mật sai Bái Khê bá Phạm Kim Bảng giết Lê Chiêu Tông, đem chôn tại lăng Vĩnh Hưng rồi năm sau ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi.

Ngôi đình Khương Hạ có kiến trúc bề thế, khang trang, cùng với những mảng chạm khắc độc đáo vẫn còn nguyên vẹn đã làm tăng giá trị cổ kính của di tích. Nhìn một cách tổng thể từ ngoài vào, đình Khương Hạ được xây dựng theo trục trung tâm quay về hướng Đông Nam, cổng chính mở ra con đường làng nay là phố Khương Hạ. Hệ thống kiến trúc đình Khương Hạ bao gồm nhiều lớp: Nghi môn, sân đình, tả hữu mạc, tiền tế, đại bái và hậu cung.

Nghi môn gồm bốn trụ biểu, trên mỗi cột chính có đắp bốn chim phượng chụm đuôi, trên hai cổng phụ có đôi nghê chầu. Từ cổng chính đi vào, có tượng đôi voi đứng, được tạc bằng đá xanh, to gần bằng voi thật. Qua cổng là sân đình rộng rãi, được lát gạch đỏ. Trước cửa đình đặt hai cây đèn và hai con nghê đá lớn, được làm từ đầu thế kỷ XX.

Hai ngôi nhà nằm song song hai bên sân đình là hai dãy nhà tả hữu mạc, mỗi dãy ba gian, có kiến trúc đơn giản được lợp bằng ngói ta. Tả, hữu mạc là nơi để sắp xếp lễ vật dâng lên Thành Hoàng và để cho bà con nghỉ chân trong dịp lễ hội, là nơi tiếp khách, đặt kiệu. Hai bên đều có cây đa cổ thụ che bóng mát.

Di tích đình Khương Hạ chủ yếu mang phong cách kiến trúc nghệ thuật cuối thời Nguyễn. Toà nhà đại đình là toà nhà có kết cấu hoành tráng nhất trong tổng thể kiến trúc của khu di tích. Toà đại đình được đặt trên một nền đất cao, có kiến trúc theo kiểu liên hoàn với nhà tiền tế năm gian hai dĩ, lợp ngói ta, trên đắp hình lưỡng long chầu mặt trời. Tòa đại bái rộng bảy gian, kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Hậu cung của ngôi đình mang tính chất sâu lắng nhất, đó là nơi thờ tự chính của ngôi đình nó thể hiện tính chất thâm nghiêm nhất trong tổng thể kiến trúc của di tích. Hậu cung cũng có nhiều mảng chạm khắc với đề tài tứ linh ở y môn, cửa võng, hương án, khán thờ mang đậm nét của nghệ thuật chạm gỗ cuối thời Nguyễn. Tại đầu hiên tiền tế là tượng đắp nổi hai ông Hộ pháp Thiện – Ác đứng đối diện nhìn nhau.

Lưng đình giáp với sân hậu hình vuông có diện tích khá rộng, lát gạch và có nhiều cây cổ thụ tạo nên một không gian văn hóa cổ kính và linh thiêng. Dọc bên sân là một hồ nước hình chữ nhật, diện tích khoảng 1000m2.

Đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý mang đậm nét của nghệ thuật chạm gỗ cuối thời Nguyễn

Tồn tại cho đến nay, ngoài các công trình kiến trúc nghệ thuật, đình Khương Hạ còn lưu giữ được nhiều bộ phận kiến trúc và hiện vật cùng tượng mang phong cách Hậu Lê và Nguyễn. Đặc biệt, trong khuôn viên đình có ba gian nhà học và một tấm bia Khương Hạ học đường dựng năm Bảo Đại thứ 8 (1933). Đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý gồm: sáu tấm bia đá ở tường nhà tả mạc, một nhang án gỗ chạm rồng, hổ phù, mây, một long ngai, bài vị, một khám thờ, hai bức đại tự, hai mươi mốt đạo sắc phong có niên đại từ năm Đức Long thứ 5 (1633) đến năm Khải Định thứ 9 (1924).

Cùng với những biến cố thăng trầm của lịch sử, đình Khương Hạ đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, mở mang. Ngày nay, đình có vị trí và quang cảnh đẹp, là nơi vui chơi, luyện tập thể dục thể thao của người già và các cháu nhỏ, là nơi thư giãn của mỗi người sau những giờ làm việc căng thẳng.

Lễ hội đình làng Khương Hạ được tổ chức trọng thể hàng năm vào ngày 12 tháng 2 Âm lịch, trong đó có các tiết mục đặc sắc như lễ chạy mã, múa rồng, múa sư tử, đấu cờ người, đấu vật, hát chèo…

Lễ hội truyền thống đình Khương Hạ là hoạt động văn hóa, tâm linh thường niên của chính quyền và nhân dân phường Khương Đình, nhằm phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, không chỉ thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân trên địa bàn phường nói chung mà còn mang đậm phong tục, tập quán cổ truyền của dân tộc.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Dinh-Khuong-Ha.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh khuong ha.docx”]

Hits: 2653

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *