CHÙA SỞ THƯỢNG

Chùa Sở Thượng là tên gọi theo địa đanh của thôn trước đây, tên chữ là Hưng Phúc tự. Chùa hiện nay thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Sở Thượng là một làng Việt cổ, nằm ở tả ngạn sông Hồng, phía Nam kinh thành Thăng Long, một vùng đất có lịch sử tạo dựng và phát triển rất sớm, với vị thế hiểm yếu án ngữ đường thuỷ phía Nam kinh đô Thăng Long. Làng Sở Thượng hình thành vào cuối thế kỷ XV, vốn là đất An Duyên hay Yên Duyên vào thời Lê Thánh Tông (1460 – 1479). Đất Sở Thượng là sở đồn điền, vừa rộng lại nhiều hồ ao, có điều kiện phát triển thành làng mạc trù phú, đồng thời là một khu căn cứ quân sự về đường thuỷ rất quan trọng để bảo vệ phía Nam kinh thành Thăng Long trong những cuộc chiến tranh giữ nước.

Cũng như nhiều ngôi chùa khác trong vùng, chùa Sở Thượng được xây dựng để thờ Phật nhằm thoả mãn nhu cầu văn hoá tâm linh của một cộng đồng dân cư. Theo bài minh khắc trên quả chuông đồng niên hiệu Cảnh Thịnh (1797) cho thấy tương đối chính xác về niên đại khởi đựng ngôi chùa và việc trùng tu, tạc tượng Phật của chùa. Chùa Sở Thượng được xây dựng trên khu đất rộng phía sau đền Sở Thượng, có quy mô bề thế khang trang, cùng với đình Sở Thượng ở vị trí phía trước tạo thành một cụm di tích thắng cảnh nổi danh trong vùng. Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đình làng bị phá để tiêu thổ kháng chiến, ngôi chùa cũng bị hư hại khá nặng. Tuy nhiên, những công trình kiến trúc của chùa hiện còn mang đậm phong cách kiến trúc tôn giáo truyền thống. Cổng tam quan xây kiểu ngũ quan hai tầng, bố cục kiến trúc theo chiều dọc, được tạo bởi hệ thống các cột trụ biểu, tầng dưới trổ ba cửa lớn kiểu vòm cuốn, tầng trên xây kiểu bốn mái, chồng diêm, mái lợp giả ngói ống, chính giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao đều đắp các hình rồng đuôi xoắn, mặt ngoài đắp ba chữ Hán tên chùa Hưng Phúc.

Nối tiếp cổng chính chạy dọc hai bên tường là hai cổng nhỏ, xây bằng gạch có kiểu dáng tương tự cổng chính nhưng kích thước nhỏ hơn. Qua cổng tam quan dẫn vào khu sân vườn được bố cục hài hoà với các công trình. Hai nhà vuông làm nhà bia và lầu Quan âm, kiến trúc hai toà nhà này tương tự nhau kiểu nhà vuông tám mái, mái lợp ngói ta, các đầu đao đắp hình rồng được tạo cong vút. Qua hai toà nhà này, bên phải là vườn tháp mộ, gồm năm ngọn tháp. Đây là những tháp mộ của các hoà thượng, sư tổ của chùa đã viên tịch. Phía trong hai nhà vuông là khoảng sân rộng lát gạch vuông, hai bên sân xây hai dãy nhà dải vũ, mỗi dãy năm gian kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta.

Chùa chính kết cấu chữ đinh gồm tiền đường và thượng điện. Nhà tiền đường năm gian được xây trên nền cao hơn mặt sân 50cm, xung quanh nền bó vỉa gạch. Toàn bộ phần mái hiên của toà nhà xây kiểu tam quan, chồng diêm, bốn mái, lợp ngói ta, loại ngói mỏng mũi cong như gợn sóng, giữa bờ nóc mái thượng đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, các đao mái đắp nổi hình rồng cách điệu. Phần chính giữa đắp bức cuốn thư, hai bên đắp nổi bức tranh tích nhà Phật. Hai hồi nhà tiền đường xây hai trụ biếu, đỉnh trụ đắp hình bốn chim phượng cách điệu. Toà thượng điện ba gian, một đầu nối với gian giữa tiền đường chạy dọc về phía sau. Nội thất bốn hàng chân, các vì kèo đỡ mái kết cấu vì kiểu “chồng rường”, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Nền nhà lát gạch vuông.

Chùa Sở Thượng có khởi nguồn tạo dựng từ thời Lê, trải mấy trăm năm tồn tại, qua những biến động thăng trầm của lịch sử dân tộc, chùa cũng có nhiều đổi thay về diện mạo kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Tuy vậy, dấu ấn của lịch sử hình thành của chùa còn thể hiện qua hệ thống di vật. Về số lượng không nhiều nhưng những di vật đều mang giá trị tiêu biểu của nghệ thuật chạm khắc mấy thế kỷ qua. Tiêu biểu là bộ tượng tròn gồm 30 pho có kích thước lớn nhỏ khác nhau được tạo tác vào thế kỷ XVIII, XIX, XX. Đáng quan tâm nhất là toà Cửu long và tượng Thích Ca sơ sinh được tạo tác bằng chất liệu đồng vào năm Cảnh Thịnh (1797), cùng với việc đúc chuông và tu sửa chùa. Bộ tượng Tam Thế Phật cũng là những tác phẩm điêu khắc mang giá trị nghệ thuật thời Lê thế kỷ XVIII.

Các di vật bằng chất liệu đồng gồm hai quả chuông, trong đó một chuông niên hiệu Cảnh Thịnh (1797), có kích thước cao cả quai là 1,06m, đường kính 58cm, thân chuông trang trí hoa văn. Đây là một di vật quý hiếm ghi dấu ấn vàng son của lịch sử dân tộc, thời Tây Sơn. Sự hiện diện của chuông đồng thời vua Cảnh Thịnh thời Tây Sơn và dòng niên đại và bài minh khắc trên chuông còn được bảo toàn nguyên vẹn thể hiện tấm lòng yêu quê hương đất nước, trân trọng bảo vệ một triều đại chân chính oai hùng trong lịch sử đấu tranh giữ nước. Ngoài phương diện đó, chuông đồng còn là một tác phẩm nghệ thuật được tạo tác công phu tinh xảo bởi những nét trang trí hoa văn, đồng thời là nguồn sử liệu quý giá với những tên người, tên đất lịch sử phản ánh những cuộc biến thiên và tấm lòng mộ đạo của người dân Sở Thượng. Nguồn tư liệu thành văn ghi trên thân quả chuông đã góp phần không nhỏ trong việc tìm hiểu nghiên cứu lịch sử, phong tục tập quán của địa phương.

Năm 1991, nhân dân Sở Thượng đã phát hiện dưới lòng đất của chùa một số hiện vật chất liệu sứ men lam quý hiếm mang giá trị nghệ thuật thế kỷ XVIII như: choé sứ men trắng vẽ lam, thân trang trí hình rồng mây và bốn hình đầu khỉ ở gần cổ choé; một nậm rượu men trắng vẽ lam. Ngoài các di vật tiêu biểu nêu trên chùa còn lưu giữ 6 bức hoành phi, 8 đôi câu đối có nội dung ca ngợi công đức của Phật và cảnh đẹp của chùa. Chùa Sở Thượng là một trung tâm sinh hoạt văn hoá tâm linh của một cộng đồng dân cư và là nguồn sử liệu quý giá mang giá trị lịch sử về sự tồn tại của làng cổ Sở Thượng qua các triều đại trong lịch sử. Chùa Sở Thượng đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích nghệ thuật tại Quyết định số 95/QĐ-BVHTT ngày 24/01/1998.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Chùa-Sở-Thượng.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua so thuong.docx”]

Hits: 544

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *